Mỹ gia tăng sức ép quân sự với Syria

Mỹ đang tìm cách gia tăng sức ép quân sự đối với chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, trong bối cảnh quân đội chính phủ Syria liên tiếp giành được những thắng lợi quan trọng trước phe đối lập.


Tướng Dempsey đã đưa ra 5 giải pháp can thiệp vào Syria.

 

Trong một bức thư gửi Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ được công bố ngày 22/7, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Martin Dempsey, đã để ngỏ 5 giải pháp can thiệp mà chính phủ Mỹ có thể lựa chọn trong tình huống can thiệp quân sự vào Syria. Các giải pháp gồm: Huấn luyện chiến thuật, trợ giúp vũ khí cho lực lượng đối lập; không kích hạn chế các mục tiêu quân sự tại Syria; thiết lập vùng cấm bay nhằm ngăn cản quân đội Syria không kích vào phe đối lập; thiết lập vùng đệm dọc theo biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan và kiểm soát vũ khí hóa học.


Trong thư, Tướng Dempsey cũng lưu ý rằng chính phủ Mỹ cần thận trọng khi lựa chọn các giải pháp nói trên, bởi đây sẽ là một quyết định chính trị gần giống với “hành động chiến tranh”. Ông cho rằng Mỹ cần phải hành động phù hợp với luật pháp, tốt nhất là có được sự hưởng ứng của các đồng minh và đối tác nhằm chia sẻ gánh nặng. Tướng Dempsey cũng nhắc đến hệ quả mà Mỹ sẽ phải đối mặt khi quyết định can thiệp quân sự tại Syria. Đơn cử như việc thiết lập vùng cấm bay sẽ lấy của Mỹ khoản kinh phí hơn 1 tỷ USD mỗi tháng.


Trong một diễn biến khác, chính quyền của Tổng thống Barrack Obama dường như đã nhận được sự ủng hộ quan trọng từ quốc hội Mỹ đối với kế hoạch vũ trang cho lực lượng đối lập tại Syria. Tiết lộ với hãng tin Reuters ngày 22/7, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Mike Roger cho biết, kết quả này có được sau phiên điều trần kín tại Ủy ban Tình báo Hạ viện, với sự tham dự của nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ, trong đó có Ngoại trưởng John Kerry. Trước đó, kế hoạch cung cấp vũ khí từng bị Ủy ban Tình báo Thượng viện và Hạ viện Mỹ phản đối, do lo ngại vũ khí viện trợ có thể rơi vào tay những phần tử Hồi giáo cực đoan, như nhóm Mặt trận al-Nusra vốn bị Mỹ xem là một nhánh của mạng lưới khủng bố Al-Qaeda.


Phản ứng trước thông tin trên, phe đối lập tại Syria hy vọng chính quyền của Tổng thống Obama sẽ sớm thực hiện kế hoạch cung cấp vũ khí ngay trong tháng 8 tới để họ có thể tạo ra thế cân bằng với quân đội chính phủ Syria trên chiến trường.


Tuy nhiên, dư luận quốc tế bày tỏ quan ngại trước các động thái mới này. Phát biểu với hãng tin AFP ngày 22/7, Đặc phái viên của Liên hợp quốc về Syria, ông Lakhdar Brahimi, nhắc lại thỏa thuận giữa Mỹ và Nga về việc hai bên không ủng hộ giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng tại Syria. Ông khẳng định: “Vũ trang không tạo ra hòa bình. Hoạt động cung cấp vũ khí đối với các bên tại Syria cần phải chấm dứt”. Theo ông Brahimi, các bên có thể hướng đến một giải pháp chính trị thông qua quyết tâm, nỗ lực tham dự đàm phán hòa bình.


Trong khi đó, trong vòng 3 tháng qua, quân đội chính phủ Syria đã giành lại quyền kiểm soát tại các khu vực rơi vào tay quân nổi dậy và củng cố vị thế tại các khu vực tranh chấp, đặc biệt là ngoại ô thủ đô Đamát. Mới đây nhất, quân đội đã chiến thắng trong một trận phục kích tại Andra, ngoại ô Damascus, tiêu diệt 49 tay súng phe đối lập.



Hoài Thanh (Tổng hợp)

Mỹ xem xét vũ trang cho phe đối lập Syria
Mỹ xem xét vũ trang cho phe đối lập Syria

Quan chức Mỹ cho biết, chính quyền của Tổng thống Barack Obama sẽ tiếp tục theo đuổi kế hoạch vũ trang cho quân nổi dậy tại Syria sau khi giải tỏa được những quan ngại tại Quốc hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN