Chúng tôi là “Pháo thủ”- Bài 2:

Một phong cách Arsene Wenger

Không có Arsene Wenger, danh tiếng của Arsenal có lẽ sẽ không bao giờ vang xa như ngày nay. Ông chính là huấn luyện viên tại vị lâu nhất và thành công nhất của CLB Bắc Luân Đôn. Với 11 danh hiệu từ năm 1996 và với triết lý bóng đá rất riêng của mình, “Giáo sư” - như cách người ta gọi ông, đã thực sự mang lại nét tươi mới cho Arsenal và cho cả giải Ngoại hạng Anh.


Nhà cách mạng


Thành công đến với Arsenal trong hơn 15 năm qua không phải là nhờ may mắn, mà phần lớn dựa vào những thay đổi mà Wenger mang lại cho đội bóng. Trước khi Wenger tới sân Highbury, Arsenal chưa bao giờ được đánh giá một cách nghiêm túc là ứng cử viên vô địch Premier League. CLB cần một điều gì đó mới mẻ hơn và vị HLV người Pháp đã hoàn toàn đáp ứng được mong muốn ấy. Từ đó, lối chơi khác biệt của Arsenal, mang thương hiệu Arsene Wenger, đã ra đời.


Wenger là một bậc thầy về chiến thuật. Ảnh: zimbio


Bóng đá Anh vốn coi trọng sức mạnh thể lực, những đường chuyền dài và lối chơi bóng bổng, dựa vào các cú tạt từ hai biên. Nhưng Wenger lại nghĩ rằng chiến thắng có thể đạt được theo cách khác. Trong suốt thời gian huấn luyện Arsenal, ông chưa bao giờ dựa hoàn toàn vào phong cách Anh truyền thống, dù ông từng có nhiều cầu thủ để thực hiện lối chơi đó.


Wenger mang tới một lối chơi mang tính cách mạng. Các học trò của ông được lệnh phải luôn chuyền bóng ngắn, di chuyển linh hoạt và thực hiện các pha phối hợp nhỏ với tốc độ cao. Những pha đập nhả ở trung lộ của Arsenal một thời đã khiến các đối thủ phải khiếp đảm vì tính chính xác và sự hiểu nhau quá rõ của những người thực hiện nó. Khi Arsenal lập cú đúp thứ 2 dưới thời Wenger năm 2004, lối chơi ấy đã đạt đến đỉnh cao với thành tích bất bại suốt mùa giải. Phong cách chơi đẹp mắt và triết lý bóng đá tấn công của ông đã thu hút hàng triệu người hâm mộ mới đến với CLB.


Không chỉ có chiến thuật trên sân đấu, Wenger còn mang làn gió mới tới nước Anh bằng phương pháp huấn luyện vô cùng khoa học và nguyên tắc. Đây là điều mà vào những năm 1990, không nhiều CLB chuyên nghiệp có được. Đến Arsenal, Wenger mời các chuyên gia dinh dưỡng tới CLB và lên thực đơn hợp lý nhất cho cầu thủ. Thực đơn chính cho đội bóng chủ yếu có mỳ pasta, thịt gà luộc, cá hấp, rau xanh và nước lọc. Ông cực lực phản đối cách ăn uống nhiều chất béo và đường rất phổ biến của các cầu thủ Anh trước đây.


Trên sân tập, Wenger tính toán thời gian chi tiết đến từng phút mỗi bài tập. Các cầu thủ phải tới trước 30 phút để chuẩn bị tinh thần, mỗi buổi tập chỉ kéo dài đúng 45 phút. Các bài khởi động lạ như bóng đá - tennis được áp dụng. Những bài tập khác cũng được lên chương trình cụ thể. Có thể nói, phương pháp huấn luyện của Wenger có độ chi tiết và chất lượng nhất tại Anh.


Không phải lúc nào cũng màu hồng


Được hâm mộ và kỳ vọng là thế, nhưng Arsenal đã trắng tay kể từ cú đúp nội địa mùa giải 2003-2004. Nhiều nguyên nhân được chỉ ra, trong đó có không ít chỉ trích nhằm vào vị “Giáo sư” đáng kính. Người ta cho rằng ông cần phải thay đổi, vì không ít thứ đã trở nên thiếu hợp lý ở Arsenal.


Trên thực tế, trong vài năm gần đây, triết lý chỉ sử dụng cầu thủ trẻ, mà chủ yếu là tự đào tạo của Wenger đã khiến cho sức mạnh của CLB giảm sút rõ rệt. Khi các cầu thủ kinh nghiệm đang ở đỉnh cao, Wenger không sẵn sàng đáp ứng các đòi hỏi về tài chính, mặc dù điều đó xứng đáng với tài năng của họ. Việc bán Ashley Cole cho kình địch Chelsea và thay thế bằng Gael Clichy chính là phát súng lớn nhất bắn vào trái tim người hâm mộ “Pháo thủ”. Xu hướng đó không dừng lại, các phi vụ bán Cesc Fabregas, Samir Nasri, Robin van Persie, Alex Song đã tiếp tục diễn ra trong 2 năm qua. Trong khi đó, các tài năng trẻ được đưa ra “biển lớn” quá sớm, dẫn tới nhiều kết quả tồi tệ, điển hình là trận thua 2-8 trước Manchester United đầu mùa giải 2011-2012.


Chính sách tuyển mộ cầu thủ của Wenger cũng bị các cổ động viên kêu ca. Wenger không thích bỏ nhiều tiền mua các cầu thủ lớn, đã có tên tuổi. Ông săn các tài năng trẻ từ khắp nơi, hoặc những món hàng giá rẻ. Điều đó khiến CLB không có được một tầm vóc lớn, một bản lĩnh đủ để đối chọi lại Man Utd, Chelsea hay Manchester City trong vài năm gần đây. Tất nhiên, chính sách này cũng không phải là vô lý vì nó tiết kiệm rất nhiều cho Arsenal, biến họ trở thành CLB có lãi liên tiếp trong 10 năm qua, điều hiếm gặp ở các CLB lớn.


Bên cạnh đó, lối chơi của Arsenal thời gian gần đây cũng bị đánh dấu hỏi. Xuất phát từ đội hình 4-4-2 khi còn có những Martin Keown, Tony Adams hay Patrick Viera, theo thời gian Wenger dần chuyển sang đội hình 4-3-3. Bất cập ở chỗ: Ông đã không tận dụng được các tài năng trong đội hình, khi sử dụng sai vị trí không ít ngôi sao. Andryi Arshavin, Thomas Rosicky, Lukas Podolski, Theo Walcott nhiều khi bị đẩy ra cánh, không được thi đấu ở trục giữa như sở trường của họ. Wenger lại luôn bỏ quên khâu tranh chấp bóng ở giữa sân khi bố trí các cầu thủ “mỏng cơm” tại đây. Vì thế, người ta đang hoài nghi khả năng dẫn dắt của Wenger và cho rằng lối chơi hiện tại không phải là cách để vô địch.


Nghi ngờ là thế, nhưng không thể phủ nhận rằng kinh nghiệm và các quyết định chính xác của Wenger đã giúp Arsenal vẫn luôn có mặt trong tốp 4 Premier League nhiều năm qua, bất chấp sự cạnh tranh từ Tottenham Hotspur, Everton và cả Chelsea. Wenger vẫn được đánh giá là một trong những HLV vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá Anh, một người mà tư duy, lòng trung thành và sự tận tụy với Arsenal đều đáng để tất cả phải ngả mũ.



Trần Anh

Bài cuối: Kéo “đại pháo” tới Mỹ Đình

Chúng tôi là “Pháo thủ”
Chúng tôi là “Pháo thủ”

Chuyến viếng thăm của Arsenal vào giữa tháng 7 này được xem là sự kiện lịch sử của bóng đá Việt Nam, bởi đây chính là một trong những đội bóng lớn hiếm hoi của châu Âu và thế giới nhận lời sang Việt Nam đá giao hữu.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN