Tình hình dịch bệnh COVID-19 thế giới ngày 17/12

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến khoảng 22h00 ngày 17/12 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 74.702.055 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 1.658.645 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 52.525.117 người.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 vào một bệnh viện ở New York, Mỹ ngày 14/12/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 314.694 ca tử vong trong tổng số 17.401.787 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 144.505 ca tử vong trong số 9.953.235 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 183.822 ca tử vong trong số 7.042.695 bệnh nhân.

Xét tỷ lệ dân số, Bỉ là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 158 người tử vong. Tiếp đến là Peru (với 112 người) và Italy (110 người).

Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 23 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 498.900 ca tử vong. Tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và Caribe, với hơn 477.404 ca tử vong trong hơn 14,2 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ có hơn 321.256 ca tử vong trong hơn 17,4 triệu ca nhiễm. Châu Á ghi nhận hơn 208.100 ca tử vong trong hơn 13,2 triệu ca nhiễm. Trung Đông có hơn 85.800 ca tử vong, châu Phi có hơn 57.400 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là 943 người.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 và theo đó ông sẽ phải làm việc từ xa trong thời gian tự cách ly 7 ngày. Nhiều quan chức thế giới cũng thông báo tự cách ly do đã có tiếp xúc với ông Macron trong thời gian gần đây, trong số này có Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel, Thủ tướng Pháp Jean Castex, Chủ tịch Quốc hội Richard Ferrand, Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa, Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel và Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez.

Hiện chưa rõ nguồn lây nhiễm của Tổng thống Macron. Ông từng tham dự một hội nghị của Hội đồng châu Âu vào ngày 10 và 11/12.  

Chú thích ảnh
Một trung tâm xét nghiệm COVID-19 tại Frankfurt, Đức, ngày 16/12/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Chính phủ Bulgaria đã gia hạn lệnh phong tỏa linh hoạt cho đến cuối tháng 1/2021 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Với quyết định trên, các trường trung học, trung tâm mua sắm, nhà hàng, câu lạc bộ, quán cà phê và phòng tập gym sẽ vẫn phải đóng cửa, trong khi các trường mẫu giáo và trường tiểu học sẽ được mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ lễ Năm Mới sắp tới.

Dịch COVID-19 tại Bulgaria đã lên đến đỉnh điểm vào mùa Thu vừa qua và khiến hệ thống y tế của quốc gia vùng Balkan này rơi vào tình trạng căng thẳng. Dù các biện pháp hạn chế được áp đặt đã giúp giảm số ca nhiễm mới, nhưng quốc gia 7 triệu dân này vẫn là một trong những nước có tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao nhất EU. Đến nay Bulgaria đã ghi nhận tổng cộng 186.246 ca nhiễm, trong đó 6.196 ca tử vong.

Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cho biết nước này sẽ đóng cửa các cửa hàng và trung tâm thương mại trong dịp nghỉ lễ cuối năm do số ca mắc mới liên tục tăng. Cụ thể, các trung tâm mua sắm sẽ đóng cửa từ ngày 17/12, các hoạt động khác sẽ tạm dừng vào ngày 21/12, sau đó các cửa hàng không thiết yếu buộc dừng hoạt động từ ngày 25/12. Theo thời gian biểu này, Đan Mạch sẽ "đóng cửa hoàn toàn" trong thời gian từ 25/12/2020 đến 3/1/2021, trừ các cửa hàng thực phẩm và hiệu thuốc. Theo giới chức y tế Đan Mạch, nước này đã ghi nhận gần 3.700 ca mắc mới và 14 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số bệnh nhân mắc và tử vong lần lượt lên 119.779 ca và 975 trường hợp.

Trong khi đó, Anh đã ghi nhận thêm 25.161 ca mắc mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 lên 1.913.277 trường hợp. Số ca tử vong do COVID-19 tại Anh là 65.520 người sau khi ghi nhận thêm 612 trường hợp. Thủ tướng Anh Boris Johnson kêu gọi người dân rút ngắn thời gian và quy mô lễ đón Giáng sinh nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, song chính phủ vẫn nới lỏng một số biện pháp phòng dịch từ ngày 23-27/12, theo đó cho phép tối đa 3 hộ gia đình tụ họp trong nhà và những nơi cầu nguyện tại vùng England.

Các vùng khác như Scotland, Wales và Northern Ireland sẽ thực hiện các biện pháp phòng dịch riêng rẽ tùy theo quyết định của chính quyền những khu vực này. Hiện, vùng England đang thực hiện biện pháp phòng dịch theo hệ thống 3 cấp. Khoảng 98% vùng England nằm trong mức cao nhất là 2 và 3.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng bên ngoài một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Paris, Pháp, ngày 16/12/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Liên minh châu Âu (EU) sẽ bắt đầu chương trình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 từ ngày 27/12 tới. Trên tài khoản mạng xã hội Twitter, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nêu rõ: "Đây là thời khắc của châu Âu. Vào ngày 27, 28 và 29/12 tới, chương trình tiêm chủng vaccine sẽ được khởi động trên khắp EU".

Chỉ trong vòng một tuần, châu Mỹ đã ghi nhận tới 5 triệu ca mắc mới COVID-19, trong đó điểm nóng dịch bệnh vẫn là Mỹ và Canada. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO), kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các nước châu Mỹ đã ghi nhận khoảng 31 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 787.000 ca tử vong, chiếm gần 50% số ca nhiễm và tử vong trên toàn thế giới.

Tại Canada, số ca nhập viện đã tăng đột biến, càng làm gia tăng lo ngại về tình trạng quá tải trong hệ thống y tế. Trong khi đó, Mỹ đã ghi nhận ngày có số người tử vong cao nhất - lên tới hơn 3.700 người, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 tại nước này lên hơn 314.000 ca.

Tại Nam Mỹ, Brazil và Colombia là những nước báo động khi có số ca nhiễm mới tăng cao nhất khu vực trong tuần qua. Ngày 16/12, Brazil đã ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục với hơn 70.000 ca, nâng tổng số ca mắc COVID-19 của nước này vượt 7 triệu người và số ca tử vong là 180.000 ca, cao thứ hai thế giới sau Mỹ. Con số kỷ lục trên chưa bao gồm số liệu hàng ngày của Sao Paulo, bang đông dân nhất của Brazil, nơi được coi là tâm dịch của quốc gia này. Đây cũng là lần đầu tiên trong vòng 3 tháng qua Brazil ghi nhận hơn 900 người tử vong/ngày trong nhiều ngày liên tiếp.

Chính phủ Uruguay cũng thông báo sẽ tạm thời đóng cửa biên giới từ ngày 21/12 đến 10/1/2021 đối với các hoạt động đi lại phi thương mại, ngoại trừ việc vận chuyển hàng hóa, đồng thời kêu gọi người dân hạn chế tụ tập trong kỳ nghỉ do sự gia tăng các trường hợp lây nhiễm dịch COVID-19. 

Tại châu Á, thủ đô Tokyo của Nhật Bản đã ghi nhận thêm 822 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca nhiễm tại thành phố này lên 49.491. Đây là lần đầu tiên số ca nhiễm mới theo ngày ở Tokyo vượt ngưỡng 800 kể từ khi dịch bùng phát và cao hơn số ca nhiễm mới kỷ lục trước đó (678 ca) ghi nhận ngày 16/12. Chính quyền Tokyo ngày 17/12 đã nâng cảnh báo y tế lên mức 4 - mức cao nhất trong thang cảnh báo 4 mức. Hiện thủ đô Tokyo đã sử dụng gần 70% số giường bệnh cho bệnh nhân COVID-19. 

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc ngày 16/12/2020. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Ngày 17/12 cũng là ngày thứ 2 liên tiếp số ca mắc mới trong ngày tại Hàn Quốc đã tăng lên trên 1.000 ca, với các ổ lây nhiễm trên khắp cả nước tiếp tục gia tăng một cách báo động. Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), nước này ghi nhận số ca mắc mới trong ngày là 1.014 ca, giảm nhẹ so với con số kỷ lục 1.078 ca của ngày 16/12. Trong số các ca mắc mới có 993 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Số ca tử vong tại Hàn Quốc tăng thêm 22 ca, cao hơn con số 13 ca của một ngày trước. Như vậy, đến nay tổng số ca mắc tại Hàn Quốc là 46.453 ca với 634 ca không qua khỏi. 

Liên quan công tác bào chế vaccine ngừa COVID-19, công ty dược phẩm lớn của Nhật Bản là Shionogi thông báo đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng dịch COVID-19 do công ty này phát triển kể từ ngày 16/12. Trong cuộc thử nghiệm này, công ty Shionogi sẽ tiêm vaccine cho 214 người trưởng thành có sức khỏe tốt, mỗi ứng viên sẽ được tiêm 2 mũi, cách nhau 3 tuần, trong đó, ở lần thử nghiệm thứ nhất sẽ đánh giá tính an toàn và lần thứ hai sẽ kiểm nghiệm liều lượng và khả năng sản sinh kháng thể. Công ty này cũng cho biết sau khi phân tích kết quả lâm sàng của đợt thử nghiệm đầu tiên, sẽ bắt đầu tiến hành thử nghiệm trên diện rộng kể từ cuối tháng 2/2021. 

Shionogi là công ty dược phẩm thứ hai tại Nhật Bản tiến hành thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa COVID-19. Công ty này cũng đặt mục tiêu sản xuất khoản 30 triệu liều vaccine ngừa COVID-19/năm kể từ cuối năm 2021, sau khi các quá trình thử nghiệm đạt kết quả tốt.  Trước đó, hãng dược phẩm AnGes Inc Nhật Bản cũng đã bắt đầu thử nghiệm vaccine COVID-19 lần đầu tiên vào tháng 6. Hiện tại, giai đoạn hai của cuộc thử nghiệm đang được tiến hành trên 500 người trưởng thành khỏe mạnh, và giai đoạn thử nghiệm cuối dự kiến được tiến hành tại Nhật Bản và nước ngoài trong năm 2021.

Thanh Phương (TTXVN)
Thủ tướng Đức có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính sau khi tiếp xúc với Tổng thống Pháp
Thủ tướng Đức có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính sau khi tiếp xúc với Tổng thống Pháp

Ngày 17/12, Chính phủ Đức thông báo Thủ tướng nước này Angela Merkel đã có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN