Hòa đàm Trung Đông nối lại trong hoài nghi

Đại diện của Israel và Palestine đã tới thủ đô Washington ngày 29/7 để tham dự các cuộc đàm phán trực tiếp sau gần 3 năm gián đoạn, với nội dung chính là xây dựng lộ trình đàm phán cho các cuộc thương lượng tiếp theo.
 

Một người Palestine hét vào mặt lính Israel trong cuộc tuần hành phản đối gần thành phố Ramallah, Bờ Tây hôm 28/7. Ảnh: AP


Hai bên đồng ý quay lại bàn đàm phán là nhờ những nỗ lực ngoại giao “con thoi” của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry suốt mấy tháng qua. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, các cuộc hòa đàm sẽ được tiến hành tại Washington vào tối 29 và ngày 30/7, với sự tham gia của trưởng đoàn đàm phán Israel, Tzipi Livni và người đồng cấp phía Palestine, Saeb Erekat.


Lần gặp trực tiếp cuối cùng giữa Israel và Palestine đã thất bại vào cuối năm 2010 do Ten Avíp từ chối ngừng xây dựng các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây, mảnh đất mà Nhà nước Do thái đã chiếm của Palestine trong cuộc chiến tranh năm 1967. Đây là một trong những vướng mắc cơ bản ngăn hai bên xích lại gần nhau. Ngoài ra, còn nhiều vấn đề gây bế tắc khác như tranh chấp biên giới, số phận người tị nạn Palestine và quan điểm của Ixraen trước yêu cầu thành lập một nhà nước Palestine độc lập.


Tuy nhiên, các cuộc thảo luận lần này tại Washington sẽ chỉ phác thảo phương hướng chứ không tập trung giải quyết những vấn đề gai góc nói trên. Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki, “đây sẽ là cơ hội để phát triển một kế hoạch làm việc theo đúng thủ tục, để các bên có thể tiếp tục đàm phán trong những tháng tiếp theo".


Việc khôi phục đàm phán hòa bình Trung Đông là một tin tức tốt lành hiếm hoi đối với chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama, vốn đang phải nỗ lực tìm lối thoát cho cuộc nội chiến ở Xyri và thúc đẩy tiến trình dân chủ ở Ai Cập. Ngay cả việc thuyết phục được người Ixraen và Palestine ngồi lại bàn đàm phán cũng cho thấy một nỗ lực lớn của Ngoại trưởng Kerry, người đã tới khu vực này 6 lần trong 4 tháng qua.


Trong khi đó, giới phân tích lại tỏ ra nghi ngờ khả năng các cuộc đàm phán mới có thể đưa tới một hiệp định hòa bình giữa Palextin và Ixraen, giúp chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn 6 thập kỷ qua. Theo Giáo sư Shibley Telhami thuộc trường Đại học Maryland (Mỹ), Tổng thống Obama sẽ phải can dự nếu muốn các cuộc đàm phán thành công và Mỹ sẽ phải đưa ra chính kiến của mình về một giải pháp hòa bình. “Về góc độ nào đó, người đóng vai trò trung tâm trong tiến trình này không phải là Netanyahu hay Abbas, cũng không phải John Kerry, mà là ông Obama. Hiện chưa rõ Tổng thống Mỹ đã sẵn sàng đương đầu với mạo hiểm để thúc đẩy tiến trình này hay chưa", ông Telhami nói.


Khó khăn mà cả Israel và Palestine sắp phải đối mặt tại các cuộc hội đàm sắp tới đã được thể hiện qua lời phát biểu của người đứng đầu đoàn đàm phán Israel, Bộ trưởng Tư pháp Tzipi Livni, trước khi khởi hành đến Mỹ. Bà Livni cho rằng vòng đàm phán này sẽ rất phức tạp và bà lên đường với tâm trạng không lạc quan nhưng vẫn “có hy vọng”.


Công Thuận (tổng hợp)

Tái khởi động đàm phán hòa bình Trung Đông

Sau 3 năm bế tắc, tiến trình đàm phán hòa bình giữa Palextin và Ixraen sắp tới sẽ được tái khởi động vào ngày 30/7 tại thủ đô Oasinhtơn của Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN