Gỡ vướng cho dự án liên quan đến đất rừng cần chuyển đổi mục đích sử dụng

Chiều 26/9, tại Ninh Thuận, Đoàn công tác do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh về tình hình thực hiện thủ tục xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước Sông Than theo Luật Lâm nghiệp.

Chú thích ảnh
Đoàn công tác Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khảo sát công trình hồ chứa nước Sông Than. 

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Thuận, Dự án hồ chứa nước Sông Than đang được thi công tại huyện Ninh Sơn là công trình trọng điểm (công trình cấp 2), được đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020, với tổng mức đầu tư 855 tỷ đồng. Dự án có dung tích chứa hơn 85 triệu m3 nước, cung cấp nước tưới cho khoảng 4.500 ha đất canh tác, cấp nước sinh hoạt cho hơn 20.000 hộ dân vùng hạ lưu trên địa bàn huyện Ninh Sơn và khu vực phía Nam của tỉnh Ninh Thuận; đồng thời cấp nước cho các dự án công nghiệp ở phía Nam và cấp nước bổ sung liên thông các hồ Lanh Ra, Tà Ranh và Bầu Zôn để phục vụ sản xuất.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lưu Xuân Vĩnh cho biết, Dự án hồ Sông Than có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với tỉnh, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, hạn hán thường xuyên xảy ra như hiện nay. Dự án không chỉ đảm bảo an ninh nguồn nước mà còn có tác động đa mục tiêu, góp phần cải thiện môi trường, cải thiện đời sống cho nhân dân. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, Dự án đã có nhiều thay đổi do vướng Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và tiêu chí xác định rừng theo Luật Lâm nghiệp mới, về điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh… Vì lẽ đó, Dự án bị chậm trễ trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng phục vụ thi công.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết thêm, ở giai đoạn triển khai dự án, do thay đổi quy hoạch 3 loại rừng cũng như tiêu chí xác định rừng nên hơn 109 ha đất của dự án nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ đầu nguồn và hơn 335 ha đất còn lại thuộc quy hoạch rừng sản xuất, cần chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác. Để chuyển đổi đất rừng sang mục đích khác thì thẩm quyền quyết định là của Quốc hội theo quy định tại Điều 20 - Luật Lâm nghiệp và Điều 1 Nghị định số 83/2020 ngày 15/7/2020 của Chính phủ.

Để đẩy nhanh tiến độ dự án và giải ngân kịp thời nguồn vốn đầu tư công theo Kết luận số 77/KL-BCT ngày 5/6/2020 của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước và các thông báo của Chính phủ, UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội quan tâm thẩm định và tổng hợp, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng sang mục đích khác, qua đó tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện Dự án hồ chứa nước Sông Than. UBND tỉnh sẽ tuân thủ các quy định pháp luật, đảm bảo tính minh bạch đối với hồ sơ dự án để trình Quốc hội xem xét.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng ghi nhận những thành quả mà tỉnh đã đạt được, Ninh Thuận là một trong số ít tỉnh, thành phố trong cả nước có mức tăng trưởng cao trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19 từ đầu năm đến nay. Riêng đối với Dự án hồ chứa nước Sông Than, đây là công trình rất quan trọng đối với lợi ích của tỉnh trước mắt cũng như về lâu dài. Do đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội đồng ý với chủ trương của tỉnh trong việc chuyển đổi mục đích đất rừng để triển khai dự án.

Ông Phan Xuân Dũng đề nghị UBND tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo các ngành liên quan phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội trong việc tiếp thu, giải trình các ý kiến được các đại biểu Quốc hội đưa ra đối với những vấn đề liên quan đến dự án để tiếp tục bổ sung, rà soát và hoàn thiện hồ sơ phục vụ công tác thẩm tra, đánh giá của Quốc hội đối với chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án. Từ đó triển khai thi công, sớm đưa dự án vào sử dụng, phát huy hiệu quả trong việc tích nước, tạo nguồn, cung cấp đầy đủ nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu hiện nay.

Trong sáng cùng ngày, Đoàn công tác đã đi kiểm tra thực địa tại công trình hồ chứa nước Sông Than và địa điểm trồng rừng thay thế đối với các dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh theo Luật Lâm nghiệp.

Tin, ảnh: Công Thử (TTXVN)
Lâm Đồng kiên quyết xử lý tình trạng xâm lấn đất rừng
Lâm Đồng kiên quyết xử lý tình trạng xâm lấn đất rừng

Lâm Đồng là một trong 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên, nơi vẫn còn những cánh rừng nguyên sinh, hoang sơ cần bảo vệ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN