Giảm ngoại binh - lợi thì có lợi…

Xuất phát từ mục tiêu của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) là điều chỉnh theo hướng giảm dần số lượng cầu thủ nước ngoài ở các câu lạc bộ V-League và hạng Nhất, Ban bóng đá chuyên nghiệp VFF mới đây đã thống nhất đề xuất quy hoạch ngoại binh cho giai đoạn 2015 - 2018.


“Đánh” mạnh vào cầu thủ nhập tịch


Thời kỳ tung hoành của các cầu thủ nước ngoài tại Việt Nam, đặc biệt là lực lượng cầu thủ nhập tịch, đang dần khép lại. Theo quy hoạch, mỗi đội bóng V-League 2015 được đăng ký tối đa 3 ngoại binh và chỉ được sử dụng tối đa 2 cầu thủ trên sân cùng lúc. Từ mùa giải 2016 - 2018, số lượng ngoại binh được cho phép đăng ký chỉ hạn chế ở con số 2, sử dụng đồng thời trên sân vẫn là 2. Ở mùa giải 2013 và 2014, số lượng cầu thủ ngoại mà mỗi đội bóng được đăng ký tối đa là 3, sử dụng 3 trên sân.


Một khoảnh khắc V-League toàn “Tây”.



Việc cắt giảm ở hạng Nhất còn phũ phàng hơn: Sẽ không còn cầu thủ ngoại ở sân chơi này kể từ mùa giải 2015. Ở 2 mùa giải vừa qua, mỗi đội bóng hạng Nhất đều được phép đăng ký 2 ngoại binh và sử dụng 2 trên sân ở cùng một thời điểm của trận đấu.

Một chi tiết cho thấy sự khác biệt giữa ngoại binh và nội binh: Kể từ năm 2003, thời điểm các đội bóng bắt đầu được phép mua sắm ngoại binh, danh hiệu Vua phá lưới ở V-League luôn thuộc về các “ông Tây”. Ngay như ở mùa giải sắp kết thúc, dẫn đầu danh sách ghi bàn hiện là chân sút nhập tịch Hoàng Vũ Samson (Hà Nội T&T, 22 bàn) và Anjembe Timothy (Hoàng Anh Gia Lai, 18 bàn).


Chưa dừng lại ở đó, quy hoạch của VFF còn đặc biệt nhắm vào lực lượng cầu thủ nhập tịch. Theo đề xuất, mỗi đội bóng V-League 2015 chỉ được quyền sử dụng 2 cầu thủ không được đào tạo ở Việt Nam. Từ năm 2016 - 2018, con số này tiếp tục giảm xuống 1 cầu thủ. Đối với giải hạng Nhất, số lượng cầu thủ được đào tạo ngoài Việt Nam cũng chỉ hạn chế ở con số 1 kể từ năm 2015.
 
Ở đây, khái niệm “cầu thủ không được đào tạo tại Việt Nam” thực chất chính là cầu thủ nhập tịch. Cầu thủ Việt kiều cũng nằm trong diện này, nhưng sự hiện diện của họ ở V-League là rất hiếm. Ở mùa giải 2014, cả giải đấu hạng cao nhất Việt Nam chỉ có duy nhất một cầu thủ Việt kiều: Mạc Hồng Quân (Hùng Vương An Giang).

Trào lưu nhập tịch cầu thủ là sự nối tiếp của làn sóng cầu thủ ngoại ồ ạt đổ vào V-League và hạng Nhất suốt cả thập kỷ qua. Nhập tịch là cách các đội bóng lách luật, hợp pháp hóa việc sử dụng ngoại binh một cách tối đa, nhằm gia tăng sức mạnh đội hình. Từ trước tới nay, không có bất cứ một quy định nào hạn chế số lượng cầu thủ nhập tịch ở Việt Nam. Thế mới có chuyện, Thanh Hóa hiện có thể vô tư tung ra sân 7 “Tây” cùng lúc, trong đó có 3 cầu thủ nước ngoài và 4 cầu thủ nhập tịch. Becamex Bình Dương cũng vậy.
 
Được và mất

Sau một thời gian bị các đội bóng “qua mặt”, VFF bây giờ mới quyết định quy cầu thủ nước ngoài và cầu thủ không được đào tạo tại Việt Nam về một mối: Những đối tượng này, suy cho cùng, đều là “Tây” đích thực (ngoại trừ Việt kiều).

Mục đích của việc quy hoạch lại, như Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng từng nhiều lần tuyên bố, là nhằm tạo cơ hội phát triển cho các cầu thủ nội, đặc biệt là các cầu thủ trẻ, hướng tới việc cải thiện chất lượng của các đội tuyển quốc gia. Một khi vẫn còn tình trạng mỗi đội bóng được sử dụng 7 “Tây” như hiện nay, cơ hội dành cho cầu thủ nội là vô cùng ít ỏi, cầu thủ trẻ lại càng không.
 
Thảm bại của U23 Việt Nam tại SEA Games 2013 và của đội tuyển Việt Nam tại vòng loại Asian Cup 2015 đều đã được VFF và giới chuyên môn giải thích bằng việc cầu thủ trẻ thiếu cơ hội cọ xát ở V-League, trong khi nhiều cầu thủ đàn anh cũng không được chơi ở vị trí sở trường tại CLB, vì không thể cạnh tranh được với “Tây”. HLV Hoàng Văn Phúc từng tiếc nuối, rằng ngay cả những tiền đạo như Nguyễn Anh Đức (Bình Dương) hay Lê Công Vinh (Sông Lam Nghệ An) đều đang phải chơi dạt ra cánh ở CLB, dẫn đến việc ông phải giúp họ làm quen lại với vị trí trung phong khi lên tuyển.
 
Hiệu quả của việc quy hoạch số lượng ngoại binh vẫn còn phải chờ thời gian trả lời. Chỉ biết rằng, ở một khía cạnh nhất định, chất lượng của V-League và hạng Nhất sẽ bị ảnh hưởng, tỷ lệ thuận với việc cắt giảm “quota” ngoại binh. Mỗi đội bóng bây giờ đều nhất thiết phải có một vài ngoại binh ở những vị trí quan trọng trên sân. Không có là không thể đá nổi với đội bạn. Thật khó có thể tưởng tượng Hà Nội T&T hiện nay mà không có Samson, tiền đạo đội trưởng Gonzalo và tiền vệ Hector; Bình Dương không có Abass Cheikh Dieng; hay Thanh Hóa mà không có nhạc trưởng Nastja Ceh và trung vệ Danny Van Bakel.
 
Thiếu ngoại binh cũng là một thiệt thòi cho các đội bóng Việt Nam khi góp mặt tại đấu trường châu Á. Ngay cả khi VFF cho phép các đội bóng tham dự AFC Champions League hoặc AFC Cup được quyền đăng ký 4 ngoại binh (1 thuộc AFC quản lý), nhưng có lẽ, chẳng đội bóng nào muốn nuôi 1 - 2 ngoại binh chỉ để đá vài trận Cúp châu Á trong cả mùa giải.
 
Ngay từ bây giờ, thị trường cầu thủ nội bắt đầu trở nên nóng bỏng?
 
Bài và ảnh: Song Long

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN