Căng thẳng tại Trung Đông chi phối thị trường dầu mỏ tuần qua

Giá dầu thế giới tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 19/4. Tuy nhiên, nếu tính chung cả tuần, giá dầu vẫn giảm.

Chú thích ảnh
Bơm xăng cho phương tiện tại trạm xăng ở Minas Gerais, Brazil. Ảnh: AFP/TTXVN

Giới quan sát nhận định rằng dường như cả Israel và Iran đều đang tìm cách thoát khỏi vòng xoáy leo thang hiện nay. 

Khép phiên 19/4, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 18 xu (0,21%) lên 87,29 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giao tháng 5/2024 tăng 41 xu (0,5%) lên 83,14 USD/thùng.

Trong khi đó, các nhà lập pháp Mỹ đã lên kế hoạch áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu dầu của Iran sau cuộc tấn công của Tehran vào Israel vào cuối tuần trước.

Theo dữ liệu của Reuters, Iran là nước sản xuất dầu lớn thứ ba trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo OPEC và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, sẽ bắt đầu tăng sản lượng dầu từ tháng 7/2024.

Trong tháng 3/2024, OPEC+ đã đồng ý gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng mỗi ngày (bpd) cho đến cuối tháng 6/2024. Động thái này đã giúp giá dầu tăng.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư không loại trừ khả năng căng thẳng ở Trung Đông sẽ làm gián đoạn nguồn cung.

Nhìn lại tuần qua, giá dầu thế giới đã đi xuống trong phiên 15/4, sau khi hành động quân sự của Iran nhắm vào Israel gây ít thiệt hại hơn dự đoán.

Sang phiên 16/4, các số liệu kinh tế không khả quan đã gây sức ép lên giá dầu, dù đang có những lo ngại về căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông.

Xu hướng giảm tiếp tục kéo dài trong phiên 17/4. Giá dầu đã giảm 3% do dự trữ dầu thô của Mỹ tăng, số liệu kinh tế Trung Quốc yếu và nỗ lực của Mỹ nhằm thúc đẩy gói viện trợ cho Ukraine và Israel.
Giá dầu tiếp tục giảm sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson cho biết, nước nay sẽ sớm bỏ phiếu về gói viện trợ cho Ukraine, Israel và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tại Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong quý I/2024, nhưng một vài chỉ số khác cho thấy nhu cầu trong nước vẫn còn yếu.

Các nhà phân tích của Goldman Sachs và Commerzbank mới đây đã nâng dự báo giá dầu Brent, có tính đến căng thẳng địa chính trị cũng như triển vọng nhu cầu gia tăng và nguồn cung hạn chế từ OPEC+.

Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết, các công ty năng lượng Mỹ trong tuần này đã bổ sung số giàn khoan dầu và khí tự nhiên lần đầu tiên sau 5 tuần. Số giàn khoan dầu và khí đốt, một chỉ báo sớm về sản lượng tương lai, đã tăng 2 giàn lên 619 giàn trong tuần tính đến ngày 19/4.

Minh Hằng (TTXVN)
Giá dầu thô thế giới tăng hơn 3% do căng thẳng leo thang ở Trung Đông
Giá dầu thô thế giới tăng hơn 3% do căng thẳng leo thang ở Trung Đông

Sáng 19/4 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ WTI đã tăng 3,66 % lên 85,76 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 3,44% lên 90,11 USD/thùng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN