Những tài phiệt đang 'bơm tiền' cho khủng hoảng Ukraine

Căng thẳng chính trị ở Ukraine luôn là đề tài nổi bật trên báo chí quốc tế gần đây. Tuy nhiên, người ta lại ít đề cập đến những tài phiệt có sức ảnh hưởng lớn “âm thầm” đứng sau những diễn biến chính trị của nước này.

Họ là những lãnh đạo doanh nghiệp lớn và đôi khi được gọi là “đầu sỏ chính trị”, họ đóng vai trò lớn trong cuộc khủng hoảng tại quốc gia Đông Âu này. Một vài người trong số họ ủng hộ phe đối lập thân phương Tây, số khác lại ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukovych và có quan hệ mật thiết với Nga, thậm chí có những người đứng cả ở 2 phe.

Vậy cụ thể họ là những ai? Adrian Karatnycky, chuyên viên cấp cao tại Hội đồng Atlantic và Lauren Goodrich, chuyên gia phân tích tình hình Á-Âu tại công ty tình báo toàn cầu Stratfor và các chuyên gia khác đã chia sẻ thông tin với CNBC về những nhân vật này.

Henadiy Boholyubov và Ihor Kolomoyskyy: Hai tỷ phú này sở hữu tập đoàn Privat, bao gồm những ngân hàng lớn nhất Ukraine và cổ phần ở các lĩnh vực khác như truyền thông và năng lượng. Karatnycky cho biết hiện tại, 2 tỷ phú này chuyển sang phe đối lập chống chính phủ.

Tỷ phú Sergey Kurchenko - người được cho là đang nắm giữ tiền cho Tổng thống bị lật đổ Yanukovych và gia đình ông này.


Sergey Kurchenko: Ông thường được biết đến là ông trùm trong ngành truyền thông và vua khí đốt của Ukraine. Vị tỷ phú này kiểm soát ngành báo in Ukraine suốt 28 năm qua và nắm một lượng lớn thị phần khí đốt ở nước này. Chuyên gia Karatnycky cho biết, tỷ phú Kurchenko được cho là người đang nắm giữ tiền cho Tổng thống bị lật đổ Yanukovych và gia đình của ông này.

Victor Pinchuk: Ông là một nhà sưu tầm nghệ thuật. Ông ủng hộ mạnh các phòng trào đưa Ukraine tiến tới gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, chuyên gia Goodrich cho biết, các quan hệ làm ăn của tỷ phú này đều ở Nga. Ngoài cổ phần trong ngành truyền hình, Pinchuk còn sở hữu Interpipe, một công ty luyện kim ở Ukraine.

Vadim Novinsky: Ông được cho là cầu nối quan trọng giữa Tổng thống Yanukovych và Nga. Ông ủng hộ mạnh mẽ các thỏa thuận hợp tác Ukraine – Nga. Chuyên gia Karatnycky cho biết, mới đây, tỷ phú Novinsky đã mua lại các cơ sở đóng tàu bị phá sản ở Ukraine và điều đó có lợi cho Nga. Goodrich cũng khẳng định quan hệ chặt chẽ của tỷ phú này với Nga.

Petro Poroshenko: Chuyên gia Karatnycky cho biết, tỷ phú Poroshenko – nguyên Ngoại trưởng và Bộ trưởng phát triển kinh tế, thương mại dưới thời Tổng thống Yanukovych, hiện là nhân vật đối lập tiêu biểu thứ 2 ở Ukraine chỉ sau cựu võ sĩ vô địch quyền anh Vitali Klitschko. Ông này có thể đóng vai trò quan trọng đối với tương lai Ukraine đặc biệt nếu có chuyển giao quyền lực hòa bình.

Dmytro Firtash: Với tổng tài sản ước tính khoảng 3 tỷ USD, tỷ phú này trở thành người kiếm nhiều tiền nhất trong ngành kinh doanh khí đốt và hóa chất. Goodrich cho biết, tỷ phú Firtash có quan hệ mật thiết với một nhóm nghị sỹ trung thành với ông Yanukovych. Tuy nhiên, hiện cũng có nhiều đồn đoán rằng, ông này hiện đang bơm tiền cho phe đối lập. Hồi giữa tháng 1 vừa qua, đồng minh của ông Firtash tên là Serhiy Lyovochkin đã rút khỏi chính quyền Yanukovych khi quân đội sử dụng bạo lực đối với người biểu tình.


Rinat Akhmetov:
Với tổng tài sản ước tính khoảng hơn 15 tỷ USD, tỷ phú Akhmetov từng một thời đứng về phe Tổng thống Yanukovych. Tuy nhiên, cũng chính tỷ phú này có quan hệ với cựu Tổng thống Viktor Yushchenko và tài trợ cho cả 2 phe trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử gần đây.

F. Stephen Larrabee, chuyên gia an ninh tại Rand Corp. cho CNBC hay, có thể những tài phiệt này sẽ không đứng về phía ông Yanukovych nữa bởi họ lo ngại sẽ thiệt hại lớn nếu như ông này không giành lại được quyền lực.

Edward Mermelstein, luật sư kiêm cố vấn hoạt động đầu tư nước ngoài tại Nga gọi những tài phiệt này là những tỷ phú thầm lặng, công việc kinh doanh của họ phụ thuộc rất nhiều vào việc ai sẽ lên nắm quyền ở Ukraine.

Chuyên gia Goodrich chỉ ra, các tài phiệt Ukraine không giống với ở Nga. Trong khi các tài phiệt Nga ít tham gia vào diễn biến chính trị thì các tài phiệt này lại tham gia rất tích cực.


Phương Linh (Theo Dân trí)

Ukraine: Toàn cầu hóa buộc các bên không thể hành xử kiểu 'Chiến tranh Lạnh'
Ukraine: Toàn cầu hóa buộc các bên không thể hành xử kiểu 'Chiến tranh Lạnh'

Trong khi nhiều nhà quan sát tuyên bố cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine là sự phản chiếu thời kì Chiến tranh Lạnh, thì các nhà kinh tế phủ nhận điều này: Toàn cầu hóa đã đưa đến những ràng buộc tự do kinh tế và trở thành nhân tố bổ sung vào cuộc chơi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN