Phỏng vấn Tổng thư ký IPU về hoạt động của Quốc hội Việt Nam

Lịch sử Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) đã ghi dấu ấn khi lần đầu tiên trong lịch sử 125 năm hoạt động đã bầu chọn một đại diện châu Phi nắm giữ chức vụ Tổng Thư ký IPU với nhiệm kỳ 4 năm (2014-2018).

Ông Martin Chungong trả lời phỏng vấn.


Ông Martin Chungong người Cameroon cũng là Tổng Thư ký IPU đầu tiên không phải là người châu Âu đã được Hội đồng điều hành - cơ quan lãnh đạo cao nhất của IPU - bổ nhiệm và chính thức nhận chức vào ngày 1/7/2014. Theo điều lệ của IPU, toàn bộ các nhân viên của tổ chức này hoạt động dưới sự chỉ đạo của Tổng thư ký.

Kể từ năm 1921, IPU đặt trụ sở ở Geneva, Thụy Sĩ, ngay tại nơi từng được biết đến là "Maison des parlements" (Tòa nhà nghị viện). Phóng viên TTXVN tại Geneva đã có buổi phỏng vấn tại trụ sở của IPU với Tổng thư ký Martin Chungong - từng giữ chức Phó Tổng thư ký, Giám đốc phụ trách các chương trình trực tiếp tham gia vào các hoạt động tại IPU được 20 năm.

PV: Với cương vị là Tổng Thư ký IPU, ngài có thể cho biết vai trò của IPU trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức mang tính toàn cẩu?

Ông Martin Chungong: Liên minh Nghị viện là một tổ chức chính trị trong đó tập hợp thành viên của Nghị viện của các quốc gia có chủ quyền. Được thành lập năm 1889, IPU là một trung tâm cho đối thoại và ngoại giao nghị viện giữa các nhà lập pháp đại diện cho tất cả các hệ thống chính trị ở cấp quốc gia và quốc tế, là nơi các chính trị gia gặp gỡ, trao đổi ý kiến, thảo luận, học hỏi lẫn nhau để làm việc ngày một tốt và hiệu quả hơn.

IPU giúp tăng cường hợp tác kỹ thuật giữa các nghị viện, hỗ trợ đào tạo các nghị sĩ để có được kiến thức và thực tế làm việc tại nghị viện, giúp phát triển các hoạt động liên quan đến quốc hội, đặc biệt ở các nước đang phát triển, để cải thiện việc tổ chức công việc, tăng cường cơ sở hạ tầng, hỗ trợ việc tổ chức bầu các đại biểu quốc hội.

IPU nỗ lực tăng cường năng lực của quốc hội trong lĩnh vực bảo vệ quyền con người cũng như bảo vệ quyền của các đại biểu quốc hội. Thúc đẩy bình đẳng giới, khuyến khích sự tham gia của phụ nữ vào quốc hội và các vấn đề chính trị.

Trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều vấn đề toàn cầu, IPU đã có sự hợp tác với các tổ chức quốc tế khác, đặc biệt là chiều hướng ngày càng hợp tác chặt chẽ với Liên hợp quốc (LHQ). Hai tổ chức toàn cầu cùng chia sẻ mục tiêu chung là thúc đẩy hòa bình, dân chủ, hợp tác phát triển và bảo đảm quyền con người.

Với vai trò quan trọng trong đời sống nghị viện quốc tế, IPU đã có nhiều đóng góp đối với công việc và các tiến trình chung của LHQ trong một loạt các vấn đề như biến đổi khí hậu, quá trình thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) và xây dựng Chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015, những vấn đề liên quan HIV/AIDS, những nỗ lực phòng chống dịch bệnh Ebola ở châu Phi.

Mặc dù chỉ đưa ra những khuyến nghị chứ không phải đặt ra các quy phạm có tính chất bắt buộc phải thi hành, song IPU đã huy động sự đóng góp của các nghị viện thành viên để gợi ý những giải pháp cho những thách thức mang tính toàn cầu thông qua việc trao đổi, đúc rút kinh nghiệm cùng đưa ra những đề xuất hành động, từ những hành động cụ thể tại nghị viện ở cấp quốc gia đến việc tạo tác động dẫn đến những cam kết ở cấp quốc tế.

PV: Ngài đánh giá ra sao về những đóng góp của Việt Nam trong các hoạt động của IPU trong những năm qua và công tác chuẩn bị của Quốc hội Việt Nam cho Đại hội đồng IPU lần thứ 132 sắp tới tại thủ đô Hà Nội vào mùa Xuân năm 2015?

Ông Martin Chungong: Kể từ khi gia nhập Liên minh Nghị viện từ thập kỷ 1970, có thể khẳng định Việt Nam đã có những đóng góp mạnh mẽ trong các hoạt động của IPU, nỗ lực thúc đẩy quan hệ với các nghị viện thành viên trên thế giới. Việt Nam cũng nhiều lần nắm giữ các vị trí lãnh đạo quan trọng trong IPU, trong Hội đồng điều hành – cơ quan hàng đầu của IPU cũng như đã được bầu làm Phó Chủ tịch IPU.

Quốc hội Việt Nam cũng đã từng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch nhóm địa chính trị Châu Á - Thái Bình Dương và nhóm ASEAN +3 trong khuôn khổ Đại hội đồng IPU. Việt Nam thể hiện sự tích cực và là thành viên có trách nhiệm trong mọi hoạt động vì các mục tiêu của IPU như thúc đẩy hòa bình và phát triển trên thế giới, thúc đẩy vai trò và quyền của phụ nữ và trẻ em.

Nhờ có nhiều đóng góp cho hoạt động của IPU, Quốc hội Việt Nam đã có được sự hiểu biết cũng như sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Việc Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội đồng IPU lần thứ 132 sẽ giúp tạo một diễn đàn quan trọng để các nghị sỹ, các nghị viện thành viên trao đổi về chiến lược phát triển hậu 2015 mà cả thế giới đang chú trọng; cũng như giúp nâng cao tiếng nói của nhóm các quốc gia châu Á trong Liên minh Nghị viện Thế giới.

Việc thành lập trang web tiếng Việt để cung cấp thông tin về IPU-132, đặc biệt tới đây còn có thêm các bản tiếng nước ngoài sẽ giúp cho các đại biểu thế giới hiểu rõ những bước phát triển mới tại Việt Nam, những bước tiến trong hoạt động nghị viện của Quốc hội Việt Nam.

Tuy không trực tiếp làm việc với Ban Tổ chức IPU 132, nhưng qua đánh giá của các đồng nghiệp phụ trách phối hợp với Việt Nam đều tỏ rõ sự tin tưởng vào công tác chuẩn bị kỹ lưỡng, cũng như chi tiết của nước chủ nhà Việt Nam, không chỉ về các vấn đề hậu cần mà ngay cả về các nội dung và chủ đề thảo luận.

PV: Với hơn 30 năm kinh nghiệm cùng với sự hiểu biết về quốc hội ở cấp quốc gia và quốc tế, ngài nghĩ như thế nào về những hoạt động của Quốc hội Việt Nam kể từ cuộc tổng tuyển cử đầu tiên để bầu lên Quốc hội vào năm 1946?

Ông Martin Chungong: Mặc dù năm 1946 còn chưa ra đời, nhưng kể từ khi tham gia vào công tác nghị viện nhất là trong các hoạt động của IPU, cá nhân tôi rất ấn tượng về những bước tiến của Quốc hội Việt Nam trong hai, ba thập niên qua. Một trong những dự án đầu tiên tôi được giao chính là chương trình hỗ trợ phát triển các hoạt động của Quốc hội Việt Nam.

Có thể nói, Việt Nam đã có sự đổi thay tuyệt vời khiến nhiều người thán phục. Trong những năm 1990, tính đại diện trong Quốc hội Việt Nam được thể hiện rõ, đại diện cho trí tuệ của đất nước. Quốc hội là cơ quan có quyền lập hiến và lập pháp và tôi muốn đề cập đến Hiến pháp năm 1992.

Nhiều đạo luật quan trọng đã được Quốc hội ban hành nhằm thể chế hoá quyền làm chủ của nhân dân và thực hiện quản lý xã hội theo Hiến pháp và pháp luật. Quốc hội cũng đã thực hiện quyền giám sát tối cao trong quá trình thực thi Hiến pháp và luật, kiểm tra sự chỉ đạo điều hành của bộ máy Nhà nước trên các lĩnh vực đời sống xã hội.

Theo quan điểm của tôi, nếu trở lại những dữ liệu từ thời điểm cuộc tổng tuyển cử đầu tiên vào năm 1946, Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm thành công có thể chia sẻ với các nghị viện trên thế giới với rất nhiều điểm tích cực. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi thứ đều luôn hoàn hảo.

Việt Nam được kỳ vọng cần có những nỗ lực hơn nữa, học hỏi các nước tiến tiến để có nền dân chủ ngày càng đi lên. Việt Nam bước vào thế kỷ 21 cùng với sự hỗ trợ của khoa học công nghệ mới sẽ giúp nâng cao sự phát triển của thế chế hơn nữa.


Tố Uyên (P/v TTXVN tại Geneva)


Việt Nam dự Đại Hội đồng IPU lần thứ 131
Việt Nam dự Đại Hội đồng IPU lần thứ 131

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng dẫn đầu đã tham dự các hoạt động của Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) lần thứ 131 và các hội nghị liên quan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN