Sức ép gia tăng với Đức khi Pháp cung cấp xe thiết giáp AMX-10 RC cho Ukraine

Việc Pháp đồng ý cung cấp xe thiết giáp AMX-10 RC khiến các đồng minh phương Tây, đặc biệt là Đức, cảm thấy ngày càng áp lực.

Chú thích ảnh
Xe thiết giáp AMX-10 RC của Pháp trong một cuộc tập trận với lực lượng thiết giáp Đức. Ảnh: Getty Images

Theo tờ Fortune, ngày 4/1, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đáp ứng mong muốn của người đồng cấp Ukraine khi hứa viện trợ xe thiết giáp bánh lốp AMX-10 RC hiện đại để đối phó với quân Nga.

Điện Elysee của Pháp cho biết ngày 5/1: “Đây là lần đầu tiên Lực lượng Vũ trang Ukraine được cung cấp xe thiết giáp do phương Tây sản xuất”.

Động thái của ông Macron đã gây áp lực lên đối tác chiến lược thân cận nhất của ông là Đức. Trước đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã luôn phải đối phó với những lời kêu gọi lặp đi lặp lại về việc cung cấp xe tăng Leopard 2 cho Ukraine để giúp kết thúc cuộc xung đột nhanh hơn.

Do tập đoàn Giat của Pháp chế tạo và được đưa vào sử dụng từ năm 1981, AMX-10 RC được trang bị pháo tháp pháo chính cỡ nòng 105 mm. Vì đây là xe thiết giáp bánh lốp chứ không phải bánh xích truyền thống như xe tăng hạng nặng hơn nên tính cơ động của loại này phù hợp hơn cho các nhiệm vụ trinh sát, nhưng AMX-10 RC có thể hỗ trợ hỏa lực hiệu quả trên chiến trường.

Theo Reuters, các quan chức Pháp không đưa ra thông tin nào về số lượng hoặc thời gian dự kiến giao AMX-10 RC cho Ukraine, nhưng các cuộc đàm phán bổ sung sẽ tiếp tục bàn về khả năng giao thêm các loại phương tiện khác cho Ukraine.

Trong nhiều tháng qua, Ukraine đã kêu gọi phương Tây viện trợ xe tăng chiến đấu mới nhất để chống lại ưu thế của xe tăng T-72 của Nga.

Khi cuộc xung đột ở Ukraine sắp tròn một năm vào ngày 24/2 tới, món quà AMX-10 RC của Pháp đã khơi lại cuộc tranh luận ở châu Âu về Leopard 2 của Đức.

Nếu động thái của Pháp khiến Đức làm theo, hoặc thậm chí chỉ đơn giản là bật đèn xanh cho những nước khác làm theo, thì đó có thể là diễn biến có ý nghĩa nhất trong cuộc xung đột kể từ khi lực lượng Nga rút khỏi thành phố Kherson vào tháng 11/2022 .

Ngày 5/1, ông Guy Verhofstadt, cựu Thủ tướng Bỉ, ca ngợi ông Macron: “Tầm lãnh đạo mạnh mẽ của ông Emmanuel Macron. Bây giờ Chính phủ Đức không còn nơi nào để trốn”.

Những chiếc T-72 thời Liên Xô của Nga sẽ không thể so với những chiếc xe tăng Leopard thế hệ thứ ba, hiện đại hơn nhiều do Krauss-Maffei Wegmann của Đức chế tạo. Tuy nhiên, luật xuất khẩu đã trao cho Đức quyền phủ quyết khi một đồng minh phương Tây như Litva muốn tặng một chiếc Leopard từ kho vũ khí của chính họ.

Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis cho biết vào tháng trước: “Loại vũ khí tốt nhất có thể gửi cho Ukraine hiện nay là xe tăng chiến đấu hàng đầu của phương Tây, như Leopard của Đức hoặc Abrams của Mỹ”.

Năm ngoái, Giám đốc điều hành nhà sản xuất Rheinmetall thậm chí còn đề nghị tân trang lại 80 chiếc Leopard từ nguồn dự trữ của chính mình.

Thủ tướng Scholz từng tuyên bố rằng không có đồng minh phương Tây nào khác sẵn sàng gửi xe tăng chiến đấu hiện đại cho Ukraine.

Tuy nhiên, dưới áp lực ngày càng tăng, ông Scholz có thể có món quà riêng là xe tăng cho lực lượng Ukraine. Trước đây, ông Scholz cũng từng phải nhượng bộ trước áp lực: Vào tháng 4/2022, ông đã thay đổi quan điểm và chấp thuận giao 50 xe phòng không bọc thép Gepard cho Ukraine.

Chú thích ảnh
Xe chiến đấu bộ binh Marder tham gia cuộc tập trận của NATO vào ngày 26/10/2022 tại Pabrade, Litva. Ảnh: Getty Images

Theo kênh CNN, sau động thái của Pháp, ngày 6/1, Đại sứ Đức tại Mỹ Emily Haber cho biết trên Twitter rằng Đức sẽ cung cấp cho Ukraine xe chiến đấu bộ binh Marder và một hệ thống phòng không Patriot bổ sung.

Marder là xe chiến đấu bộ binh được quân đội Đức sử dụng từ đầu những năm 1970 nhưng liên tục được nâng cấp. Mặc dù quân đội Đức đang trong quá trình loại bỏ phương tiện này, nhưng họ vẫn đang dùng hàng trăm chiếc Marder.

Xe chiến đấu bộ binh là một loại xe bọc thép được trang bị vũ khí hạng nặng, được sử dụng để di chuyển binh lính trên chiến trường. Xe này thường được triển khai cùng với xe tăng chiến đấu chủ lực.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck ngày 6/1 đã ca ngợi quyết định hợp lý của chính phủ Đức trong việc gửi thêm viện trợ quân sự cho Ukraine.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Nga: Lệnh ngừng bắn vừa có hiệu lực 1 phút, Ukraine đã dội pháo xuống Donbass
Nga: Lệnh ngừng bắn vừa có hiệu lực 1 phút, Ukraine đã dội pháo xuống Donbass

Theo phía Nga, chưa đầy một phút sau khi lệnh ngừng bắn (theo đề nghị của Điện Kremlin) có hiệu lực, các lực lượng của Ukraine đã bắn 6 quả đạn pháo 155mm vào quận Petrovsky ở phía Tây Donbass.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN