'Syria sẽ tự bảo vệ mình chống lại xâm lược'

Tổng thống Syria Bashar al-Assad ngày 29/8 tuyên bố nước này sẽ tự bảo vệ mình chống lại bất kỳ cuộc tấn công nào từ bên ngoài.

Phát biểu tại buổi tiếp phái đoàn các quan chức và đại biểu quốc hội Yemen đang thăm Damaccus, ông al-Assad nhấn mạnh: "Syria sẽ bảo vệ chính mình trước bất kỳ hành động xâm lược nào", đồng thời cho rằng các lời đe dọa phát động một chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria sẽ chỉ làm tăng thêm lập trường kiên định và độc lập của quốc gia Trung Đông này.

Tổng thống Bashar al-Assad (trái) trong cuộc gặp với đoàn đại biểu Yemen tại thủ đô Damascus ngày 29/8/2013. Ảnh: AFP/TTXVN


Hãng thông tấn chính thức SANA dẫn lời Tổng thống Bashar al-Assad khẳng định: "Với những người dân kiên định và một lực lượng quân đội dũng cảm, Syria quyết tâm tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố được Israel và các nước phương Tây hậu thuẫn nhằm gây chia rẽ người dân trong khu vực, buộc họ phải phục tùng". Ông al-Assad cho rằng người dân là nhân tố "đảm bảo cho chiến thắng".

Cùng ngày, Thủ tướng Syria Wael al-Halqi tuyên bố Damascus sẽ huy động các nguồn lực quốc gia để đối phó với mọi tình huống và làm thất bại âm mưu của kẻ thù. Ông al-Halqi cũng cho rằng Syria đang phải đối mặt với một cuộc chiến toàn diện trên các mặt trận quân sự, truyền thông, kinh tế và tình báo, đồng thời khẳng định các mối đe dọa sẽ làm cho người dân nước này quyết tâm hơn và sẵn sàng đáp trả kẻ thù.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Syria Fahd Jasem al-Freij cáo buộc những kẻ "khủng bố" đã cố tình sử dụng vũ khí hóa học, sát hại phụ nữ và trẻ em vô tội nhằm lôi kéo sự ủng hộ của các nước phương Tây, đánh lừa dư luận và biện minh cho các tội ác của chúng. Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Iran Hussein Dehghan, ông al-Freij khẳng định quân đội Syria và người dân nước này sẵn sàng đối đầu và đáp trả mạnh mẽ bất kỳ cuộc tấn công quân sự nào từ bên ngoài.

Cũng trong ngày 29/8, quân chính phủ Syria tiếp tục triển khai các chiến dịch quân sự chống lại các nhóm vũ trang đối lập. SANA dẫn một nguồn tin chính thức cho biết lực lượng quân đội trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad đã giành lại quyền kiểm soát các trang trại ở phía Nam thành phố Palmyra thuộc tỉnh Homs sau khi "tiêu diệt nhóm khủng bố cuối cùng". Trước đó, quân chính phủ đã khôi phục an ninh và ổn định ở khu vực ngoại ô phía Đông và phía Nam thành phố nói trên.

Trong một diễn biến khác, truyền thông Iran cho biết Chính phủ Syria đã "đảm bảo" với Iran, Nga và Trung Quốc rằng họ không sử dụng vũ khí hóa học chống lại quân nổi dậy. Thứ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir-Abdollahian cũng cho biết phía Syria đã khẳng định điều này với Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Jeffery Feltman.

Hãng thông tấn bán chính thức Fars của Iran cho biết một phái đoàn của Ủy ban An ninh quốc gia và Chính sách đối ngoại thuộc Quốc hội nước này (Majlis) sẽ tới Damascus vào cuối tuần theo kế hoạch đã định, bất chấp khả năng phương Tây sẽ phát động một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Syria.

Trong khi đó, dư luận quốc tế tiếp tục nóng lên liên quan đến tình hình Syria. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ngày 29/8 cho rằng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) không nên đưa ra bất kỳ hành động nào nhằm vào Syria trước khi các thanh sát viên quốc tế hoàn tất cuộc điều tra cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học tại quốc gia Trung Đông này.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, ông Vương Nghị cho biết Trung Quốc hoàn toàn ủng hộ cuộc thanh sát độc lập và khách quan, không bị tác động trước sức ép và can thiệp từ bên ngoài. Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc, kết quả cuộc điều tra không nên bị đánh giá trước.

Chính phủ Nhật Bản đang tỏ ra rất thận trọng khi chính thức bày tỏ quan điểm về kế hoạch can thiệp quân sự của Mỹ và một số nước phương Tây. Tokyo cho biết sẽ tham khảo những tiền lệ trong quá khứ, khi mà Mỹ là đồng minh tiến hành can thiệp quân sự ngay cả khi không được sự đồng ý của HĐBA LHQ.

Trong cuộc họp báo ngày 29/8, trả lời chất vấn về quan điểm của Tokyo nếu Mỹ can thiệp quân sự vào Syria, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Suga Yoshihide cho biết hiện chính phủ nước này chưa có quan điểm chính thức về vấn đề. Trong khi đó, nhiều quan chức cao cấp của Nhật Bản cũng cho rằng không cần phải sớm trình bày rõ quan điểm.

Cùng ngày, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) tại La Paz, Tổng thống Bolivia Evo Morales bày tỏ đặc biệt quan ngại về tình hình Syria, đồng thời kỳ vọng lãnh đạo các nước Nam Mỹ tham dự hội nghị sẽ ra tuyên bố chung phản đối chiến dịch can thiệp quân sự của Hoa Kỳ và một số nước đồng minh phương Tây. Theo Tổng thống Morales, cáo buộc vũ khí hóa học tại Syria được Chính phủ Hoa Kỳ sử dụng như cái cớ để xâm lược Syria, như những gì đã xảy ra tại Iraq.

Chia sẻ quan điểm phản chiến của người đồng cấp Bolivia, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã kêu gọi một cuộc tuần hành bên ngoài đại sứ quán Syria tại thủ đô Caracas để phản đối kế hoạch can thiệp quân sự của Hoa Kỳ. Trong một tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước này, Tổng thống Maduro bày tỏ sự quan ngại trước chiến dịch quân sự nhằm vào Syria với cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học, cho rằng "nguồn gốc của vụ tấn công này còn chưa rõ ràng" và Chính phủ Syria bị cáo buộc mà không có bằng chứng rõ ràng và chưa có kết luận cuối cùng của phái bộ điều tra LHQ.

Phóng viên TTXVN tại Israel ngày 29/8 cho biết đại diện của nhiều phe phái Palestine, trong đó có phong trào Hamas và Fatah, đã ra thông báo phản đối mọi sự can thiệp quân sự vào cuộc xung đột tại Syria, cho rằng hành động này sẽ gây tổn hại tới toàn bộ các nước Arab.

Ông Abbas Zaki, một quan chức cấp cao Fatah, tuyên bố phong trào này phản đối mạnh mẽ sự can thiệp của phương Tây vào Syria đồng thời cảnh báo hành động này sẽ gây tổn hại tới an ninh quốc gia các nước Arab. Vị quan chức Fatah này cáo buộc Hoa Kỳ thực hiện chính sách tiêu chuẩn kép ở Trung Đông, nhấn mạnh rằng phương Tây đang sử dụng vụ tấn công hóa học ở Syria làm cái cớ để can thiệp vào công việc nội bộ của nước này.

Cùng quan điểm như vậy, người phát ngôn phong trào Hamas Salah Bardaweel cũng lên tiếng phản đối sự can thiệp quân sự của phương Tây vào Syria. Ông Bardaweel cáo buộc Hoa Kỳ không muốn điều tốt đẹp cho Syria và người dân nước này mà chỉ muốn phục vụ những lợi ích của Hoa Kỳ và Israel.

Trong khi đó, Mặt trận Nhân dân vì Giải phóng Palestine và Thánh chiến Hồi giáo cũng bày tỏ sự phản đối. Cả hai nhóm này đều cảnh báo rằng phương Tây đang tìm cách chia rẽ Syria nhằm làm suy yếu "cuộc kháng chiến" chống Israel. Các phe phái Palestine cho rằng cuộc tấn công quân sự do Mỹ cầm đầu chống Syria sẽ "nhấn chìm khu vực vào tình trạng hỗn loạn và bất ổn lớn".

Những tuyên bố của Hamas và Fatah được đưa ra bất chấp thực tế hai phong trào này đều không ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Mặc dù Fatah chính thức tránh đứng về phe nào trong cuộc xung đột Syria, mối quan hệ giữa phong trào này và chính phủ Syria đã căng thẳng trong suốt hai năm qua, với việc một số nhà lãnh đạo Fatah lên án chính quyền Syria giết hại thường dân. Trong khi các thủ lĩnh Hamas công khai ủng hộ lực lượng chống ông Assad dẫn đến việc Syria trục xuất các thủ lĩnh Hamas khỏi nước này.


TTXVN/Tin tức
Lý do Quốc hội Anh phủ quyết can thiệp quân sự Syria
Lý do Quốc hội Anh phủ quyết can thiệp quân sự Syria

Bóng ma chiến tranh Iraq buộc Anh trì hoãn tấn công Syria ngay lập tức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN