70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Đóng góp quan trọng từ thành phố Cảng

Ngày 25/4, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật, Hội Khoa học Lịch Sử, Câu lạc bộ Trung dũng - Quyết thắng của thành phố Hải Phòng tổ chức hội thảo khoa học "Hải Phòng với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ".

Tại hội thảo, Câu lạc bộ Trung Dũng - Quyết thắng Hải Phòng tặng quà, tri ân các chiến sĩ Điện Biên của thành phố.

Chú thích ảnh
Tiến sĩ Bùi Thanh Tùng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hải Phòng phát biểu tại hội thảo. 

Tiến sĩ Bùi Thanh Tùng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Hải Phòng nhấn mạnh, Hải Phòng là thành phố Cảng, thành phố "trung dũng - quyết thắng". Do đó, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Hải Phòng có vị trí, vai trò quan trọng, góp phần làm phá sản kế hoạch Nava của thực dân Pháp và cùng cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Theo ông Bùi Thanh Tùng, hội thảo góp phần làm rõ thêm chủ trương và những đóng góp quan trọng của các Đảng bộ, quân và dân Hải Phòng - Kiến An trong quá trình cùng cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ trong những năm 1953 đến 7/5/1954. Kết quả của hội thảo góp thêm tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục và phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang của Đảng bộ, quân và dân thành phố trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Đồng thời, đây cũng là dịp để ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng, hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí độc lập, tự chủ, tinh thần quật khởi, khát vọng yêu chuộng hòa bình. Hội thảo còn góp phần đúc rút những kinh nghiệm, bài học lịch sử để vận dụng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội thảo. 

Tại hội thảo, các đại biểu tham luận nhiều nội dung như, Đảng bộ, quân và dân Hải Phòng - Kiến An đẩy mạnh kháng chiến góp phần làm phá sản kế hoạch Nava của thực dân Pháp và phối hợp với chiến dịch Điện Biên Phủ; ý nghĩa, bài học lịch sử của chiến công đập tan trận càn Cờ-lốt của thực dân Pháp của Đảng bộ, quân và dân Tiên Lãng; trận tập kích sân bay Cát Bi (7/3/1954) - ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm...

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trường Sơn, nguyên Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố Hải Phòng, đến thời điểm cuối năm 1953, toàn tỉnh Kiến An có 4.590 thanh niên tòng quân. Lực lượng du kích, Công an được bí mật phát triển ở các địa bàn quan trọng ven đô, thị xã, đường giao thông chiến lược, quanh sân bay. Dân quân, du kích hai huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo lên tới 23.864 người.

Chú thích ảnh
Đại tá Lê Sĩ Mão chia sẻ về kỷ niệm khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Quân và dân Hải Phòng lập nhiều chiến công vang dội trong từ tháng 6 đến tháng 12/1953. Tiêu biểu, ngày 11/6/1953, Đội vũ trang tuyên truyền huyện An Dương kết hợp với Đội tác chiến 12 của tỉnh đánh mìn trên đường số 5, phá hủy một đầu tàu, lật đổ 8 toa xe lửa chở đầy vũ khí. Cả tàu bốc cháy. Nền đường sắt bị khoét sâu 1 mét, rộng 5 mét, dài 10, làm ngưng trệ sự vận chuyển trong 16 giờ.

Một tuần sau, ngày 18/6/1953, bộ đội tỉnh Kiến An tổ chức tập kích Sở Dầu-Tổng kho lớn nhất miền Bắc và tháng 9/1953, đập tan trận càn Cờ-lốt vào huyện Tiên Lãng. Phong trào chống bắt lính, địch vận, phá hoại kinh tế địch… diễn ra rộng khắp.

Trong nội thành Hải Phòng, tháng 12/1953, công nhân xi măng lại đốt kho quân nhu đặt trong nhà máy. Toàn bộ quần áo lính, đồ hộp do Mỹ viện trợ cháy từ đêm ngày 8 đến chiều ngày 9/12, gây thiệt hại 20 triệu đồng. Tiểu thương ở chợ sắt bãi thị đòi giảm thuế.

Công nhân Cảng, Ga Hải Phòng bãi công đòi tăng lương... Các tầng lớp nhân dân tẩy chay cuộc bầu cử Hội đồng thành phố. Như vậy, kế hoạch Nava từng bước thất bại thảm hại trên địa bàn Hải Phòng - Kiến An.

Chú thích ảnh
Bà Đào Khánh Hà, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng tặng quà các chiến sĩ Điện Biên. 

Những chiến thắng của quân và dân Kiến An - Hải Phòng cuối năm 1953, đầu năm 1954 đã cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân và dân cả nước, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.

Cũng tại hội thảo, Đại tá Lê Sỹ Mão, người từng tham gia chiến đấu ở Mường Thanh, Đồi A1, sân bay Mường Thanh, tham gia tải đạn, tải lương thực… trong chiến dịch Điện Biên Phủ; Thiếu tá Trương Văn Ky, nguyên chiến sĩ Cơ động pháo 37 ly F367, Trợ lý tham mưu (Phòng không) Quân khu 4 tham gia trực tiếp vào những đợt tấn công trên chiến trường... đã chia sẻ những kỷ niệm hào hùng trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tin, ảnh: Minh Thu (TTXVN)
Hà Nội: Trưng bày hơn 300 hiện vật của trận Điện Biên Phủ
Hà Nội: Trưng bày hơn 300 hiện vật của trận Điện Biên Phủ

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) và ký Hiệp định Geneve, ngày 25/4, tại Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tổ chức trưng bày chuyên đề "Điện Biên Phủ - Tinh thần bất diệt".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN