Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV:

Cần có giải pháp hạn chế tình trạng lừa đảo trên mạng xã hội

Chiều 4/11, theo dõi phiên chất vấn Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, cử tri tại Gia Lai đã có nhiều ý kiến đóng góp, cho rằng Nhà nước cần có giải pháp hạn chế tình trạng lừa đảo trên mạng xã hội, đồng thời, cần đưa ra những cơ chế thiết thực để giữ chân cán bộ công chức, viên chức nhà nước.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đại đa số cử tri tỉnh Gia Lai đều hoan nghênh và tin tưởng công tác điều hành phiên chất vấn. Theo cử tri Gia Lai, tại những phiên chất vấn gần đây, các đại biểu đặt câu hỏi rất ngắn gọn, súc tích, đi vào nội dung chính, những câu trả lời của các bộ trưởng cũng đã xoáy sâu vào các giải pháp để xử lý triệt để vấn đề nêu ra.  

Cử tri Văn Công Hùng, cán bộ hưu trí tại phường Hoa Lư, thành phố Pleiku đề nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông có giải pháp phù hợp, xử lý ngay, ngăn chặn tình trạng các đối tượng lừa đảo nhân danh một số sở, ban, ngành như Công an, Thanh tra, thậm chí là chính ngành Thông tin và Truyền thông lừa đảo người dân. Đặc biệt, tại một số vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, dân trí thấp, người dân dễ bị mắc lừa những thủ đoạn mà các đối tượng lừa đảo giăng bẫy trên mạng xã hội. Ông Hùng cũng dẫn chứng mới đây, ở huyện Đức Cơ đã có hộ dân bán trâu, bò, đất để gửi tiền cho đối tượng lừa đảo.

Thượng tá Trần Trọng Sơn, Trưởng phòng An ninh mạng, Công an tỉnh Gia Lai cho rằng, ở vùng sâu, vùng xa, vùng đông người dân tộc thiểu số, việc thiếu kỹ năng sử dụng các trang mạng xã hội gây nhiều hệ lụy. Theo ông Sơn, một số người dân do bất mãn, không đồng tình với quan điểm xử lý một số vụ việc của chính quyền nên đã có những phát ngôn trên mạng xã hội sai sự thật, không đúng với chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, những đối tượng này cần phải bị xử lý nghiêm minh để răn đe. Còn lại là những vụ việc do yếu tố vô ý, kiến thức hạn chế, kỹ năng nhận định thông tin xấu độc chưa chuẩn, do đó đã chia sẻ những thông tin giật gân, không kiểm chứng. Theo ông Sơn, những đối tượng này cần được tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cũng như kỹ năng sử dụng các trang mạng xã hội.

Trước thực trạng này, một số ngành, đơn vị liên quan của tỉnh Gia Lai như Sở Thông tin và Truyền thông, Phòng An ninh mạng Công an tỉnh Gia Lai đã có những trang zalo, trang fanpage để phục vụ công tác phòng, chống tội phạm tại các xã, phường. Qua đó, tại các trang mạng chính thống này, lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai đã tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân khi dùng mạng xã hội, có cách ứng xử văn minh khi sử dụng mạng xã hội. Từ khi triển khai (đầu năm 2022) các trang thông tin tuyên truyền đến nay, tỉnh Gia Lai đã hạn chế được tình trạng chia sẻ các thông tin không kiểm chứng như trước đây, không còn tình trạng bị xử phạt các đối tượng cố ý hoặc vô ý vi phạm.

Đối với lĩnh vực mà Bộ trưởng Bộ Nội vụ trả lời chất vấn, cử tri Nguyễn Khắc Cường, giáo viên Trường Trung học Phổ thông Chi Lăng, thành phố Pleiku thống nhất quan điểm với đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đoàn Đại biểu Quốc hội Đắk Lắk). Ông Cường cho rằng, việc giao số lượng biên chế viên chức sự nghiệp của Bộ Nội vụ trong những năm qua đã làm cho nhiều địa phương không thể bố trí giáo viên theo đúng định mức vị trí việc làm được quy định tại Thông tư 16 của Bộ Giáo dục và Đào tạo dẫn đến tình trạng nhiều điểm trường ở vùng xâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên nói chung bị thiếu giáo viên.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai, từ năm 2015-2021, tổng số học sinh đến trường là hơn 43.000 học sinh, tăng hơn 12% so với năm 2015, tuy nhiên, biên chế giáo viên không được bổ sung đủ. Riêng năm học 2022-2023, các bậc học trên toàn tỉnh Gia Lai tăng 234 lớp, tăng hơn 12.500 học sinh so với năm học 2021-2022. Như vậy năm học 2022-2023, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh vẫn thiếu trên 4.500 giáo viên, tuy nhiên chỉ được bổ sung biên chế hơn 1.200 chỉ tiêu.

Ông Cường cũng cho rằng Bộ Nội vụ cần nhìn lại việc phân bổ biên chế cho không chỉ cho ngành Giáo dục mà cả ngành Y tế, vì đây là hai ngành đang có lượng công chức, viên chức người lao động nghỉ việc nhiều nhất do quá nhiều áp lực.

Hồng Điệp (TTXVN)
Hoàn thiện thể chế trong đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức
Hoàn thiện thể chế trong đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức

Tại phiên chất vấn chiều 4/11, trả lời đại biểu Hà Sỹ Huân (Bắc Kạn) về việc đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức hiện nay vẫn chưa thực chất, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Đảng, Chính phủ hết sức quan tâm đến công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN