Thế giới 2013: Di sản chắp vá của một “Mùa Xuân Arập“

Trung Đông - Bắc Phi đã trải qua một năm 2013 đầy biến động. Những bất ổn chính trị xã hội tại Libya, quân đội phế truất tổng thống hợp hiến tại Ai Cập, Syria rơi vào một cuộc chiến “huynh đệ tương tàn” - tất cả làm lu mờ những lời có cánh và một viễn cảnh tươi sáng mà phương Tây tung hô, cổ súy sau cái gọi là Mùa Xuân Arập.


Thực tế đen tối


Trái với những kỳ vọng ban đầu, sau gần ba năm, các lực lượng chính trị nổi lên sau các chính biến trong khu vực này đã không thể thiết lập được một trật tự dân chủ mới cũng như mang lại một sự chuyển đổi xã hội theo nguyện vọng của hàng triệu người dân xuống đường. Một số ý kiến cho rằng việc quân đội Ai Cập lật đổ ông Mohamed Morsi - Tổng thống Hồi giáo được dân bầu đầu tiên - hồi tháng 7 vừa qua là hồi chuông báo tử đối với những hy vọng cuối cùng còn sót lại về một sự thay đổi thực sự vốn được kỳ vọng sau các làn sóng biểu tình năm 2011 phế truất Tổng thống khi đó là ông Hosni Mubarak.

 

Người biểu tình Ai Cập tại thủ đô Cairo ngày 16/12. THX/TTXVN


Shadi Hamid, Giám đốc Trung tâm Brookings Doha, nhận định vụ đảo chính 3/7 vừa qua là lời cáo chung đối với cái gọi là Mùa Xuân Arập khi tính tới vai trò quan trọng của Ai Cập tại Bắc Phi. Theo ông, không ai có thể đảm bảo rằng Ai Cập đang hướng tới một nền dân chủ thực sự, mà trên thực tế đi về chiều hướng ngược lại khi đang siết chặt và tiến tới thủ tiêu tổ chức Anh em Hồi giáo đối lập.

 

Binh sĩ Libya gác tại thủ đô Tripoli sau các cuộc xung đột đẫm máu. AFP/TTXVN


Những diễn biến trái chiều tại Ai Cập đã phủ bóng đen lên quá trình chuyển đổi dân chủ tại Tunisia, được coi là cái nôi của Mùa Xuân Arập. Hai năm sau cuộc cách mạng lật đổ Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali và châm ngòi cho làn sóng Mùa xuân Ảrập, Tunisia đang phải vật lộn với tình trạng thất nghiệp cao và bạo lực gia tăng trong các hoạt động chính trị. Đảng cầm quyền Hồi giáo Ennahda đã cáo buộc phe đối lập đang tìm cách lặp lại kịch bản tại Cairo. Sự thiếu tin tưởng lẫn nhau giữa các phe phái trên chính trường cũng ảnh hưởng không nhỏ tới tiến trình thương lượng thành lập chính phủ quá độ gồm các nhà kỹ trị và giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị sau vụ một nghị sỹ đối lập bị sát hại.


Với Libya, tình hình có lẽ không thể tồi tệ hơn sau khi chế độ của nhà lãnh đạo Moammer Gaddafi bị lật đổ. Hơn hai năm sau khi hạ bệ được cố lãnh đạo này với sự trợ giúp của NATO, Libya vẫn thiếu một chính phủ ổn định, các tổ chức thánh chiến mọc lên như nấm sau cơn mưa, và chính phủ phải đối mặt với bài toán giúp các tay súng ủng hộ chế độ cũ giao nộp vũ khí hòa nhập cuộc sống mới. Tình trạng vô chính phủ lan tràn khắp nơi, người dân sống trong lo âu, sợ hãi trước nạn cướp bóc, đánh bom....Ngay cả Thủ tướng đương nhiệm Ali Zeidan cũng trở thành nạn nhân của một vụ bắt cóc.


Lời cảnh tỉnh


Khởi thủy cho làn sóng phản đối Chính phủ tại nhiều nước châu Âu, Mỹ và bùng phát mạnh mẽ tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi là yêu cầu của người dân đòi dân chủ, công bằng xã hội, việc làm, chống tham nhũng, quyền được tiếp cận nhiều hơn các dịch vụ giáo dục và chăm sóc y tế… Song, tại mỗi nước, phong trào này đã biến tướng dưới sự giật dây của các thế lực phương Tây và vì thế mà làn sóng Mùa Xuân Arập đã nhanh chóng trở thành một đại dịch để lại những hậu quả khôn lường cho những đất nước mà nó quét qua. Đó là tình trạng bất ổn chính trị, biến động xã hội, nội chiến, kinh tế suy thoái.


Slahhedine Jourchi, nhà phân tích về các phong trào Hồi giáo tại Tunisia nhận định, bạo lực càng trở nên trầm trọng hơn khi các tổ chức cực đoan và thường khá sùng đạo nổi lên. Họ tìm cách áp đặt mô hình hệ tư tưởng và chính trị của họ lên xã hội thông qua nhiều biện pháp khác nhau. Những gì đang diễn ra tại Tunisia nói riêng và khu vực nói chung là lời cảnh tỉnh với những người đã xuống đường tuần hành một cách mù quáng.


Tại Diễn đàn Xã hội thế giới (WSF) cuối tháng Ba vừa qua ở thủ đô Tunis của Tunisia, các đại biểu tham dự đã nhấn mạnh tới thực tế này. Sự kiện này được xem là cầu nối để các phong trào phản đối phương Tây hợp nhất tiếng nói về một trật tự thế giới mới công bằng hơn, cũng như là lời nhắc nhở Chính phủ các nước tránh sa vào các mưu đồ núp bóng dân chủ.


Lời cảnh tỉnh ở đây còn rõ nét hơn khi nhìn lại tình hình Libya. Sau khi giúp lực lượng chống đối tại Libya lật độ chế độ của nhà lãnh đạo Moammer Gaddafi kéo dài 42 năm chỉ vỏn vẹn trong 7 tháng, phương Tây đã rút đi trong êm thấm để lại một đất nước tan đàn xẻ nghé. Libya giờ đây đang đứng trước một cuộc nội chiến - cái giá mà người dân Libya phải trả cho những mưu đồ của phương Tây.


Đã từ lâu, Tripoli dưới sự cai trị của Gaddafi là cái gai trong con mắt của phương Tây. Mặc dù không thể phủ nhận làn sóng biểu tình tại nước này xuất phát từ trong nước, song làn sóng đó sẽ không thể trở thành “một cơn sóng thần” có thể nhấn chìm chế độ Gaddafi nếu không có sự ra tay của phương Tây. Phương Tây đã đạt mục tiêu, nhưng Libya vẫn đang loay hoay tự tìm đường đi tiếp theo của chính mình.


Thực tế không phải đến bây giờ những hậu quả khôn lường của Mùa Xuân Arập mới thể hiện, song cùng với thời gian và diễn tiến của tiến trình chính trị tại mỗi nước, những mặt trái của một phong trào núp bóng dân chủ ngày càng bị bóc trần, phơi bày những di sản đen tối và là lời cảnh tỉnh đối với mỗi quốc gia.

 

Phương Hồ

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN