Người Nhật Bản ưu ái nghĩa trang 4.0

Masayo Isurugi bước vào một buồng nhỏ trong tầng 6 tòa nhà bóng bẩy tại Tokyo, quét thẻ căn cước và chờ đợi hệ thống tự động chuyển tro cốt người chồng quá cố của bà đến.

Chú thích ảnh
Ngày càng có nhiều người Nhật Bản chuyển sang lựa chọn nghĩa trang kiểu hiện đại. Ảnh: AFP

Hãng thông tấn AFP (Pháp) cho biết ngày càng có nhiều người dân Nhật Bản không còn gắn với truyền thống chôn cất và để tang của nước này, thay vào đó họ chuyển từ nghĩa trang truyền thống đến loại hiện đại hơn.

Bà Masayo Isurugi (60 tuổi) chờ đợi tại một trong 10 buồng nhỏ ở tầng 6 của tòa nhà có tên Kuramae-ryoen, trong khi hệ thống máy móc đằng sau những bức tường di chuyển gần như âm thầm chiếc hộp zushi cùng với hũ đựng tro người chồng quá cố Go của bà.

Cửa gỗ trong buồng nhỏ lặng lẽ mở ra và một bàn thờ bằng đá màu tối, lấp lánh nổi lên với hộp zushi của ông Go ở giữa, trong khi một bức ảnh của ông xuất hiện trên màn hình. Kuramae-ryoe có thể lưu trữ tới 7.000 hộp zushi. Mỗi hộp này có thể chứa hai hũ đựng tro hoặc túi tro của 8 người.

Bà Masayo Isurugi chia sẻ với AFP: “Ban đầu, tôi cho rằng những cơ sở như thế này có thể lạnh lẽo và mình sẽ ủng hộ các ngôi mộ truyền thống hơn. Nhưng nay tôi nhận thấy việc có một địa điểm đến thăm được bất cứ khi nào tôi muốn để cầu nguyện là tốt hơn ngôi mộ gia đình mà tôi hiếm khi đến thăm”.

Gia đình bà Masayo Isurugi đã cân nhắc về nghĩa trang truyền thống nhưng phải mất 2 tiếng đồng hồ ngồi tàu hỏa để đến đó. Trong khi đó, Kuramae-ryoen chỉ cách nhà bà Masayo Isurugi một quãng di chuyển bằng xe buýt và bà có thể đến đây sau giờ làm việc.

Theo truyền thống tại Nhật Bản, hài cốt sau khi hỏa táng được đặt trong các lăng mộ gia đình được sử dụng qua nhiều thế hệ và do trưởng nam chăm sóc. Nhưng dân số già hóa của Nhật Bản dẫn đến việc mất cân bằng giữa số ngôi mộ mới và lượng người trẻ sẵn sàng đứng ra trông nom.

Các gia đình cũng ưu tiên khu vực thành thị, chứ không phải các nghĩa địa tổ tiên và nhiều người cao tuổi không có con trai để nhận trách nhiệm truyền thống.

Chú thích ảnh
Một nghĩa trang truyền thống tại Nhật Bản. Ảnh: AFP

Trước tình hình này, nhiều nghĩa trang hiện đại, trong không gian kín đã xuất hiện tại Nhật Bản. Những cơ sở này sẽ lưu trữ tro cốt của người mất trong một khoảng thời gian nhất định, thường có thể lên tới 3 thập niên.

Tro cốt cuối cùng được chuyển đến các đài tưởng niệm tập thể, nhưng tên người mất hoặc mã QR được khắc trên các thẻ bài để cung cấp thông tin cá nhân và các nhà sư cam kết sẽ tiếp tục dâng lễ cầu nguyện cho linh hồn của những người đã khuất.

Nghĩa trang hiện đại không chỉ thuận tiện hơn mà còn có giá thành hợp lý. Mỗi chỗ trống trong nghĩa nghĩa trang hiện đại có giá khoảng 7.100 USD, chỉ bằng một nửa so với nghĩa trang truyền thống.

Kuramae-ryoe sử dụng hệ thống máy móc do công ty Daifuku chuyên về lưu trữ, vận chuyển cho các nhà máy và nhà kho, phát triển.

Một lãnh đạo của Daifuku cho biết gần đây họ nhận được sự quan tâm từ nhiều thị trường khác ở châu Á.

Hà Linh/Báo Tin tức
Công ty Nhật Bản lên kế hoạch tạo lò phản ứng hạt nhân trên xe tải
Công ty Nhật Bản lên kế hoạch tạo lò phản ứng hạt nhân trên xe tải

Công ty Mitsubishi Heavy Industries (Nhật Bản) đã lên kế hoạch trong thập niên tới phát triển và thương mại hóa loại lò phản ứng hạt nhân nhỏ có thể vận chuyển trên xe tải.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN