Đối phó với siêu bão mạnh nhất hàng chục năm qua

“Cơn bão sắp vào Biển Đông được dự báo là cơn bão mạnh nhất hàng chục năm qua. Sức tàn phá của nó sẽ mạnh hơn cả bão số 10 và 11 đổ bộ vào miền Trung hồi tháng 10”, ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết.

 

Bão Haiyan mạnh hơn cả bão số 10

 

Hồi 16 giờ ngày 8/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,5 độ Vĩ Bắc; 121,6 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông khu vực miền Trung Philippin. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 16 (tức là từ 184 đến 201 km một giờ), giật trên cấp 17.

 

Vị trí tâm bão chụp từ vệ tinh ngày 8/11. Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương.

 

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 35km. Như vậy khoảng tối nay (08/11), bão sẽ đi vào phía Đông Nam biển Đông. Đến 16 giờ ngày 09/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,3 độ Vĩ Bắc; 113,3 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 250km về phía Bắc Tây Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16 (tức là từ 184 đến 201 km một giờ), giật trên cấp 17.

 

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 30 - 35km. Đến 16 giờ ngày 10/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,1 độ Vĩ Bắc; 107,1 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh Trung Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, cấp 15 (tức là từ 150 đến 183 km một giờ), giật trên cấp 17.

 

Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Bắc, đi dọc các tỉnh ven biển Trung Bộ, mỗi giờ đi được khoảng 20km.

 

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, khu vực giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển giữa quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa) có gió mạnh dần lên cấp 9 - 11, sau tăng lên cấp 12 - 14, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 15, cấp 16, giật trên cấp 17. Biển động dữ dội.

 

Ông Lê Thanh Hải cho biết, dự báo, đêm 8/11, rạng sáng 9/11, siêu bão Haiyan sẽ vào Biển Đông. Sau khi tràn qua Philippin, sức gió của bão Haiyan sẽ giảm do ma sát trong quá trình di chuyển, song vẫn còn rất mạnh: vùng gấn tâm bão mạnh cấp 13, 14, giật cấp 15, 16.

 

“Dự báo, cơn bão này tiếp tục đổ bộ vào miền Trung, cụ thể từ Quảng Bình đến Phú Yên. Sau khi đổ bộ vào đất liền, sức gió còn ở mức cấp 10, 11, giật cấp 13, 14. Tức là, cơn bão này sẽ mạnh hơn nhiều cơn bão số 10, 11”, ông Hải nhận định.

 

Khẩn trương kêu gọi tàu thuyền tránh bão

 

Trước dự báo nguy hiểm về cơn bão này, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương Cao Đức Phát đã có công điện yêu cầu các tỉnh, thành ven biển từ Thanh Hóa đến Cà Mau, các bộ ngành liên quan khẩn trương đối phó với bão Haiyan. Bộ trưởng yêu cầu các địa phương kiên quyết kêu gọi toàn bộ tàu thuyền đang hoạt động trong vùng nguy hiểm về bờ. Các tàu phải ra khỏi vùng biển từ bắc vĩ tuyến 8 đến nam vĩ tuyến 16 và phía đông kinh tuyến 112 trước 19 giờ chiều nay (8/11). Các phương tiện hoạt động ở vùng biển bắc vĩ tuyến 10 đến nam vĩ tuyến 20 về nơi tránh trú trước 19 giờ ngày 9/11. Các địa phương kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền hoạt động ven bờ, cửa sông; chủ động cấm biển, cấm tàu hoạt động trên sông trong ngày 10/11.

 

Theo ông Vũ Xuân Thành, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão TƯ, tính đến 11 giờ ngày 8/11, Biên phòng các tỉnh, thành tuyến biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang đã phối hợp với gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, hướng dẫn cho 85.249 phương tiện/385.392 người biết hướng đi của bão để chủ động di chuyển phòng tránh. Cụ thể: khu vực Bắc biển Đông (bao gồm Quần đảo Hoàng Sa): 71 tàu/576 lao động; Hoạt động ở khu vực giữa Biển Đông (bao gồm Quần đảo Trường Sa): 305 tàu/ 4.055 lao động; neo đậu tại các bến và khu vực khác 84.873 tàu/ 380.761 lao động.

 

Nhiều hồ đập thấm nước, sạt lở

 

Theo Vụ quản lý công trình thủy lợi, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Định có 114 hồ chứa có hiện trạng yếu cần lưu ý về an toàn trong mùa mưa bão, trong đó nhiều hồ có đập bị thấm mạnh, tràn xả lũ bị vỡ lở xuống cấp như: Hồ Đồng Bể (Thanh Hoá), Khe Sặt, Thanh Thủy (Nghệ An), Đập Họ, Vực Rồng (Hà Tĩnh), Tôn Dung, Đá Bàn (Quảng Ngãi); Kim Sơn, Mỹ Đức, Hội Khánh (Bình Định).

 

Các tỉnh Tây Nguyên và Tổng công ty Cà phê có 51 hồ chứa có hiện trạng yếu, trong đó nhiều hồ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão, như: Đắk Hnia, Đắk Hniêng (Kon Tum), Đội 4, Hà Tam (Gia Lai), Đội 14 (Đắk Lắk), Thôn 2 (Lâm Đồng).

 

Huyền Tím

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN