Ký FTA lịch sử giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu

Sau hơn 2 năm tích cực đàm phán, vào 20h30 ngày 29/5 theo giờ Việt Nam, tại thị trấn Burabay của Cộng hòa Kazakhstan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng với Thủ tướng các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á – Âu (gồm Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Armenia, Cộng hòa Kyrgyzstan) và Chủ tịch Ban thường trực Ủy ban Kinh tế Á – Âu đã cùng ký Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu cùng các nước thành viên.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu. Ảnh: Đức Tám - TTXVN


Đây là Hiệp định có ý nghĩa chiến lược cho cả Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu, mở ra trang mới trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Liên minh nói chung và từng nước thành viên nói riêng. Được chính thức khởi động tại Việt Nam ngày 28/3/2013, sau thời gian đàm phán và hoàn tất các thủ tục phê duyệt nội bộ, các bên đã ký kết Hiệp định FTA với phạm vi toàn diện, mức độ cam kết cao, đảm bảo cân bằng lợi ích và có tính đến điều kiện cụ thể của từng bên.

Hiệp định bao gồm các chương chính về thương mại hàng hóa, quy tắc xuất xứ, phòng vệ thương mại, thương mại dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), thuận lợi hóa hải quan, hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), công nghệ điện tử trong thương mại, cạnh tranh, pháp lý và thể chế. Theo đánh giá bước đầu của Liên minh Kinh tế Á - Âu, sau khi Hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Liên minh sẽ đạt 10 – 12 tỷ USD vào năm 2020 (tăng mạnh so với mức 4 tỷ USD năm 2014). Việt Nam ước tính kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh hàng năm sẽ tăng khoảng 18 – 20%.

Toàn cảnh lễ ký. Ảnh: Đức Tám - TTXVN


Tuy chỉ mới được thành lập nhưng với tổng dân số hơn 175 triệu người và GDP 2.500 tỷ USD, Liên minh Kinh tế Á – Âu có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của một số quốc gia thuộc Liên Xô trước đây nhằm hướng tới một không gian kinh tế thống nhất. Việc ký kết Hiệp định tiếp tục khẳng định vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam trong quan hệ hợp tác toàn diện với các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á - Âu, đặc biệt trong việc thực hiện quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga.

Phát biểu với báo chí và giới truyền thông ngay sau lễ ký, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao nỗ lực của Đoàn đàm phán hai bên trong hơn 2 năm qua nhằm đi tới việc thống nhất nội dung và chính thức ký Hiệp định. Thủ tướng nhấn mạnh đến quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và các nước thành viên của Liên minh Kinh tế Á – Âu , đồng thời khẳng định việc ký kết Hiệp định đưa Việt Nam vinh dự trở thành đối tác quốc tế đầu tiên ký Hiệp định FTA với Liên minh.

Hiệp định này cũng thể hiện tầm nhìn chiến lược của Liên minh về phát triển hợp tác với khu vực châu Á – Thái Bình Dương năng động, một động lực của tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, với cơ cấu kinh tế, hàng hóa bổ sung cho nhau giữa Việt Nam và các nước thành viên Liên minh, Hiệp định sẽ góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, tăng trường trao đổi thương mại, dịch vụ, đầu tư song phương và mở rộng quan hệ hợp tác trong khu vực.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại họp báo chung sau khi ký Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu. Ảnh: Đức Tám - TTXVN


Thủ tướng nhấn mạnh, là một thành viên năng động của ASEAN, Việt Nam sẽ nỗ lực để Liên minh Kinh tế Á - Âu mở rộng quan hệ với Cộng đồng ASEAN, một thị trường thống nhất, phát triển năng động có trên 600 triệu dân với GDP đạt khoảng 2.500 tỷ USD. Việt Nam cũng đang đẩy nhanh kết thúc đàm phán FTA với nhiều đối tác lớn. Việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp của các nước thành viên Liên minh khi đầu tư, kinh doanh với Việt Nam vì họ sẽ có các cơ hội tiếp cận thị trường của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Canada, Australia…

Bày tỏ hài lòng trước việc Liên minh và Việt Nam ký FTA, Chủ tịch Ban thường trực Uỷ ban Kinh tế Á – Âu Viktor Khristenko cho rằng Hiệp định là một sự kiện lịch sử đối với Liên minh bởi Việt Nam là một trong những đối tác đầu tiên ký kết văn kiện này với Liên minh. Việt Nam cũng là đối tác chiến lược của Liên minh tại Đông Nam Á trong nhiều thập kỷ qua.

Hơn 2 năm đàm phán, các bên đã đạt được kết quả mang tính cân bằng và có tính đến những lợi ích chung. Đó là sự khởi đầu mới trong việc phát triển quan hệ hợp tác giữa các nước. Việc thiết lập cơ chế tự do thương mại giữa Liên minh Kinh tế Á - Âu và Việt Nam mở ra cơ hội mới cho tất cả các nước thành viên. Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng nước chủ nhà Kazakhstan Karim Masimov bày tỏ cảm ơn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tham gia lễ ký Hiệp định thương mại tự do, góp phần làm nên thành công của cuộc họp Hội đồng liên chính phủ Liên minh Kinh tế Á – Âu.

Ông Masimov coi đây là sự kiện quan trọng của quá trình hoạt động và đa dạng hoá các kênh hợp tác của Liên minh. Đáp lại, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ cảm ơn nước chủ nhà Kazakhstan về sự đón tiếp nồng hậu và tin tưởng rằng sau khi ký chính thức Hiệp định, Việt Nam và các nước thành viên Liên minh sẽ nhanh chóng hoàn tất các thủ tục phê duyệt nội bộ để Hiệp định sớm có hiệu lực và triển khai thành công, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, người dân hai bên.

Quang Vũ (Đặc phái viên TTXVN)
 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Thủ tướng Nga Medvedev
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Thủ tướng Nga Medvedev

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp với Thủ tướng LB Nga Dmitry Medvedev tại tỉnh Burabai của Kazakhstan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN