Trung Quốc kỳ vọng tiêu dùng nội địa trở thành trụ cột mới của kinh tế

Trong nhiều thập niên, xuất khẩu, bất động sản và các dự án cơ sở hạ tầng là ba trụ cột quan trọng nhất của nền kinh tế Trung Quốc. Trong vài năm qua, Bắc Kinh đã cố gắng thiết lập một trụ cột khác là tiêu thụ nội địa.

Chú thích ảnh
Người tiêu dùng chọn mua hàng tại chợ ở Quảng Tây, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Kênh DW (Đức) cho rằng hiện nay Trung Quốc rất cần trụ cột mới này bởi ba trụ cột còn lại đang bắt đầu giảm tốc. Lĩnh vực bất động sản rơi vào khủng hoảng sâu sắc, đầu tư cơ sở hạ tầng chậm mang lại lợi nhuận và xuất khẩu sụt giảm.

Có nhiều hy vọng rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi sau khi kết thúc chính sách “zero-COVID”. Tuy nhiên, thực tế lại khác biệt. Xuất khẩu của Trung Quốc đang ở mức thấp nhất kể từ mùa Xuân 2020. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thấp hơn so với các dự báo gần đây. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI), một chỉ số hàng đầu về hoạt động kinh tế, đã giảm trong bốn tháng. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên tăng lên mức cao kỷ lục hơn 20%.

Ngày 9/8, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố số liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại nước này trong tháng 7 vừa qua đã giảm lần đầu tiên kể từ tháng 2/2021, trong khi chỉ số giá sản xuất (PPI) tiếp tục giảm do sức mua yếu. Trung Quốc đã chính thức rơi vào tình trạng giảm phát và chính phủ nước này muốn kích thích tiêu dùng nội địa.

Bắc Kinh đã lên kế hoạch. Vào tuần trước, chính phủ Trung Quốc công bố các biện pháp thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Người tiêu dùng Trung Quốc sẽ được trợ cấp để mua ô tô điện, mở rộng khả năng tiếp cận nhà ở xã hội.

Nhưng một số nhà quan sát hoài nghi về tính hiệu quả của các biện pháp này. Giáo sư kinh tế Rolf Langhammer tại Viện Kinh tế Thế giới Kiel (Đức) nhận định: "Chúng chỉ giúp giải quyết các triệu chứng. Nó giống như ngọn lửa rơm. Cháy nhanh nhưng tắt cũng rất nhanh".

Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao và nỗi lo sợ rằng thu nhập sẽ bị đình trệ là hai yếu tố dẫn đến mất niềm tin vào nền kinh tế. Tại một cuộc họp báo về các biện pháp thúc đẩy tiêu dùng, phó chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) Trung Quốc Li Chunlin thừa nhận rằng nhiều người tiêu dùng Trung Quốc "có ít niềm tin và rất lo ngại về nền kinh tế".

Chú thích ảnh
Hàng hóa được bày bán tại một khu chợ ở Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Nhà nghiên cứu kinh tế Vera Eichenauer tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ ở Zurich nhận định: “Số thanh niên thất nghiệp cao ảnh hưởng đến mức độ sẵn sàng chi tiêu, bởi vì người tiêu dùng trẻ tuổi không có tiền”. Điều này đồng nghĩa với việc phụ huynh thường phải can thiệp và hỗ trợ con cái nhiều hơn, khiến chính họ cũng phải chi tiêu ít hơn.

"Trung Quốc cũng có nguy cơ giảm phát, nghĩa là giá cả có thể giảm xuống. Thoạt nhìn, điều đó sẽ tốt cho người tiêu dùng. Nhưng họ sẽ tiêu dùng ít hơn vì kỳ vọng mức giá thậm chí còn thấp hơn trong tương lai”, bà Eichenauer lý giải.

Bà Eichenauer nhấn mạnh rằng các biện pháp như giảm giá cho xe điện và đồ điện tử không đi vào trọng tâm của vấn đề. Bà nói: “Họ phải xử lý hệ thống lương hưu và thất nghiệp để mang lại cho người tiêu dùng nhiều hy vọng và niềm tin hơn vào tương lai”. Theo bà, Trung Quốc cũng cần gỡ bỏ một số hạn chế đối với các công ty công nghệ bởi những doanh nghiệp như Alibaba đã cung cấp nhiều việc làm tốt cho giới trẻ cách đây vài năm.

Nhìn chung, nền kinh tế toàn cầu đang yếu kém vào lúc này. Bà Eichenauer đánh giá có nhiều lo ngại về suy thoái và các quốc gia phương Tây đang sử dụng lãi suất cao để chống lạm phát. Điều này cũng ảnh hưởng đến Trung Quốc, vì nó làm tổn hại nhu cầu đối với các sản phẩm xuất khẩu của họ.

Bà Eichenauer bổ sung: "Ngoài ra, còn có tình hình địa chính trị hoặc địa kinh tế toàn cầu. Mọi người không chắc căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ, hoặc với phương Tây nói chung, sẽ tiếp diễn như thế nào. Có một số thách thức đến cùng một lúc".

Ông Rolf Langhammer từ Viện Kinh tế Thế giới Kiel tin chắc rằng nếu Trung Quốc muốn trở thành một siêu cường kinh tế dựa trên tiêu dùng nội địa thì điều đó phải trở thành một thị phần lớn hơn đáng kể trong nền kinh tế.

"Điều đó chỉ có thể thực hiện được nếu nhà nước chi mạnh tay cho các khoản chi tiêu xã hội để mang lại cho người dân niềm tin và can đảm tiêu dùng nhiều hơn. Đó là con đường dài hạn, nhưng tôi nghĩ đó là cách duy nhất", ông Langhammer nói.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo DW)
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc bắt đầu chuyến công du 3 nước Đông Nam Á
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc bắt đầu chuyến công du 3 nước Đông Nam Á

Đại sứ quán Trung Quốc tại Singapore cho biết ngày 10/8, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đến Singapore, bắt đầu chuyến công du 3 quốc gia Đông Nam Á, trong đó ngoài Singapore còn có Malaysia và Campuchia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN