Những điều cần biết về vệ tinh trinh sát mới của Triều Tiên

Giới chức và chuyên gia trên khắp thế giới đang tìm cách xác minh tuyên bố trong tuần này của Triều Tiên rằng nước này đã phóng thành công vệ tinh trinh sát đầu tiên.

Chú thích ảnh
Tên lửa mang vệ tinh trinh sát Malligyong-1 chuẩn bị được phóng tại tỉnh Bắc Kyungsang, Triều Tiên. Ảnh: KCNA/Reuters 

Theo hãng tin Reuters (Anh), trong vụ phóng vệ tinh trinh sát quân sự Malligyong-1 tối 21/11, Triều Tiên dường như đã khắc phục được các vấn đề kỹ thuật khiến 2 lần phóng tên lửa Chollima-1 trước đó lao xuống biển.

Tuy nhiên, thông tin vẫn chưa được xác nhận là liệu vệ tinh trinh sát Malligyong-1 có đang hoạt động trên quỹ đạo và Triều Tiên có nhận được sự trợ giúp nào từ bên ngoài hay không. Các nhà phân tích cho rằng phải mất một thời gian để xác định liệu vệ tinh này có ở quỹ đạo hoạt động, có gửi tín hiệu hay không và khả năng của nó là gì.

Ông Hong Min, chuyên gia cao cấp tại Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc, cho biết: “Để đánh giá sự thành công của lần phóng này, điều quan trọng không chỉ là xác định xem tên lửa có đi vào quỹ đạo hay không, mà còn phải đảm bảo khả năng điều chỉnh và tiến hành trinh sát từ quỹ đạo đó. Nhiệm vụ này bao gồm xác minh khả năng chụp ảnh bằng camera quang học và truyền dữ liệu phù hợp đến trung tâm vệ tinh”.

Triều Tiên chưa công bố hình ảnh của Malligyong-1. Tuy nhiên, ông Vann Van Diepen tại Trung tâm Stimson ở Mỹ nhận định rằng những bức ảnh do truyền thông Triều Tiên công bố sau chuyến thăm của nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới một cơ sở sản xuất trong năm nay cho thấy các vệ tinh nhỏ, chạy bằng năng lượng Mặt Trời đó rất giống với vệ tinh được phóng hôm 21/11.

“Có khả năng đây là một vệ tinh quang học tương đối nhỏ và có độ phân giải tương đối thấp. Nhưng ngay cả một vệ tinh có độ phân giải tương đối thấp cũng tốt hơn là không có vệ tinh nào”, ông nói.

Chuyên gia Van Diepen cho biết thêm rằng vệ tinh này khó có thể cung cấp cho Triều Tiên thông tin tình báo chi tiết về các hệ thống vũ khí cụ thể ở Hàn Quốc, song vẫn hữu ích trong việc xác định những vấn đề như hoạt động điều quân lớn. Theo ông, để phóng một vệ tinh có khả năng vượt trội hơn, Triều Tiên rất có thể sẽ cần phát triển một tên lửa lớn hơn, thứ mà nước này dường như đang chế tạo.

Sau lần thử nghiệm thất bại đầu tiên của Triều Tiên, Hàn Quốc đã thu hồi được một số mảnh vỡ Chollima-1 bao gồm các bộ phận của một vệ tinh mà nước này cho rằng có ít giá trị quân sự.

Chú thích ảnh
Tên lửa đẩy "Chollima-1” mang theo vệ tinh trinh sát “Malligyong-1” rời bệ phóng tại Bãi phóng vệ tinh Sohae ở quận Cholsan, tỉnh Bắc Phyongan, Triều Tiên ngày 21/11/2023. Ảnh: KCNA/TTXVN

Cơ quan tình báo Hàn Quốc hoài nghi Triều Tiên có thể đã vượt các rào cản kỹ thuật với sự giúp đỡ của Nga. Hồi tháng 9, Moskva đã công khai cam kết giúp Bình Nhưỡng chế tạo vệ tinh.

Nhiều chuyên gia cũng bày tỏ nghi ngờ rằng Moskva có thể hỗ trợ Triều Tiên trong khoảng 2 tháng sau đó.

Tuy nhiên, trong một bài đăng trên nền tảng truyền thông xã hội X (trước đây là Twitter), ông Jeffrey Lewis, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury, nhận định: “Còn quá sớm để khẳng định Triều Tiên đã nhận hỗ trợ từ Nga. Có thể người Nga đã đưa ra một số lời khuyên cho họ, song việc các quốc gia hỗ trợ và học hỏi nhau là điều bình thường”.

Giáo sư Chang Young-keun tại Đại học Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên sẽ không thể chế tạo một vệ tinh với sự hỗ trợ về công nghệ hoặc thiết bị của Nga trong thời gian ngắn ngủi đó. “Tuy nhiên, Nga có thể đưa ra một số phân tích về những thất bại trước đó và dữ liệu đo từ xa”, ông nói.

Ông Lee Choon-geun, chuyên gia tên lửa tại Viện Chính sách Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc, cho biết việc thay thế các bộ phận, cải tiến phần mềm, tích hợp hệ thống và phóng thử thường không thể được thực hiện nhanh chóng. Tuy nhiên, hỗ trợ của Nga vẫn có thể có giá trị trong các lĩnh vực quan trọng - như cải thiện khả năng của vệ tinh hoặc giải quyết tình trạng mất ổn định trong quá trình đốt cháy gây cản trở các lần phóng trước đó.

Chú thích ảnh
Tên lửa đẩy "Chollima-1” mang theo vệ tinh trinh sát “Malligyong-1” rời bệ phóng tại Bãi phóng vệ tinh Sohae ở quận Cholsan, tỉnh Bắc Phyongan, Triều Tiên ngày 21/11/2023. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Mỹ và các đồng minh cáo buộc các vụ phóng thử vệ tinh mới nhất của Triều Tiên vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về cấm phát triển công nghệ áp dụng cho các chương trình tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.

Các nghị quyết của Liên hợp quốc cũng cấm mọi hợp tác khoa học và kỹ thuật với Triều Tiên trong khoa học và công nghệ hạt nhân, kỹ thuật - công nghệ hàng không và hàng không, hoặc các kỹ thuật và phương pháp sản xuất tiên tiến.

Các nhà phân tích cho rằng Chollima-1 dường như là thiết kế mới, sử dụng động cơ nhiên liệu lỏng hai vòi phun được phát triển cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-15 của Bình Nhưỡng, vốn có nguồn gốc từ các thiết kế của Liên Xô.

Tuy nhiên, ông Lewis lập luận rằng dù phương tiện phóng không gian (SLV) có thể sử dụng động cơ giống RD250 tương tự ICBM của Triều Tiên, nhưng vẫn có sự khác biệt về thiết kế giữa hai loại động cơ này.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo Reuters)
Phản ứng của Mỹ - Nhật - Hàn về vụ Triều Tiên phóng vệ tinh
Phản ứng của Mỹ - Nhật - Hàn về vụ Triều Tiên phóng vệ tinh

Hãng tin Yonhap dẫn nguồn Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết ngày 22/11, nước này cùng Mỹ và Nhật Bản đã chia sẻ thông tin về vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên trước đó 1 ngày.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN