17 nước họp bàn khủng hoảng di cư Đông Nam Á

Ngày 29/5, hội nghị khu vực về khủng hoảng di cư ở Đông Nam Á đã khai mạc tại thủ đô Bangkok, Thái Lan. Tham gia hội nghị có đại diện 17 quốc gia trực tiếp hoặc gián tiếp bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng di cư, ngoài ra còn có Mỹ, Nhật Bản, Thuỵ Sĩ và các tổ chức quốc tế như Cao uỷ Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) và Tổ chức Quốc tế về Di cư (IOM).

Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Thái Lan Tanasak Patimapragorn phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị. Ảnh: AFP/TTXVN


Tuy nhiên, nhiều đại biểu tham dự lần này không thuộc cấp bộ trưởng. Ít nhất 3 quốc gia đang là trung tâm của cuộc khủng hoảng này gồm Myanmar, Indonesia và Malaysia không cử bộ trưởng tham dự. Ngày 28/5, Myanmar tuyên bố không có kế hoạch đạt được một thỏa thuận tại Bangkok. Chánh văn phòng Bộ Ngoại giao Myanmar Htein Lin nhấn mạnh: "Chúng tôi chỉ tham dự để thảo luận về cuộc khủng hoảng di cư khu vực mà tất cả các nước thành viên của Hiệp hội quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang phải đối mặt."

Phát biểu khai mạc hội nghị, Ngoại trưởng Thái Lan Thanasak Patimaprakorn cho rằng tình trạng các thuyền chở người di cư tìm cách đi vào Đông Nam Á đã đến "mức báo động", đồng thời kêu gọi các chính phủ giải quyết tận gốc nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng di cư này.

Ngoại trưởng Thái Lan khẳng định không một quốc gia nào có thể tự mình giải quyết vấn đề trên. Theo quan chức này, bên cạnh việc hỗ trợ những người cần sự giúp đỡ, cần phải ngăn dòng người di cư, đấu tranh với tội phạm xuyên quốc gia và triệt phá các mạng lưới buôn người.

Hiện các quốc gia châu Á đang phải vật lộn tìm cách giải quyết tình trạng người di cư lênh đênh trên các vùng biển của Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Trong những tuần qua, ước tính ít nhất 3.000 người đã dạt vào bờ hoặc được ngư dân giải cứu. Phần lớn những người di cư này thuộc tộc người Hồi giáo thiểu số Rohingya ở Myanmar và những người Bangladesh muốn thoát khỏi nghèo đói.

Tuần trước, Malaysia và Indonesia đã nhất trí cung cấp nơi tạm trú cho người di cư trong một năm. Indonesia cho biết người Rohingya có thể tạm trú một năm song người Bangladesh sẽ bị hồi hương. Trong khi đó, Thái Lan tuyên bố sẽ chỉ hỗ trợ nhân đạo bởi hơn 100.000 người tị nạn, chủ yếu từ các tộc người thiểu số ở Myanmar đã sống ở các trại tị nạn tại biên giới nước này trong nhiều thập kỷ và Bangkok không thể tiếp tục xử lý như vậy.


TTXVN/Tin Tức

Myanmar đồng ý đàm phán về người di cư tại Thái Lan
Myanmar đồng ý đàm phán về người di cư tại Thái Lan

Myanmar sẽ tham gia đàm phán về vấn đề người di cư Rohingya tại Thái Lan, vào ngày 29/5 tới.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN