Thế giới tuần qua: Nga duyệt binh mừng Ngày Chiến thắng; Ấn-Trung 'hạ nhiệt' căng thẳng

Nga tổ chức duyệt binh kỷ niệm 75 năm Ngày Chiến thắng sau hơn 1 tháng trì hoãn vì dịch COVID-19 và căng thẳng biên giới Ấn-Trung có dấu hiệu hạ nhiệt là hai sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần qua.

Lễ duyệt binh hoành tráng 75 năm Ngày Chiến thắng

Chú thích ảnh
Binh sĩ Nga tham gia diễu binh nhân kỷ niệm 75 năm chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, tại Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moskva ngày 24/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 24/6, trên Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moskva của Nga đã diễn ra lễ duyệt binh hoành tráng kỷ niệm 75 năm chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. 

Sự kiện trong đại này được diễn ra trong bối cảnh nước Nga vẫn đang nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19. Ít nhất 10 nguyên thủ quốc gia và nhiều quan chức ngoại giao, bộ trưởng các nước và các tổ chức quốc tế được cho đã tới Moskva tham dự lễ duyệt binh.

Tổng thống Putin quyết định chọn tổ chức duyệt binh vào ngày 24/6 để tái hiện lại một phần cuộc duyệt binh chiến thắng lịch sử của Hồng quân Liên xô tại Quảng trường Đỏ cách đây 75 năm.

Cuộc duyệt binh có sự tham gia của 14.000 binh sĩ, trong đó có mời quân đội Ấn Độ, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc và hơn 200 phương tiện kỹ thuật quân sự. Theo hãng tin RT, lần duyệt binh này có sự xuất hiện lần đầu tiên của trên 20 mẫu vũ khí, trong đó có hệ thống tên lửa nhiệt áp Tos-2 Tosochka, tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung S-350, xe dò mìn điều khiển từ xa Zemledelie, hệ thống tên lửa phòng không dùng tại Bắc Cực Pantsir-SA…

Chú thích ảnh
Hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars RS-24 của Nga tham gia lễ duyệt binh. Ảnh: AFP/TTXVN

Lễ duyệt binh mừng Chiến thắng được tổ chức để tưởng niệm, tôn vinh những người đã làm nên chiến thắng vĩ đại, là dịp để người Nga biểu thị tinh thần đoàn kết dân tộc, nâng cao tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc khi mà nước Nga vĩ đại đứng trước thềm một cuộc bỏ phiếu toàn dân nhằm sửa đổi Hiến pháp cũng như hướng tới những kỳ tích kinh tế trước thềm các cuộc bầu cử quan trọng gồm bầu cử Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga vào năm 2021 và bầu cử Tổng thống Nga năm 2024.

Trung-Ấn nhất trí ‘hạ nhiệt’ căng thẳng

Chú thích ảnh
Đường kiểm soát thực tế (LAC) ở Đông Ladakh, biên giới Ấn Độ-Trung Quốc ngày 22/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo các chuyên gia, việc Trung Quốc và Ấn Độ liên tiếp phát đi những tín hiệu hàn gắn trong nhiều ngày qua đã thể hiện rõ quyết tâm “hạ nhiệt” căng thẳng và hy vọng giải quyết cuộc tranh chấp biên giới một cách hòa bình để tránh đẩy hai nước vào một cuộc khủng hoảng toàn diện. 

Cụ thể, ngày 24/6, cuộc họp Cơ chế Làm việc Tham vấn và Hợp tác các vấn đề Biên giới Ấn-Trung (WMCC) lần thứ 15 đã được tổ chức bằng hình thức trực tuyến kéo dài 4 tiếng đồng hồ. Dẫn đầu phái đoàn Ấn Độ là Vụ trưởng Vụ Đông Á thuộc Bộ ngoại giao Ấn Độ Naveen Srivastava trong khi đại diện phái đoàn Trung Quốc là Vụ trưởng Vụ Biên giới và Đại dương thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hong Liang.

Trong cuộc họp, cả hai bên đã thảo luận chi tiết về những diễn biến căng thẳng gần đây tại khu vực biên giới Ấn-Trung, đặc biệt là vụ đụng độ xảy ra tại miền Đông Ladakh ngày 15/6 dẫn tới thương vong, đồng thời nhấn mạnh hai nước cần nghiêm túc tôn trọng và tuân thủ Đường kiểm soát thực tế (LAC).

Trong khi Ấn Độ tuyên bố 20 binh sĩ thiệt mạng thì Trung Quốc chưa xác nhận con số thương vong chính thức. Việc đụng độ bạo lực này đã đẩy hai nước láng giềng vào trạng thái căng thẳng cả về ngoại giao và quân sự. Lĩnh vực kinh tế cũng đứng trước nguy cơ khi giới chức Ấn Độ thông báo “đóng băng” 3 dự án đầu tư trị giá hơn 600 triệu USD với các doanh nghiệp Trung Quốc. Tại Ấn Độ, Liên minh các Thương nhân Ấn Độ (CAIT) đã viết thư gửi người đứng đầu bang Maharashtra ông Uddhav Thakarey yêu cầu cân nhắc hủy thỏa thuận với các nhà thầu Trung Quốc và tiến hành một chiến dịch tẩy chay hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào nước này.

Cũng trong cuộc họp, hai bên nhắc lại những nội dung điện đàm vào tuần trước giữa Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị khi tái khẳng định việc thực hiện nhận thức chung đạt được ngày 6/6. Hai bên cũng lưu ý đến cuộc đàm phán thứ hai của chỉ huy cấp cao ngày 22/6, đồng thời nhất trí duy trì liên lạc ở cấp ngoại giao và quân sự, nhằm giải quyết vấn đề đang gây căng thẳng hiện nay trong quan hệ song phương một cách hòa bình.

Chú thích ảnh
Máy bay Ấn Độ tuần tra tại vùng núi gần Leh, thủ phủ khu vực Ladakh, biên giới Ấn Độ-Trung Quốc ngày 23/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong một diễn biến liên quan, ngày 25/6, Ấn Độ lần đầu tiên thừa nhận rằng nước này đã triển khai quân đội bằng đúng số lượng binh sĩ của Trung Quốc tại khu vực biên giới giữa hai nước ở Himalaya. Mặc dù hai bên đều mong muốn giảm leo thang căng thẳng, nhưng người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava cho biết "cả hai bên vẫn triển khai số lượng lớn binh sĩ tại khu vực, trong khi các cuộc tiếp xúc quân sự và ngoại giao đang tiếp tục".

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Nhân tố Nga trong căng thẳng biên giới Trung - Ấn
Nhân tố Nga trong căng thẳng biên giới Trung - Ấn

Nga đã bất ngờ nổi lên như một nhân tố ngoại giao quan trọng trong căng thẳng biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN