Quốc gia giúp Nga phá vỡ các lệnh trừng phạt của phương Tây

Có một lỗ hổng đối với các lệnh trừng phạt của phương Tây đó là Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) mà Nga là một thành viên.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan (trái) với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Kremlin.ru

Robert M. Cutler, thành viên tại Viện các vấn đề toàn cầu của Canada bình luận trên trang Geopoliticalmonitor.com mới đây rằng, trong trường hợp hiện tại của Nga, có một lỗ hổng đối với các lệnh trừng phạt của phương Tây đó là Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) mà Nga là một thành viên.

Tư cách thành viên có nghĩa là không có rào cản đối với hàng hóa nhập khẩu của Nga từ các thành viên EAEU khác. Các thành viên khác của EAEU là Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan.

Trong số các quốc gia trên, Armenia là quốc gia duy nhất có hiệp định thương mại quan trọng với các thể chế phương Tây. Đặc biệt, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Nâng cao (CEPA) với Liên minh Châu Âu (EU) đã có hiệu lực từ hơn một năm trước. Do CEPA giảm bớt các rào cản thương mại đối với dịch vụ cũng như hàng hóa thương mại, cũng như đơn giản hóa quy trình xin giấy phép, Armenia là thành viên tốt nhất trong số các nước EAEU có thể giúp Nga phá vỡ các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Dựa vào CEPA, ngoại thương của Armenia với các nước EU đã tăng gần một phần tư vào năm 2021 so với năm 2020, lên tới 1,6 tỷ USD. Điều này tạo điều kiện thuận lợi để Armenia trở thành cầu nối với châu Âu cho các quốc gia như Iran và Nga đang bị phương Tây trừng phạt. Sự phụ thuộc lâu dài và nặng nề về kinh tế cũng như quân sự của Armenia vào Nga cũng khiến nhiều người cho rằng Armenia sẵn sàng làm điều này vì Nga.

Đã có bằng chứng cho thấy Armenia có thể đóng một vai trò như vậy. Một thập kỷ trước, Iran đã tìm cách sử dụng các ngân hàng Armenia để lách các lệnh trừng phạt. Hợp tác song phương vào thời điểm đó cũng khiến Yerevan gửi cho Tehran những vũ khí sau này được sử dụng để làm tổn thương lính Mỹ ở Iraq.

Quan hệ song phương ngày càng được tăng cường kể từ đó. Yerevan trong nhiều năm đã chủ trương rằng EAEU nên hợp tác chặt chẽ hơn với Iran. Thật vậy, các quan chức chính phủ và cộng đồng chuyên gia ở Armenia - thành viên EAEU duy nhất có biên giới với Iran - đã nhiều lần đề nghị Armenia làm “cầu nối” giữa EAEU và Iran.

Có một tiền lệ pháp lý và thực tiễn chứng minh vai trò “cầu nối” của Armenia. Năm 2018, Iran đã ký Hiệp định Thương mại Tự do tạm thời với EAEU, do đó Armenia và Iran đã làm sâu sắc hơn các mối quan hệ kinh tế. Theo thỏa thuận thương mại ưu đãi này, Iran và EAEU đã đồng ý miễn thuế đối với các mặt hàng thiết yếu.

Chỉ vài tuần trước, vào ngày 3/3, một phái đoàn cấp cao của Iran đã đến thăm Armenia, đặc biệt với mục đích tăng cường hơn nữa quan hệ thương mại với Armenia và qua đó tạo điều kiện tiếp cận EAEU. Phái đoàn do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, Khai thác và Thương mại Iran, Reza Fatemi Amin dẫn đầu. Tại Armenia, ông Amin đã gặp Phó Thủ tướng Mher Grigoryan, Bộ trưởng Kinh tế Vahan Kerobyan và Bộ trưởng Bộ Quản lý Lãnh thổ và Cơ sở hạ tầng Gnel Sanosyan, cùng những quan chức khác của Armenia.

Hai bên đã nhất trí khởi động các dự án mới để cùng sản xuất dược phẩm và thiết bị gia dụng. Theo thỏa thuận, những hàng hóa được sản xuất chung như vậy, được sản xuất tại Armenia, sẽ được xuất khẩu sang các nước thứ ba. Tất nhiên, Nga là một trong những quốc gia thứ ba như Armenia, một thành viên EAEU. Do đó, hàng hóa sẽ không bị đánh thuế hải quan hoặc kiểm tra tại biên giới. Các dự án chung Armenia-Iran mới này như là một biện pháp nhằm phá vỡ các lệnh trừng phạt đối với Nga trong các lĩnh vực kinh tế khác.

Hai bên cũng nhất trí về các dự án cơ sở hạ tầng ở Armenia, chẳng hạn như xây dựng đường xá của các công ty Iran, đồng thời cũng đạt được các thỏa thuận sơ bộ về một số vấn đề khác. Không lâu trước chuyến thăm của phái đoàn Iran tới Yerevan, truyền thông Nga đã đưa ra những đồn đoán về khả năng Iran trở thành thành viên của EAEU.

Vậy điều này có liên quan gì đến Nga? Kể từ khi các lệnh trừng phạt được áp dụng đối với Nga, Armenia đã trở thành điểm đến được lựa chọn của những người Nga đang tìm cách chuyển địa điểm kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Chính phủ Armenia đang nới lỏng tất cả các vấn đề về đăng ký, thủ tục và cư trú liên quan đến việc di dời các doanh nghiệp Nga đến Armenia. Họ đang làm mọi cách để thu hút doanh nghiệp Nga đến Armenia, ví dụ như công bố một cuốn sách hướng dẫn cho các doanh nghiệp Nga từ việc di dời cơ sở vật chất đến chuyển tiền điện tử, cho thuê căn hộ đến nhập khẩu.

Vì vậy, doanh nhân Nga và nhà tài phiệt gốc Armenia, Ruben Vardanyan, người nằm trong danh sách trừng phạt của phương Tây, đã chuyển đến Armenia. Lĩnh vực kinh doanh của nhà tài phiệt này là các công ty khởi nghiệp và các nền tảng công nghệ thông tin. 

Trong quá khứ, do có vị trí địa lý thuận lợi, Armenia đã hỗ trợ Iran và tạo điều kiện cho nước này tiếp cận hệ thống tài chính quốc tế. Hiện tại, việc làm điều tương tự đối với Nga là có khả năng. Do đó, theo ông Cutler, Armenia không chỉ trở thành “cầu nối” với Iran mà còn là “cửa sổ” đối với Nga, giúp cả hai nước có thể lách các lệnh trừng phạt. 

Công Thuận/Báo Tin tức (Geopoliticalmonitor.com)
EU tính toán cách 'thông minh' cấm vận dầu mỏ Nga trong gói trừng phạt thứ 6
EU tính toán cách 'thông minh' cấm vận dầu mỏ Nga trong gói trừng phạt thứ 6

EU đang xem xét gói trừng phạt Nga thứ sáu với một số hình thức của lệnh cấm vận dầu mỏ, với tiêu chí tối đa hóa áp lực lên Nga nhưng giảm thiểu thiệt hại cho chính mình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN