Trung tâm kim cương Ấn Độ xô đổ kỷ lục 80 năm của Lầu Năm Góc

Sàn giao dịch kim cương Surat sẽ là điểm đến lý tưởng cho hơn 65.000 chuyên gia đá quý. Khu phức hợp khổng lồ này đã giành kỷ lục tòa nhà văn phòng lớn nhất thế giới mà Lầu Năm Góc giữ trong 80 năm qua.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh Khu nhà văn phòng lớn nhất thế giới, với 9 khối nhà liên kết với nhau.

Thành phố Antwerp của Bỉ nổi tiếng là trung tâm buôn bán kim cương của thế giới, dù hầu hết đá quý thô được khai thác ở Nga hoặc châu Phi. Nhưng nằm cách Mumbai, Ấn Độ khoảng 240km về phía bắc, có một "thủ phủ" đá quý ít được biết đến hơn: Surat - nơi có khoảng 90% kim cương của hành tinh được cắt gọt.

Giờ đây, thành phố Surat ở bang Gujarat còn ghi nhận một kỷ lục mới - tòa nhà văn phòng lớn nhất thế giới, là trụ sở cho ngành công nghiệp khổng lồ của nó.

Sàn giao dịch kim cương Surat mới hoàn thành, có tên Surat Diamond Bourse, được quảng cáo là “điểm đến lý tưởng” cho hơn 65.000 chuyên gia kim cương, bao gồm cả thợ cắt, thợ đánh bóng và thương nhân. Với 9 khối nhà hình chữ nhật chẽ ra một “xương sống” trung tâm, khu phức hợp 15 tầng khổng lồ này được xây dựng trên diện tích hơn 14.000m2.

Các kiến ​​trúc sư của trung tâm thương mại Surat cho biết tòa nhà có trên 2,16 triệu m2 diện tích sàn, giúp nó vượt qua Lầu Năm Góc để trở thành tòa nhà văn phòng lớn nhất thế giới. Trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ đã giữ kỷ lục này trong 80 năm qua.

Dự án Surat sẽ chào đón những người sử dụng đầu tiên vào tháng 11 năm nay sau 4 năm xây dựng, với 2 năm trong đó bị chậm trễ bởi những hạn chế do đại dịch COVID-19.

Dự kiến tòa nhà sẽ được cắt băng khánh thành vào cuối năm nay bởi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, người sinh ra ở Gujarat và trước đây từng là thủ hiến bang.

Chú thích ảnh
Những hàng cột lớn bên trong tòa nhà.

Những bức ảnh, được chia sẻ độc quyền với CNN, đã mang đến cái nhìn toàn cảnh về sàn nhà bằng đá cẩm thạch và khoảng không gian thông tầng tràn ngập ánh sáng kết nối hơn 4.700 văn phòng, nơi cũng có thể biến thành những xưởng nhỏ để cắt và đánh bóng kim cương.

Công trình trị giá 32 tỷ rupee (388 triệu USD) này được trang bị 131 thang máy, cùng với các cơ sở ăn uống, bán lẻ, chăm sóc sức khỏe và tổ chức hội nghị.

Theo Giám đốc điều hành của dự án, Mahesh Gadhavi, tòa Surat Diamond Bourse sẽ giúp hàng nghìn người không phải di chuyển - đôi khi là hàng ngày - đến Mumbai bằng tàu hỏa để kinh doanh.

“Thật khó khăn khi nhiều người phải mất từ ​​3 tiếng rưỡi đến 4 tiếng mỗi ngày để đi từ nhà đến văn phòng của họ rồi lại trở về nhà", ông Gadhavi nói, và mô tả việc di chuyển các doanh nghiệp đến Surat là một "lựa chọn tốt hơn."

Chú thích ảnh
Các giếng trời được thiết kế để thông gió tự nhiên qua tòa nhà. Ảnh: CNN

Thiết kế "dân chủ"

Tòa nhà được thiết kế bởi công ty kiến ​​trúc Ấn Độ Morphogenesis sau một cuộc thi thiết kế quốc tế. Ông Gadhavi nói với CNN rằng, vượt qua kỷ lục của Lầu Năm Góc không phải là cái đích của cuộc thi. Thay vào đó, quy mô của dự án được quyết định bởi nhu cầu, khi tất cả các văn phòng bên trong đều đã được đặt mua trước bởi các công ty kim cương từ trước khi tòa nhà được xây dựng.

Theo công ty Morphogenesis, cách bố trí của tòa Surat Diamond Bourse tạo ra một “sân chơi bình đẳng” cho các doanh nghiệp lớn và nhỏ. Với các văn phòng được nối với nhau bằng một hành lang trung tâm dài - cấu trúc gợi nhớ đến một nhà ga sân bay, những người sử dụng có thể tiếp cận các tiện nghi và cơ sở vật chất một cách thuận tiện nhất. Bà Sonali Rastogi, nhà đồng sáng lập công ty, đã mô tả thiết kế này là “dân chủ”.

Bà giải thích rằng làm việc ở đó nhằm mục đích “hoàn toàn giống nhau đối với mọi người”, đồng thời cho biết thêm rằng không có văn phòng nào mất quá bảy phút để đến từ bất kỳ cổng ra vào nào của tòa nhà. Trong khi đó, ông Gadhavi tiết lộ rằng một hệ thống "xổ số" đã được sử dụng để quyết định doanh nghiệp nào được trao văn phòng nào nhằm đảm bảo tính chất công bằng.

Chú thích ảnh
Trung tâm kim cương Surat vào buổi đêm. Ảnh: CNN

Thiết kế của tòa nhà tòa Surat Diamond Bourse cũng dựa trên nghiên cứu của Morphogenesis về cách thức hoạt động của ngành buôn bán kim cương ở Ấn Độ. Bà Rastogi đã lưu ý đến một loạt 9 sân rộng hơn 6.000 m3, với chỗ ngồi, các khu phun nước, có thể dùng làm nơi gặp gỡ ngoài trời cho các thương nhân. Thiết kế này xuất phát từ thực tế là nhiều giao dịch không chính thức diễn ra bên ngoài môi trường văn phòng.

“Các đơn đặt hàng qua email có thể được thực hiện bên trong, nhưng các giao dịch giữa người với người hầu như đều diễn ra bên ngoài", bà Rastogi nói, mô tả các khoảng sân “giống như những công viên công cộng, nơi các hoạt động trao đổi, tiếp xúc sẽ diễn ra.”

Kế hoạch chuyển đổi

Hình ảnh chụp từ trên không của Surat Diamond Bourse cho thấy hạ tầng của khu vực xung quanh tòa nhà khổng lồ hiện tại vẫn còn khá nghèo nàn. Nhưng điều này có thể thay đổi nếu các kế hoạch tái phát triển lớn ở thành phố 7 triệu dân, được mệnh danh là “Thành phố trong mơ”, thành hiện thực.

Kế hoạch đầy tham vọng được Thủ tướng Modi ca ngợi này nhằm mục đích xây dựng một thành phố “thông minh” trên gần 700 ha ở phía nam Surat. Ông Gadhavi cho biết trung tâm kim cương mới sẽ đóng vai trò là “chiếc mỏ neo” cho khu vực. Trong khi đó, bà Rastogi nói rằng công ty của bà đang đàm phán với các khách hàng tiềm năng về các dự án khác trong khu vực, bao gồm cả một trung tâm hội nghị.

Chú thích ảnh
Hoạt động xây dựng công trình đã hoàn tất vào tháng 4. Ảnh: CNN

Mặc dù nữ kiến ​​trúc sư thừa nhận rằng tòa nhà Surat không sở hữu “ngôn ngữ kiến ​​trúc đặc sắc của riêng mình”, nhưng bà bày tỏ hy vọng rằng thiết kế bền vững sẽ định hình sự phát triển trong tương lai của một thành phố nơi nhiệt độ mùa hè có thể vượt quá 43 độ C.

Công ty Morphogenesis tuyên bố rằng thiết kế của họ tiêu thụ năng lượng ít hơn 50% so với mức tối đa cho phép để đạt được xếp hạng “bạch kim” từ Hội đồng Công trình Xanh Ấn Độ. Các kiến ​​trúc sư nhấn mạnh, hình dạng loe ra của "cột sống" trung tâm được thiết kế để tạo luồng gió mạnh xuyên qua cấu trúc, trong khi cơ chế “làm mát bằng bức xạ nhiệt” sẽ luân chuyển nước lạnh dưới sàn để giảm nhiệt độ trong nhà.

Mặc dù các văn phòng riêng lẻ sẽ dựa vào điều hòa không khí truyền thống, nhưng chuyên gia Rastogi ước tính rằng khoảng một nửa tòa nhà được làm mát bằng thông gió tự nhiên, trong khi các khu vực chung được cung cấp năng lượng mặt trời.

“Chúng tôi quyết định tạo ra thứ gì đó mang tính biểu tượng, lấy từ bối cảnh của nó và cộng đồng mà chúng tôi đang làm việc cùng", bà Rastogi nói, đồng thời cho biết thêm, tòa nhà "dựa trên thiết kế thân thiện với môi trường và bền vững hơn là một ngôn ngữ kiến ​​trúc cụ thể”.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo CNN)
Dự án điện gió ngoài khơi khổng lồ của Mỹ lắp đặt turbine cao bằng tòa nhà 75 tầng
Dự án điện gió ngoài khơi khổng lồ của Mỹ lắp đặt turbine cao bằng tòa nhà 75 tầng

Vineyard Wind 1, dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn đầu tiên của Mỹ thuộc sở hữu của Copanhagen Infrastructure Partners (CIP) (Đan Mạch) và Avangrid Renewables, vừa bắt đầu thi công lắp đặt turbine ngoài khơi bờ biển Massachusetts.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN