Thực hư chuyện Nga “bán đứng” Hy Lạp với mức giá 10 tỉ USD

Hôm 21/7, tờ To Vima (Hy Lạp) tiết lộ thông tin Thủ tướng Alexis Tsipras đã đề nghị Moskva khoản vay 10 tỉ USD để in đồng nội tệ drachma trong kế hoạch rời khỏi đoàn tàu Eurozone. Tuy nhiên, đề xuất này đã bị Nga từ chối vào phút chót, khiến Athens phải “quy hàng” trước Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Bài viết của Pavlos Papadopoulos có tiêu đề “Leonid, Alexis và Panagiotis", ngay dưới đó là dòng sapo “cựu sĩ quan KGB, đòn tán tỉnh đảng Syriza, các chuyến viếng thăm Moskva và khoản vay chưa bao giờ được chấp thuận”, mô tả chi tiết chuyện hậu trường về sự xích lại gần nhau giữa Athens và Moskva vài tháng trở lại đây.

Ông Alexis Tsipras (trái) trong một cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: EPA


Theo tiết lộ của To Vima, kể từ thời điểm đầu năm 2004, ông Tsipras đã có kế hoạch đặt cược vào Moskva: Chuẩn bị sẵn một bản kế hoạch vững chắc và đầy tin tưởng về quay trở lại sử dụng đồng nội tệ drachma. Các ông Panos Kammenos, Yiannis Dragasakis, Yanis Varoufakis, Nikos Pappas, Panagiotis Lafazanis cùng nhiều thành viên chính phủ khác đều biết thông tin này”. 

Tờ báo mô tả, Athens tính toán ngay sau khi Đức nhận ra Hy Lạp quyết rời khỏi khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), liên minh châu Âu (EU) sẽ phải “chấp thuận” trước các đòi hỏi về xóa nợ. Thủ tướng Tsipras rất tin tưởng vào đường hướng này, cho đến ngay tại thời điểm kết quả cuộc trưng cầu dân ý (5/7) được công bố chính thức – Papadopoulos viết.

Bài báo còn nói rằng ngay tại thời điểm nổ ra cuộc khủng hoảng Ukraine (tháng 4/2014), Ngoại trưởng Nikos Kotzias chính là người chắp nối giữa Thủ tướng Tsipras với Tổng thống Vladimir Putin thông qua Leonid Reshetnikov - Giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược Nga, cựu nhân viên KGB và là cộng sự, cố vấn của ông  Putin. Trích dẫn phát biểu công khai của ông Tsipras trong buổi trả lời phỏng vấn kênh truyền hình nhà nước ERT về việc “phát hành đồng tiền quốc gia sẽ không thể thực hiện được nếu không có một khoản tiền ngoại tệ lớn trong tay”, tờ To Vima dẫn các nguồn tin “tin cậy” khẳng định “Thủ tướng Tsipras đã yêu cầu Moskva cung cấp 10 tỉ USD để hỗ trợ việc in ấn đồng drachma”.

Đi xa hơn, Papadopoulos bình luận quyết định trưng cầu dân ý được ông Tsipras đưa ra ngay sau khi kết thúc chuyến thăm Moskva hôm 19/6, bất chấp những cảnh báo của EU về nguy cơ buộc phải đóng cửa hệ thống ngân hàng, lý do là bởi Athens đã có được cam kết từ Moskva. Thế nhưng buổi tối định mệnh 5/7 lại là một kết cục buồn: Ông Tsipras nhận được thông tin từ phía Nga, nói rằng Moskva không còn ủng hộ “kế hoạch B” của Athens về rời khỏi Eurozone - tờ To Vima viết. Hy vọng cuối cùng tắt hẳn 3 ngày sau đó: Phát biểu trước Nghị viện châu Âu hôm 8/7, Thủ tướng Tsipras thừa nhận Hy Lạp sẽ sụp đổ nếu không đạt thỏa thuận với EU – đồng nghĩa với việc ông chính thức đầu hàng trước bà Merkel.

Cắt nghĩa cho diễn biến đầy bất ngờ này, truyền thông Hy Lạp và một số nước phương Tây nói rằng Moskva rút lại quyết định vào phút cuối vì thừa hiểu rằng 10 tỉ USD không thể giúp ổn định tình hình. Quan trọng hơn, Moskva đã có “thỏa thuận ngầm” với Đức và Pháp theo hướng: Moskva “buông” Hy Lạp, đổi lại Berlin và Paris giảm sức ép với Nga trong vấn đề Ukraine, tạo cho ông Putin có được lợi thế trước Kiev trong cuộc khủng hoảng.

Khi truyền thông là vũ khí chính trị

Nga ngay lập tức đưa ra phản ứng. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố thông tin đăng tải trên tờ To Vima là sai sự thật; tại tất các cuộc gặp song phương ở nhiều cấp khác nhau, Moskva luôn nhấn mạnh Athens và chính phủ của Thủ tướng Tsipras không bao giờ nêu đề nghị trợ giúp tài chính.

Giới phân tích Nga nhìn nhận, cái gọi là “kế hoạch 10 tỉ USD” kia không có cơ sở và ngay cả ông Putin cũng không thể nói “có” trong trường hợp ông Tsipras yêu cầu. Lý do nằm ở chỗ, trong một kịch bản quá gấp gáp như vậy, Mosvka chỉ có thể lấy 10 tỉ USD kia từ “Quỹ phúc lợi xã hội Quốc gia” thông qua hình thức mua trái phiếu. Điều này cũng rất khó thực hiện được vì quy định Quỹ này chỉ được mua các loại chứng khoán, trái phiếu được xếp hạng “tốt” trong khi chỉ số tín nhiệm của trái phiếu Hy Lạp chỉ là hạng “rác”.

Trong thực tế, Nga từng một lần vượt rào: Tháng 12/2013, Moskva cung cấp cho chính quyền Ukraine thời tổng thống Viktor Yanukovych khoản tài chính 3 tỉ USD, dưới hình thức Quỹ phúc lợi xã hội Quốc gia mua trái phiếu do Kiev phát hành. Thế nhưng đây cũng là bài học đắt giá mà Moskva không muốn lặp lại: Chính quyền Ukraine đương nhiệm quy kết Nga làm sai vì mua trái phiếu không đáp ứng điều kiện, từ đó xem đây là khoản nợ tư nhân và vì thế sẽ không được hoàn trả một khi Kiev tuyên bố hoãn trả nợ.

Gói tài chính duy nhất mà Nga từng đề cập đến là số tiền 5 tỉ USD ứng trước dành cho Hy Lạp khi tham gia dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ. Ý tưởng này được Moskva đưa ra hồi tháng 4 vừa qua, nhưng Athens từ chối – như chính những gì mà tờ To Vima xác nhận. Hợp đồng xây dựng tuyến đường ống được hai bên ký kết hồi tháng 6/2015 không có điều khoản về số tiền trả trước này.

Vậy do đâu chuyện “không” bỗng dưng được dựng thành “có”? Câu trả lời có lẽ nằm ở những rối rắm trong nền chính trị Hy Lạp mà ở đó truyền thông là nhân tố dính chặt. Ông Tsipras thời kì còn là thủ lĩnh đối lập đã từng nói rằng, quyền lực thực sự ở Hy Lạp do 3 thế lực chính chi phối: Các chủ tài phiệt ngân hàng, các quan chức chính trị tham nhũng và giới truyền thông. Ông nói rằng “truyền thông Hy Lạp nằm trong tay những kẻ phụ thuộc vào nhà nước. Truyền thông kiểm soát nhà nước và nhà nước kiểm soát truyền thông. Đó là bức tranh về tống tiền lẫn nhau”.

Truyền thông Hy Lạp đa phần do các nhà tài phiệt chi phối. Tờ To Vima trên thực tế thuộc quyền sở hữu của Lambrakis Press Group (DOL) - đế chế truyền thông ở Hy Lạp, nơi từng là xuất phát điểm, bệ phóng cho 3 Thủ tướng, hàng chục bộ trưởng và rất nhiều nghị sĩ ở “Xứ sở thần thoại”. Trong quãng thời gian khủng hoảng kéo dài vừa qua, tầng lớp siêu giàu Hy Lạp vẫn là những người sống “khỏe” và có mối quan hệ thân thiết với tài phiệt châu Âu.

Quy kết Nga “bán đứng” Hy Lạp với mức giá 10 tỉ USD theo một trình tự có vẻ rất hợp lý, không quá khó để biết được ai là “người được, kẻ mất”. EU có quyền hả hê, ông Tsipras và một số người có thể cứu vớt được đôi chút thanh danh sau vụ “quy hàng” bà Merkel - rằng nguyên nhân dẫn tới bi kịch xuất phát từ “nhân tố bên ngoài”. Chỉ có Nga và cá nhân ông Putin là bị mất uy tín, danh dự.

Hoài Thanh (Theo G.RP, R.I, Reuters)
Khởi động đàm phán về gói cứu trợ thứ ba của Hy Lạp
Khởi động đàm phán về gói cứu trợ thứ ba của Hy Lạp

Đại diện các chủ nợ của Hy Lạp tới nước này nhằm khởi động cuộc đàm phán về gói cứu trợ mới trị giá 86 tỷ euro cho Athens sau khi Quốc hội "xứ sở thần thoại" thông qua dự luật thứ hai về các biện pháp cải cách khắc khổ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN