Thế trận ở Đông Ukraine: Liệu Kiev có thể thắng?

Khi xe tăng và pháo binh của lực lượng ly khai kéo vào khu vực miền Nam Donetsk Oblast ngày 27/ 8, nó khiến cho quân đội Ukraine lo lắng và lãnh đạo của Kiev bất ngờ. Sự kháng cự của quân chính phủ Ukraine đã nhanh chóng thất bại khi lực lượng ly khai được trang bị các loại vũ khí trên kiểm soát Novoazovsk và các ngôi làng xung quanh.

Thiếu chiến lược rõ ràng

Trước những báo cáo cho rằng lực lượng chính quy của Nga đã đi đầu trong số những lực lượng ly khai và tình nguyện viên ở khu vực đông nam Ukraine, Thủ tướng nước này, ông Arseniy Yatsenyuk đã xuất hiện trước ống kính truyền hình phát biểu với tâm lý lo ngại: “Những kẻ khủng bố Nga, chúng tôi có thể xử lý, nhưng không phải là quân đội Nga".

Các nữ tân binh Ukraine.


Với cuộc tấn công mới trên, sự lạc quan từng xuất hiện trong tháng 7 vừa qua, khi Bộ trưởng Quốc phòng Valeriy Heletey cho biết Ukraine sẽ tổ chức một cuộc diễu hành chiến thắng tại thành phố Sevastopol của Crimea, dường như đã biến mất. Hiện các quan chức và chuyên gia quân sự Ukraine đang có sự nghi ngờ ngày càng tăng về việc liệu chính phủ Ukraine có thể giành chiến thắng nếu xung đột tiếp tục tái diễn.

Mặc dù Tổng thống Ukraine Petro Porosheknko đã tuyên bố ý định cải tổ ban lãnh đạo quân sự nước này, nhưng bất kỳ việc cải tổ nào cũng sẽ khiến tình hình - vốn đã phức tạp khi mà các cơ quan dân sự và quân sự đang tìm cách phối hợp trong một cuộc chiến được gọi là "chiến dịch chống khủng bố" (ATO) - càng thêm phức tạp.

Hiện nay một lệnh ngừng bắn mong manh đang được thực thi. Nhưng nếu giao tranh bùng phát trở lại, thì bất kỳ ai trên cương vị chỉ huy quân đội sau khi cải tổ sẽ phải đối mặt với tình huống mà không chỉ lực lượng chính phủ đang phải ở thế phòng thủ, mà còn phải chịu áp lực trong việc giành quyền kiểm soát lại những khu vực đã mất.

Điều này rõ ràng cho thấy Ukraine đang thiếu một chiến lược trong các hoạt động quân sự của mình. "Tôi không thấy bất kỳ một chiến thuật nào từ phía Ukraine”, Đại tá về hưu người Gruzia Archil Tsintsadze, người từng chiến đấu tại Abkhazia và là cựu cố vấn quân sự cho Đại sứ quán Gruzia ở Kiev cho biết. Khi cuộc xung đột vũ trang ở miền đông Ukraine diễn ra, chính phủ Kiev đã phải chịu những lời chỉ trích ngày càng tăng vì không có một chiến lược rõ ràng, và thay vào đó chỉ đơn giản là phản ứng với các sự kiện khi chúng xảy ra.

Sau khi đơn phương kết thúc một lệnh ngừng bắn vào mùa hè vừa qua, quân đội Ukraine đã có một số thắng lợi, giành lại quyền kiểm soát một số khu vực từ phe ly khai, nhưng lại thất bại trong việc thực hiện một chiến dịch có thể đánh bại lực lượng ly khai. Mặc dù quân đội Ukraine buộc quân ly khai lui về các trung tâm khu vực đông dân cư ở Donetsk và Luhansk, nhưng các cuộc giao tranh lại khiến nhiều dân thường thiệt mạng.

Lực lượng ly khai Ukraine tuần tra tại sân bay quốc tế Luhansk. Ảnh: K.P


Trước sự leo thang mới nhất của các sự kiện ngày 27/8, chính quyền Ukraine nhiều lần tuyên bố rằng đã bao vây các lực lượng ly khai ở Donetsk và Luhansk thành công. Tuy nhiên, các nỗ lực khống chế quân ly khai đã chấm dứt khi một mặt trận mới được mở ra ở miền nam Donetsk Oblast. "Sau khi lực lượng ly khai di chuyển về hướng Mariupol gần biên giới với Nga, quân đội Ukraine không có đủ lực lượng để bao vây Donetsk và Luhansk nữa", chuyên gia quân sự độc lập của Nga Alexander Golts chia sẻ.

Ngày 11/9, Hội đồng An ninh Ukraine công bố một bản đồ mới dường như xác nhận tình trạng trên, cho thấy các vùng kiểm soát của lực lượng ly khai ở Luhansk, Donetsk và Novoazovsk, cùng với phần lớn các khu vực xung quanh, được liên kết một cách chắc chắn. Sự thay đổi này có nghĩa là các tuyến đường cung ứng về hậu cần và vũ khí cho quân ly khai ở cả hai khu vực Donetsk và Luhansk vẫn mở, đồng thời đẩy Ukraine vào thế phòng thủ vì Kiev không chỉ phải chiến đấu để giữ Mariupol, thành phố lớn thứ hai ở khu vực phía Nam Donetsk, mà còn phải chuẩn bị cho nguy cơ về sự lan rộng xung đột đến các vùng khác - trước đây vốn không bị ảnh hưởng - của Ukraine.

"Chúng tôi cần phải chuẩn bị lực lượng quân sự cho các vùng lãnh thổ khác giống như Mariupol, xây dựng công sự và thành lập các đơn vị mới. Đây là vấn đề cơ bản không chỉ cho Mariupol, mà còn đối với các thành phố quan trọng khác, hoặc giáp Nga hoặc gần Kherson Crimea hoặc Donbass. Nó cũng bao gồm khu vực Zaporizhia và Dnipropetrovsk", chuyên gia quân sự Ukraine Viacheslav Tseluikov nói.

Cần một thỏa thuận với Nga

Ngoài ra, việc tổ chức các chiến dịch quân sự ở khu vực phía đông cũng cho thấy một sự thất bại của Kiev nhằm thay đổi hiện trạng trên. Hoạt động quân sự ở phía đông đang được điều phối bởi Cơ quan An ninh Ukraine (SBU), chứ không phải là Bộ Quốc phòng nước này.

Khi giao tranh liên quan đến lực lượng chính quy mà không phải là hoạt động chống khủng bố thì đó là một cuộc chiến tranh và vì vậy, nó nên được đặt dưới sự chỉ huy của Bộ Quốc phòng, ông Tseluikov nhận định. Đây cũng là suy nghĩ của nhiều người trong giới quân sự Ukraine với một tuyên bố được đưa ra vào đầu tháng 9 vừa qua từ các cựu quan chức và chuyên gia quốc phòng, trong đó kêu gọi một sự chuyển giao quyền lãnh đạo từ SBU cho quân đội nước này.


Tổng thống Ukraine Petro Porosheknko có ý định cải tổ ban lãnh đạo quân sự nước này.


Nếu xung đột toàn diện nổ ra, Ukraine sẽ chủ yếu tập trung vào việc duy trì quyền kiểm soát các khu vực hiện có, nhưng về lâu dài ưu tiên sẽ là phải chiếm lại các đồn lũy của lực lượng ly khai ở Donetsk và Luhansk. Tái khẳng định quyền kiểm soát các thành phố ở các khu vực trên sẽ giúp cho Kiev chiếm ưu thế tại các cuộc đàm phán. 

"Trong các cuộc đàm phán, chính phủ Kiev có thể tuyên bố rằng dù các bên có nói gì đi nữa thì họ vẫn kiểm soát các khu vực quan trọng trên, đồng thời cho phép họ giải quyết vấn đề trên thế thắng", chuyên gia chống nổi dậy John Gordan tại “Rand Corporation” của Mỹ nói.

Tuy nhiên, khi nói đến việc tấn công 2 thành phố trên, quân đội Ukraine cần phải có đầy đủ nguồn nhân lực có chất lượng nếu họ không muốn thực hiện các vụ oanh tạc trước, điều mà trước đó họ đã cam kết sẽ không thực hiện. "Họ (Kiev) cần phải có đủ lực lượng để áp đảo lực lượng ly khai, nhưng đồng thời họ không muốn bắn phá vào bất kỳ khu đô thị nào, gây ra nhiều thương vong cho dân thường. Họ sẽ không muốn chấp nhận rủi ro từ hành động như vậy", ông Gordan cho biết.

Cuối cùng các chuyên gia đều đồng ý rằng để có được bất kỳ giải pháp hòa bình lâu dài nào, Ukraine sẽ phải đạt được một thỏa thuận với Nga. Thỏa thuận ngừng bắn hiện nay là cơ sở tiềm năng cho một nền hòa bình rộng lớn hơn tại Ukraine, nhưng với những vi phạm gần đây được báo cáo từ cả hai phía, điều này trở nên rất mong manh.


Công Thuận (Theo K.P)


Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN