Số người tìm cách tới châu Âu qua Italy và Tây Ban Nha tăng

Ngày 14/11, các quan chức Italy cho biết, trong vòng 24 giờ qua có hơn 600 người di cư đã nhập cảnh bất hợp pháp vào khu vực miền Nam quốc gia này, bất chấp thời tiết xấu do biển động. 

Chú thích ảnh
Người di cư được cứu lên tàu của Lực lượng bảo vệ bờ biển Italy ở ngoài khơi Lampedusa. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Lực lượng bảo vệ bờ biển của Italy tại các khu vực này cho biết, phần lớn trong số hơn 600 người nhập cư bất hợp pháp nói trên là người Ai Cập.

Cụ thể, lực lượng bảo vệ bờ biển đã giải cứu khoảng 300 người đàn ông và trẻ em trên một chiếc thuyền đánh cá ngoài khơi phía Nam Italy. Những người này đã được đưa đến cảng Roccella Jonica gần đó. Vài giờ sau, khoảng 212 người đã được giải cứu khỏi chiếc thuyền thứ 2 và cũng được đưa tới cảng trên. Trong khi đó, khoảng 113 người trong đó có ít nhất 8 phụ nữ trên một chiếc thuyền khác đã nhập cư trái phép vào đảo Lampedusa.

Trước việc những người di cư liên tục tìm cách vào châu Âu qua Italy, các đảng cánh hữu nước này đã lên tiếng chỉ trích Bộ Nội vụ Italy đã không làm tốt việc ngăn chặn dòng người di cư nhập cư bất hợp pháp vào Italy.

Trước đó, phát biểu sau một hội nghị về vấn đề Libya hôm 12/11, Thủ tướng Italy, ông Mario Draghi đã kêu gọi cần có sự phối hợp nhiều hơn giữa các nước trong Liên minh châu Âu (EU) để giải quyết vấn đề này.

Italy đã chứng kiến dòng người di cư bất hợp pháp bằng thuyền tăng mạnh trong những tuần gần đây và những đợt di cư ồ ạt mới nhất này sẽ gây thêm áp lực lên chính phủ của Thủ tướng Mario Draghi trong việc đảm bảo một thỏa thuận với các đối tác của Liên minh châu Âu (EU) về cách xử lý vấn đề này.

Tính từ đầu năm đến ngày 12/11, có 57.833 người di cư đã đến Italy, tăng mạnh so với 31.213 người cùng kỳ năm 2020 và chỉ 9.944 người vào năm 2019.

Liên quan tới vấn đề người di cư bất hợp pháp, cùng ngày, các nhà chức trách của quần Đảo Canary, Tây Ban Nha cho biết có 8 người thiệt mạng trên một chiếc thuyền chở 62 người di cư gốc Maghreb (gồm 3 nước Algeria, Tunisia và Maroc) ngoài khơi đảo Gran Canaria khi chiếc thuyền này đang tìm cách đưa người nhập cư trái phép vào khu vực quần đảo Canary. Ngoài chiếc thuyền trên, cùng ngày lực lượng cứu hộ bờ biển khu vực này cũng đã bắt giữ một chiếc thuyền chở 36 người di cư đang tìm cách nhập cư trái phép. 

Theo dữ liệu của Bộ Nội vụ Tây Ban Nha, trong 9 tháng đầu năm 2021, có hơn 13.100 người di cư đã thực hiện các cuộc hành trình nguy hiểm từ bờ biển phía Tây Bắc châu Phi đến quần đảo Canary.

Thanh Hải (TTXVN)
Nguyên nhân khiến khủng hoảng di cư trầm trọng ở biên giới Belarus-Ba Lan
Nguyên nhân khiến khủng hoảng di cư trầm trọng ở biên giới Belarus-Ba Lan

Cuộc khủng hoảng di cư đang leo thang trầm trọng ở biên giới Belarus-Ba Lan, gây căng thẳng giữa Ba Lan và Belarus nói riêng và Belarus-EU nói chung.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN