Sao cứ phải làm tròn số?

Chất lượng của V-League tất yếu phụ thuộc vào chất lượng của các đội bóng tham dự giải. Các đội chơi hay thì giải mới hấp dẫn và ngược lại. Vậy nên, các nhà tổ chức cần phải “cân, đong, đo, đếm” thật cẩn thận khi xác định số lượng đội thăng hạng, bởi lượng và chất ở một sân chơi bóng đá thường không đi đôi với nhau.


Đầu mùa giải này, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã có một quyết định được rất nhiều người ủng hộ: “Có bao nhiêu, chơi bấy nhiêu”. Thế nên mới có con số lẻ 13 đội tại V-League, sau khi Kienlongbank Kiên Giang tự giải thoát cho mình sau nửa cuối mùa giải 2013 phải “ăn đong từng bữa”. Giải hạng Nhất cũng teo lại còn 8 đội, do sự bỏ cuộc của Bình Định.

 

Tăng số lượng đội bóng tham dự V-League có thể làm giảm chất lượng giải đấu.

 
Tổng Giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn khi đó đã nói một câu rất trúng là: “Khó khăn tài chính giúp sàng lọc các câu lạc bộ”. Nghĩa là chỉ các đội bóng có đủ năng lực về tài chính (ngoài yếu tố chuyên môn bắt buộc) mới có thể tham dự các giải đấu chuyên nghiệp. Nếu “yếu” quá và cứ phải sống lay lắt như Kiên Giang, thì không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới những người quản lý CLB, mà còn ảnh hưởng tới cả giải đấu. Nguy cơ “giữa đường đứt gánh” của các đội bóng như vậy luôn thường trực.


Trước đó 1 năm, VFF và VPF đã vấp phải không ít phản ứng, khi họ tính đưa U23 Việt Nam vào đá V-League 2013, như một sự lấp chỗ trống sau sự kiện hàng loạt đội bóng phải giải thể hồi cuối năm 2012. Ngay cả quyết định đôn Đồng Nai thăng hạng cho tròn 12 đội cũng bị đánh giá là dễ dãi.


Nhiều bài học đã được rút ra, nhưng dường như VFF, VPF và ngay chính các CLB vẫn rất lúng túng trong việc xử lý tình huống vừa xảy ra với XM The Vissai Ninh Bình. Nhằm tránh lặp lại sai lầm trong vụ XM Xuân Thành Sài Gòn bỏ giải ở chặng cuối mùa giải trước (không đội nào phải xuống hạng), những nhà quản lý bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đã xác định sẽ có một đội phải xuống hạng ở mùa giải này. Đây là điều kiện tiên quyết để đảm bảo tính chất ganh đua, hấp dẫn của nửa cuối mùa giải V-League 2014, tạo ra một sân chơi công bằng cho tất cả các đội bóng.


Vậy mà không hiểu sao ngay sau đó, đại đa số các đội bóng và VPF đã thông qua đề xuất tổ chức một trận play-off giữa đội có vị trí thấp nhất tại V-League 2014 với đội xếp thứ ba tại giải hạng Nhất 2014, nhằm xác định một suất tham dự V-League 2015. “Tâm lý đám đông” được thấy rất rõ trong tình huống này.


Trận play-off nghĩa là sao? Thứ nhất, đó là cơ hội lớn để… không đội bóng nào ở V-League 2014 phải xuống hạng cả, hay nói cách khác là CLB đang “cãi nhau” với chính mình. Thứ hai, đó là con đường để tư duy “làm tròn số” xuất hiện trở lại, bởi trong trường hợp đó, V-League 2015 sẽ luôn hội đủ 14 đội bóng, như “quy hoạch” của VFF và VPF.


Ở đây, số lượng 2 đội thăng hạng V-League 2015 từ giải hạng Nhất 2014 (theo quy định) đã có thể được xem là nhiều. Ngay khi giải hạng Nhất chưa khởi tranh, cũng chỉ có TĐCS Đồng Tháp và XSKT Cần Thơ được giới chuyên môn đánh giá là hội đủ điều kiện lên chơi ở V-League. Nếu “hạng Nhất hóa” V-League thì vô hình trung sẽ làm giảm chất lượng giải đấu.


Vả lại, nếu nói trận play-off có thể tạo động lực phấn đấu cho các đội nhóm cuối V-League cũng không hẳn đúng, mà động lực sẽ mạnh hơn khi có một đội phải xuống thẳng hạng Nhất, không vòng vèo. Động lực play-off được dành cho hạng Nhất thì đúng hơn. Một đội bóng V-League hoàn toàn có thể “nghỉ chơi” từ bây giờ, để chuẩn bị đá một trận play-off là vẫn có thể góp mặt ở sân chơi này mùa sau. Đó là một thực tế hoàn toàn có thể xảy ra. Trong trường hợp như vậy, tiêu cực có dễ xảy ra không?


Hơn bao giờ hết, V-League đang rất cần sự sáng suốt của Ban chấp hành VFF, tổ chức có tiếng nói quyết định tới số phận của giải đấu, và cần những đề xuất xác đáng không chạy theo “tâm lý đám đông”. Nên chăng tiếp tục “có bao nhiêu, chơi bấy nhiêu”, thay vì cứ phải đuổi bắt một con số, rồi khi giải diễn ra lại có đội bỏ cuộc, lại phải tính phương án lên/xuống hạng…? Với thực trạng bóng đá chuyên nghiệp ở ta hiện nay, liệu việc tăng số lượng đội tham dự V-League có là hợp lý?


Hãy nghĩ đến cách cải thiện chất lượng giải đấu. Giải có hấp dẫn mới thu hút được khán giả tới sân, thu hút được các nhà đầu tư, tài trợ, quảng cáo. Bóng đá chuyên nghiệp không phải là sự hào hứng nhất thời, mà nó cần sự vun đắp hằng ngày, tạo nên niềm tin nơi người hâm mộ, để có thể tự đứng vững trên đôi chân của chính mình.


Bài và ảnh: Song Long

Tranh cãi suất xuống hạng V-League
Tranh cãi suất xuống hạng V-League

Sự kiện XM The Vissai Ninh Bình dừng thi đấu V-League 2014 đang gây ra một sự xáo trộn lớn, đặc biệt là tới suất xuống hạng duy nhất ở mùa giải năm nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN