Nước Pháp ồn ào tranh cãi dự luật cấm công khai hình ảnh cảnh sát

Mặc dù đã được chỉnh sửa nhưng Dự luật An ninh Toàn cầu vừa được Hạ viện thông qua vẫn bị chỉ trích là sẽ gây khó dễ cho các nhà báo và các nhà hoạt động nhân quyền trong việc giám sát hành động của các nhân viên thực thi pháp luật.

Chú thích ảnh
Cảnh sát được triển khai nhằm đối phó với làn sóng biểu tình phản đối luật an ninh mới tại Pháp. Ảnh: CNN

Theo CNN, phần gây tranh cãi nhất của Dự luật An ninh Toàn cầu, Điều 24 - được các hạ nghị sĩ Pháp thông qua từ ngày 20/11, quy định cấm công khai các hình ảnh cho phép nhận diện một nhân viên thực thi pháp luật “với ý định gây tổn hại đến họ về thể chất và tinh thần”.

Sau khi trở thành chủ đề của nhiều chỉ trích và một số cuộc biểu tình trong thời gian qua, dự luật đã được chính phủ chỉnh sửa một số chi tiết nhằm đảm bảo tự do báo chí.

Dự luật hiện đã vượt qua Hạ viện và sẽ được bỏ phiếu tại Thượng viện trong tháng 12/2020. Trong một tuyên bố trước cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện, Văn phòng Thủ tướng Jean Castex cho biết, luật mới không nên “làm phương hại đến lợi ích hợp pháp của công chúng về việc được cung cấp thông tin”.

Tuy nhiên, những sửa đổi vẫn là không đủ đối với Claire Hedon, một nhà báo kỳ cựu đầu năm nay được bổ nhiệm vị trí Người Bảo vệ nhân quyền của Pháp. Phát biểu trên truyền hình Pháp ngay sau cuộc bỏ phiếu về Điều 24, bà Hedon cho rằng sửa đổi là bước đi đúng hướng nhưng cảnh báo rằng, “trong kho vũ khí lập pháp của chúng ta, đã tồn tại khả năng trừng phạt bất cứ người nào sử dụng, một cách không có chủ đích, những video mà họ đăng tải”.

Chú thích ảnh
Người dân Paris biểu tình phản đối Điều 24 Dự luật An ninh Toàn cầu gần Tháp Eiffel ngày 23/11. Ảnh: CNN

Hôm 21/11, thêm nhiều cuộc biểu tình nổ ra nhằm phản đối Dự luật, với ước tính 22.000 người tham gia trên khắp nước Pháp. Tại Paris, đám đông xuống đường bao gồm cả đại diện của giới truyền thông, cùng với một số người biểu tình “áo vàng” và các thành viên của nhóm “Cuộc nổi dậy diệt chủng”.

Nhìn chung, Dự luật An ninh toàn cầu sẽ mở rộng khả năng của các lực lượng an ninh trong việc quay video thường dân mà không cần biết họ có chấp thuận, thông qua các bodycam gắn trên người cảnh sát và thiết bị bay không người lái, trong khi lại hạn chế quyền của người dân được công khai ảnh và video ghi hình khuôn mặt các cảnh sát.

Tổ chức Ân xá Quốc tế cho rằng nếu dự luật được thông qua ở phiên bản hiện tại, nước Pháp – một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới tuyên bố về khái niệm nhân quyền toàn cầu – sẽ trở thành một ngoại lệ trong các nền dân chủ.

“Nếu người dân không thể ghi hình bất cứ thứ gì trên đường phố trong khi cảnh sát có thể sử dụng vũ lực bất hợp pháp thì đó là một thông điệp rất đáng lo ngại”, bà Cecile Coudriou, Chủ tịch Tổ chức Ân xá Quốc tế Pháp bình luận,và nói thêm: “Một mặt, công dân được yêu cầu phải chấp nhận khả năng bị ghi hình với lý do họ không có gì phải sợ nếu không làm gì sai. Mặt khác, cảnh sát lại từ chối bị quay phim, hành động vố là quyền ở mọi nền dân chủ trên thế giới”.

Trong khi đó, những người bảo vệ dự luật cho rằng Điều 24 là cần thiết sau khi nhiều cảnh sát bị quấy rối bằng hình ảnh trên các mạng xã hội trong làn sóng biểu tình “áo vàng” hồi năm 2018, 2019. Họ cũng tuyên bố không có chi tiết nào trong dự luật ngăn cản các nhà báo thực thi công việc của mình, vì quy định cấm còn lệ thuộc vào việc hình ảnh nhà báo đưa ra có nhằm gây phương hại hay không".

Chú thích ảnh
Các luật sư và nhà báo biểu tình bên ngoài Tòa nhà Quốc hội nhằm phản đối Dự luật an ninh vào ngày 17/11. Ảnh: CNN

Nhưng Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RWB) cho rằng quy định này quá mơ hồ. "Ý định là một khái niệm mở để giải thích và khó xác định", RWB cho biết trong một tuyên bố. “Bất kỳ hình ảnh hoặc video nào cho thấy các nhân viên cảnh sát có thể nhận dạng, được công bố hoặc phát sóng bởi các phương tiện truyền thông kèm theo các bình luận chỉ trích có thể khiến người đăng tải bị buộc tội tìm cách làm hại các cảnh sát này”.

Tại Quốc hội, dự luật đang được vận động bởi hai nhà lập pháp từ đảng La République en Marche (Cộng hòa Pháp Tiến bước) của Tổng thống Emmanuel Macron. Trong đó nghị sĩ Jean-Michel Fauvergue là một cựu lãnh đạo đơn vị cảnh sát chống khủng bố, Ông phát biểu: "Điều 24 nhằm mục đích cấm tiếp xúc và quấy rối cảnh sát trên mạng xã hội, bởi những cá nhân độc hại và nguy hiểm. Đừng lo lắng: Các nhà báo vẫn có thể làm công việc của họ”.

Alice Thourot, một nhà đồng tài trợ của dự luật, nói với CNN: "Việc phát sóng và ghi hình, bằng máy quay hay điện thoại của người dân, hình ảnh rõ mặt cảnh sát đang làm công việc của họ vẫn có thể được thực hiện. Điều thay đổi là bất kỳ lời kêu gọi bạo lực hoặc kích động thù địch nào kèm theo những bức ảnh như vậy sẽ bị pháp luật trừng phạt”.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển vùng ĐBSCL
Huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển vùng ĐBSCL

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 31/7/2020 về xây dựng quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN