Ước mơ của cô gái vàng bộ môn vật Việt Nam thành hiện thực

Ước muốn cháy bỏng của cô gái vàng bộ môn vật Việt Nam Lê Thị Huệ ngày nào chỉ đơn giản là có thể đi được trên đôi chân của mình sau vụ tai nạn trong lúc tập luyện chuẩn bị cho Segame 22 hồi tháng 5/2003 đã dần trở thành hiện thực.

Huệ nhờ đến mẹ để đi lại. Ảnh: thethaovanhoa.vn


Điều tuyệt vời hơn nữa là Huệ cũng đã mở được cửa hàng tạp hóa nhỏ ở thôn Trung Chính, xã Quảng Châu, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa với sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân từ thiện, trong đó có báo Thể thao & Văn hóa-TTXVN. Chính cửa hàng tạp hóa này là niềm vui, là động lực sống, giúp Huệ cảm thấy cuộc đời có ý nghĩa hơn khi mình vẫn là người có ích.

Vào trung tuần tháng 9, chúng tôi có dịp trở lại ngôi nhà nhỏ của cựu Vận động viên bộ môn vật Lê Thị Huệ. Con ngõ nhỏ dẫn vào nhà Huệ trước đây là con đường đất, mỗi khi có mưa, ngõ trở thành cái ao nhỏ, nước rút để lại lớp bùn trơn trượt, nay đã được trải bê tông, sạch đẹp khiến cho việc đi lại của Huệ từ nhà ra quán bán hàng dễ dàng hơn rất nhiều.

Đón chúng tôi là một Huệ thật khác so với thời điềm hơn 1 năm về trước: Huệ khỏe hơn, bận rộn hơn và đặc biệt, nụ cười tươi tắn luôn nở trên môi, một nụ cười mãn nguyện. Hình ảnh này hoàn toàn trái ngược với thời điểm cách đây gần 1 năm về trước khi đoàn báo Thể thao & Văn hóa đến tặng quà và một chiếc xe lăn cho Huệ. Khi đó những giọt nước mắt đã ướt đẫm trên khuôn mặt gầy gò của Huệ. Huệ đã hứa với chúng tôi: Em sẽ quyết tâm tập luyện để sớm đi được bằng chính trên đôi chân của mình và ít phụ thuộc vào xe.

Huệ cũng nhớ lại trong một buổi tập đối kháng chuẩn bị SEA Games 22, Huệ bất ngờ ngã cắm đầu xuống sàn đấu. Theo chẩn đoán của các bác sĩ, Huệ bị chấn thương đốt sống cổ rất nặng, dập tủy sống dẫn đến liệt tứ chi... Sau khi thoát khỏi lưỡi hái tử thần, trở thành người tàn tật, Huệ trở về quê với mẹ trên chiếc xe lăn với bao nỗi đau đớn, xót xa khi bị mất đi tất cả, tương lai, hy vọng, sức khỏe… khi tuổi đời còn quá trẻ.

Suốt 10 năm, dường như tất cả đã lãng quên cô gái vàng của thể thao Việt Nam ngày nào… Cho đến một ngày báo Thể thao & Văn hóa cùng một số bài báo viết về hoàn cảnh của Huệ, nói về việc cô gần như bị bỏ rơi sau gần 10 năm bị chấn thương. Huệ đã được các tổ chức cá nhân từ thiện quan tâm giúp đỡ, động viên nhiều hơn. Đây cũng là động lực giúp Huệ đã kiên trì tập luyện.

Nhiều khi đau đớn bởi cơ chân, cơ tay bị co rút khiến Huệ gục ngã, nhưng không nản chí, Huệ lại vẫn tiếp tục đứng dậy và kiên trì tập luyện. Để đến ngày hôm nay Huệ đã có thể tự chống nạng trên đôi chân của mình và ít phụ thuộc vào chiếc xe lăn đúng như lời đã hứa.

Mẹ của Huệ bên những thành tích và kỷ niệm đẹp trong quá khứ của cô gái vàng thể thao Việt Nam. Ảnh: thethaovanhoa.vn


Cũng từ khi có cửa hàng, niềm vui như đến với Huệ nhiều hơn. Từ chỗ bấy lâu nay chỉ quanh quẩn ở nhà, nay Huệ tiếp xúc với nhiều người hơn, được chia sẻ, chuyện trò, làm việc, Huệ thấy mình sống có ý nghĩa hơn. Từ những cụ ông, cụ bà lớn tuổi đến những em bé đang tuổi đến trường, ai vào mua hàng Huệ cũng cười thật tươi, hỏi han thân mật.

Huệ tâm sự: “Nhiều lúc đông khách, mình rất mệt vì phải đi đi lại lại nhiều nhưng vui nên cơn đau tan biến đi đâu hết. Nhiều khách hàng cũng biết hoàn cảnh, nên đã chủ động tự lựa hàng bỏ vào túi, sau đó đem lại cho mình tính tiền.

Câu chuyện cứ thế, xoay quanh chuyện cái quán nhỏ của Huệ, chúng tôi nhận thấy niềm vui đã hiển hiện trong từng ánh mắt, nụ cười của cô gái này. Dường như Huệ không muốn nói về những khó khăn, vất vả, bởi với cô, những vất vả này thật không thấm so với nỗi đau đớn về thể xác, tinh thần hơn 10 năm nay cô gánh chịu.

Mãi đến khi chúng tôi hỏi thăm về sức khỏe, Huệ mới chia sẻ: Vì quán cũng đông khách nên Huệ phải đi lại nhiều, lại không muốn phụ thuộc vào xe lăn nên Huệ thường sử dụng nạng chống cho việc đi lại trong cửa hàng. Nhưng những lúc đứng lâu để tính tiền, trả hàng cho khách, Huệ vẫn bị mỏi chân, các cơ căng cứng, khiến nhiều lần cô ngã lăn xuống nền nhà.

Sau gần 4 tháng được đi chữa trị tại Bệnh viện Thể thao quốc gia (tháng 7-11/2013), sức khỏe của Huệ đã khá lên rất nhiều, từ chỗ mọi sinh hoạt cá nhân đều phải nhờ sự giúp đỡ của mẹ, của anh chị em trong nhà, đến nay, Huệ đã tự làm được rất nhiều việc: tự đi lại bằng nạng chống với những bước đi đã dứt khoát, tự tin hơn. Bên cạnh đó Huệ đã tự vệ sinh cá nhân, tự bán hàng, thậm chí còn đi chợ bằng xe lăn, trông được cháu bé hơn 1 tuổi cho chị gái...

Tuy nhiên những việc cần đến sự khéo léo, Huệ vẫn chưa làm được. Suốt 10 năm qua, bàn chân, bàn tay của Huệ đã cứng lại, mất đi sự linh hoạt, các ngón tay co duỗi rất khó khăn khiến cho việc cầm nắm chẳng hề dễ dàng. Lê Thị Huệ vẫn đang rất cần sự quan tâm giúp đỡ của các tổ chức cá nhân từ thiện để cô có thể tiếp tục được quay lại chữa trị tại Bệnh viện Thể thao Việt Nam.

Huệ tin rằng cùng với việc tập luyện, cô sẽ khỏe hơn, có thể làm những công việc đòi hỏi sự khéo léo của đôi tay, để rồi cô sẽ tự mình làm được nhiều việc hơn nữa mà không cần đến sự trợ giúp của mẹ, của người thân.


Hoa Mai - Duy Hưng
(TTXVN)

Báo “Thể thao & Văn hóa” chung sức cùng ASIAD 17
Báo “Thể thao & Văn hóa” chung sức cùng ASIAD 17

Chiều 17/9, tại Hà Nội, Báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) đã tổ chức họp báo công bố chương trình “Chung sức cùng thể thao Việt Nam chinh phục Asian Games 17 và Asian Para Games 2014”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN