“Mỏ than” đã kiệt?

Than Quảng Ninh đã không còn là “hiện tượng” của V-League mùa giải này, sau khi họ để thua 3 trận liên tiếp gần đây.


Đường xa mỏi gối


Thất bại với tỷ số như một séc tennis (6 - 3) tại sân của QNK Quảng Nam cuối tuần qua đã khiến người ta phải nhìn nhận lại thực lực của Than Quảng Ninh. Đội bóng đất Mỏ có lẽ vẫn chưa sẵn sàng cho cuộc đua đường trường ở nhóm đầu V-League.

 

Than Quảng Ninh (phải) đã không giành được điểm nào trong 3 trận gần đây.


Đầu mùa giải này, cùng với Thanh Hóa, Than Quảng Ninh là một trong những đội bóng đáng xem nhất. Mới “chân ướt, chân ráo” góp mặt ở sân chơi đỉnh cao nhờ ngôi á quân giải hạng Nhất mùa trước, nhưng Than Quảng Ninh đã liên tiếp gây sốc cho nhiều đội bóng dày dạn kinh nghiệm. Họ giành chiến thắng trước XM The Vissai Ninh Bình (1-3), Hoàng Anh Gia Lai (3 - 2), đồng thời cầm chân các “đại gia” Becamex Bình Dương (0 - 0), SHB Đà Nẵng (2 - 2) trên sân khách. Sau trận mở màn mùa giải thua Sông Lam Nghệ An (0 - 1), thầy trò Đinh Cao Nghĩa đã đi liền 6 trận bất bại và chiếm ngôi nhì bảng trước sự ganh tỵ của nhiều ứng cử viên vô địch.


Điều đáng nói hơn là Than Quảng Ninh đã làm được điều đó trong bối cảnh đội bóng có những vướng mắc với các cầu thủ trụ cột về chuyện hợp đồng, chuyện tiền lót tay. Nhiều trận, các cầu thủ ra sân với tâm lý thấp thỏm chờ tiền vào tài khoản, như hứa hẹn của lãnh đạo đội bóng. Thậm chí, trước và sau trận đấu với Đồng Tâm Long An ở vòng 4 (Than Quảng Ninh thắng 3 - 0), một nhóm cầu thủ đất Mỏ đã tính đình công vì chuyện “đầu tiên”.


Phong độ xuất thần đó của Than Quảng Ninh cũng đã tạo ra một cơn sốt bóng đá tại sân Cẩm Phả. Trận đấu nào ở đây cũng nóng hừng hực, cảnh tượng người hâm mộ chen lấn mua vé vào sân và “cháy” hết mình trên các khán đài khiến người ta liên tưởng tới những “chảo lửa” hàng đầu V-League, như Lạch Tray (Hải Phòng), Thanh Hóa (Thanh Hóa), Vinh (Sông Lam Nghệ An). Ban tổ chức giải từng phải lên tiếng cảnh báo nguy cơ “vỡ sân” tại Quảng Ninh, vì lượng khán giả ở đây luôn vượt sức chứa khoảng 1 vạn người của sân.


Tuy nhiên, kể từ vòng đấu thứ 8, “ngựa ô” Than Quảng Ninh đã có dấu hiệu “mỏi gối”. Trong trận derby vùng Đông Bắc rất được chờ đợi với Hải Phòng, thầy trò Đinh Quang Nghĩa đã gục ngã ngay tại Cẩm Phả (0 - 3). Tiếp đó, cũng tại sân nhà, Than Quảng Ninh trắng tay trong trận gặp Hà Nội T&T (1 - 2). Rồi đến cuối tuần qua, họ bị bẽ mặt tại sân Tam Kỳ của QNK Quảng Nam. Nhiều người gọi đây là “khoảnh khắc của sự thật”, bởi những điểm yếu nhất của Than Quảng Ninh đã được phơi bày.


Tương lai bất định


Như thừa nhận của HLV Đinh Cao Nghĩa sau trận đấu, nhược điểm về mặt kinh nghiệm của Than Quảng Ninh đã bị QNK khai thác triệt để. Các cầu thủ trẻ của Than Quảng Ninh đã không thể lấp được chỗ trống mà Vũ Minh Tuấn, Nguyễn Hải Huy (thẻ phạt) và Huỳnh Tuấn Linh (chấn thương) bỏ lại. Đó chính là vấn đề về chiều sâu lực lượng. Chưa kể, những trụ cột của đội bóng đất Mỏ thực ra mới chỉ vừa khoác áo U23 Việt Nam tham dự SEA Games 27. Cũng dễ hiểu khi HLV Đinh Cao Nghĩa vừa nhấn mạnh: “Mục tiêu của chúng tôi vẫn là trụ hạng”.


Tất nhiên, mục tiêu đó là khiêm tốn so với diễn biến hiện nay của V-League 2014. Với 14 điểm sau 10 trận, Than Quảng Ninh vẫn hơn 12 điểm so với đội bét bảng Hùng Vương An Giang - một tân binh khác của V-League. Với quy định sẽ chỉ có một đội duy nhất phải xuống hạng vào cuối mùa giải, có lẽ chỉ một cú sốc tương tự như Kienlongbank Kiên Giang trước mùa giải này (bỏ giải vì lý do tài chính) mới có thể ngăn cản Than Quảng Ninh tiếp tục góp mặt ở V-League.


Tuy vậy, nếu nhìn xa hơn thì đây chính là điều mà người hâm mộ Quảng Ninh lo ngại nhất. Mùa giải này, Than Quảng Ninh vẫn hoạt động dưới sự quản lý của Vinacomin (Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam), nhưng đây là mối quan hệ “miễn cưỡng”. Do yêu cầu thoái vốn ngoài ngành từ Chính phủ, Vinacomin đã có công văn trả lại đội bóng cho tỉnh Quảng Ninh trước mùa giải 2014. Nhưng vì chưa chuẩn bị đủ các điều kiện để tiếp nhận đội bóng, nên tỉnh “xin khất” đến năm 2015. Cũng chính tình thế này đã đẩy Than Quảng Ninh vào những rắc rối liên quan đến hợp đồng, phí lót tay cầu thủ mới đây.


Như vậy, nếu không tìm được một người “đỡ đầu” mới, tỉnh Quảng Ninh sẽ phải lo gần như toàn bộ kinh phí hoạt động của đội bóng ở mùa giải 2015, bởi Vinacomin khi đó sẽ chỉ tham gia với tư cách là một nhà tài trợ. Khi đó, con số mà tỉnh sẽ phải lo là 35 tỷ đồng, thay vì khoản đóng góp 10 tỷ đồng như ở mùa giải này. Nếu không đủ 35 tỷ đồng sẽ không được quyền tham dự giải, theo quy định tại điều lệ giải.


Trong vòng hơn 2 năm qua, đã có không ít đội bóng phải giải thể, cũng vì khó khăn tài chính. Người hâm mộ đất Mỏ tất nhiên không mong một kết cục buồn như vậy, nhưng thực tế cuộc chơi luôn rất khắc nghiệt, giống như việc Than Quảng Ninh đã rơi bịch trở lại mặt đất, sau một khởi đầu mùa giải như mơ.


Song Long

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN