Trung Quốc muốn thiết lập 'mạng internet siêu máy tính' để tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực

Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đã thảo luận về xây dựng một “internet siêu máy tính” nhằm cải thiện khả năng nghiên cứu và công nghệ của nước này.

Chú thích ảnh
Một nhà khoa học làm việc tại Trung tâm Siêu máy tính Quốc gia ở Vô Tích, tỉnh Giang Tô, phía Đông Trung Quốc vào tháng 8/2020. Ảnh: cnsphoto

Theo tờ SCMP ngày 19/4, internet siêu máy tính là một mạng lưới gồm các siêu máy tính được kết nối, giúp người dùng truy cập nhiều máy trên một nền tảng giống như trình duyệt.

Một nhóm gồm 15 trung tâm siêu máy tính của quốc gia và thuộc trường đại học dự định tham gia mạng lưới này. Điều này giúp các trung tâm máy tính hiện đại trên khắp Trung Quốc hợp tác để giải quyết một số vấn đề thách thức nhất trong ngành.

Lợi ích sẽ mở rộng ra nhiều lĩnh vực, từ hàng không vũ trụ và y học đến nghiên cứu thời tiết và tài chính.

Ví dụ, việc tìm kiếm hoạt chất thuốc tiềm năng đòi hỏi khả năng kiểm tra nhanh chóng hàng ngàn phân tử để xem phân tử nào có thể chống một căn bệnh cụ thể. Nhờ liên kết các siêu máy tính, các nhà nghiên cứu có thể mô phỏng tương tác của từng loại thuốc một cách hiệu quả và chính xác hơn.

Khi phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo ngày càng phát triển nhanh, cần có sức mạnh tính toán lớn hơn nữa.

Để xây dựng mạng lưới, các nhà khoa học Trung Quốc phải khắc phục nhiều vấn đề kỹ thuật nhằm kết nối các trung tâm cách xa nhau, giúp các trung tâm này phối hợp và chia sẻ tài nguyên.

Những người đã thảo luận các vấn đề liên quan đến phân phối tài nguyên không đồng đều, các tiêu chuẩn công nghệ khác nhau và những thách thức trong phát triển, quảng bá phần mềm mới ở Trung Quốc.

Trung Quốc đã tăng trưởng ổn định về năng lực tính toán trong những năm gần đây. Trung Quốc chiếm 162 mục trong Top500 hồi tháng 11/2022. Top500 là một bảng xếp hạng 500 hệ thống nhanh nhất thế giới của Đức. Mỹ có 126 máy trong danh sách Top500 năm 2022.

Tại cuộc họp của Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, ông Li Guojie, một học giả của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, cho biết rằng siêu máy tính của Trung Quốc là một trong những siêu máy tính tốt nhất trên thế giới, nhưng vẫn bị tụt hậu trong các ứng dụng công nghiệp so với các nước khác. Ông nói thêm rằng để bù đắp cho điều đó, Trung Quốc cần xây dựng một mạng internet siêu máy tính hiệu quả để các công ty và nhà nghiên cứu có thể dễ dàng truy cập các dịch vụ siêu máy tính.

Trong khi đó, ông Yang Guangwen, Giám đốc Trung tâm Siêu máy tính Quốc gia Vô Tích, viết hồi tháng 1 trên một tạp chí: “Ý tưởng đằng sau internet siêu máy tính tương tự như lưới điện, kết hợp các nguồn điện khác nhau để cung cấp năng lượng cho những người dùng khác nhau”.

Theo ông Yang, có rất nhiều thách thức về công nghệ, tài năng và môi trường công nghiệp cần phải vượt qua để tạo ra internet siêu máy tính, như xây dựng mạng internet tốc độ cao và nền tảng vận hành.

Công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc Huawei đã tham gia vào một dự án tương tự, tập trung vào “điện toán chuyên sâu” ở thành phố Tế Nam.

Ông Zhao Shuncun, kiến trúc sư trưởng siêu máy tính của Huawei, cho biết vào tháng 7/2022 rằng internet siêu máy tính sẽ yêu cầu tích hợp các nền tảng điều hành khác nhau và Huawei có vị trí thuận lợi để thiết kế các hệ thống nhằm thực hiện điều đó.

Đến cuối năm 2025, mục đích của sáng kiến này là có một hệ thống toàn diện để hỗ trợ đổi mới, đột phá kỹ thuật, tăng trưởng kinh tế và cải thiện cuộc sống hàng ngày.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Ảnh vệ tinh tiết lộ Trung Quốc gia tăng hiện diện ở Nam Cực
Ảnh vệ tinh tiết lộ Trung Quốc gia tăng hiện diện ở Nam Cực

Hình ảnh vệ tinh do trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ chụp được cho thấy Trung Quốc đã nối lại việc xây dựng trạm thứ 5 ở vùng Nam Cực lần đầu tiên kể từ năm 2018.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN