Thừa Thiên - Huế nâng tầm đô thị

Nhân dịp Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên - Huế, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn đồng chí Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế về một số nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ tỉnh và định hướng phát triển của tỉnh giai đoạn 2015-2020:


Xin đồng chí cho biết nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ Thừa Thiên - Huế trong thời gian tới là gì?


Tỉnh tăng cường xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; phấn đấu xây dựng Thừa Thiên - Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”; đến năm 2020, xứng tầm là một trong những trung tâm văn hóa - du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ của cả nước và khu vực; quốc phòng, an ninh được tăng cường, chính trị - xã hội ổn định, vững chắc; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Toàn tỉnh hiện có 11 đô thị; trong đó có 1 đô thị loại 1(thành phố Huế), 3 đô thị loại 4 và 7 đô thị loại 5; tỷ lệ đô thị hóa đạt 52%. Nhiều công trình, dự án quan trọng hoàn thành đưa vào sử dụng: Nâng cấp sân bay quốc tế Phú Bài, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, cửa khẩu A Đớt, khu công nghiệp Phú Bài, Phong Điền, La Sơn, Tứ Hạ, Quảng Vinh...; hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ mở rộng quốc lộ 1A, đường cao tốc Cam Lộ - Túy Loan, hầm đường bộ Phú Gia, Phước Tượng...

Hạn chế của tỉnh hiện nay là quy mô nền kinh tế vẫn còn nhỏ; tốc độ tăng trưởng còn thấp, thiếu các sản phẩm có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao. Đứng trước xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, tỉnh tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; tôn trọng các nguyên tắc hiệp thương dân chủ; phát huy vai trò phản biện xã hội và tham gia giám sát của mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội; khắc phục triệt để tình trạng đảng bao biện, làm thay hoặc buông lỏng lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước.

Tỉnh đổi mới cách ra nghị quyết, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết của Đảng. Đổi mới phong cách, lề lối làm việc của các cấp ủy, các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ tỉnh đến cơ sở theo hướng khoa học, dân chủ, gần dân, sâu sát thực tế, nói đi đôi với làm. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và xây dựng văn hóa trong Đảng, khắc phục tình trạng rườm rà, bất hợp lý về thủ tục, giảm bớt giấy tờ, hội họp.

Triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”gắn với thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” nghiêm túc, trách nhiệm và đạt kết quả tích cực; tạo chuyển biến cơ bản về ý thức tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng; từng bước ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống và các tệ nạn tham nhũng, tiêu cực.

Nhiệm kỳ 2015-2020, tỉnh Thừa Thiên - Huế phấn đấu có 100% tổ dân phố, thôn, bản có tổ chức đảng, đảng viên; bình quân hàng năm kết nạp trên 2.000 đảng viên; phấn đấu không có tổ chức cơ sở Đảng yếu kém. Tỉnh tập trung thực hiện các chương trình trọng điểm về phát triển du lịch - dịch vụ; hạ tầng kinh tế - kỹ thuật và phát triển công nghiệp; chương trình xây dựng nông thôn mới và chương trình phát triển nguồn nhân lực. Tỉnh Thừa Thiên - Huế phấn đấu đạt tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng bình quân trên 9%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt từ 3.400 - 3.700 USD; mỗi năm giải quyết việc làm mới từ 15.000 - 17.000 lao động/năm, trong đó lao động qua đào tạo đạt 65 - 70%; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 1,5 - 2%/năm; số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt từ 50 - 60%...


Nội dung xây dựng Thừa Thiên - Huế thành đô thị “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường” là gì, thưa đồng chí?

Với cố đô Huế 2 lần được UNESCO công nhận là di sản văn hóa, tỉnh đang nghiên cứu thay đổi mô hình quản lý, phát triển các điểm đến tham quan di sản trên địa bàn, tăng cường hiệu quả khai thác, sử dụng; đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu du lịch, văn hóa Huế gắn thành phố Festival, thành phố bền vững môi trường ASEAN.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đang thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020, hướng đến xây dựng Huế trở thành đô thị "Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường". Tỉnh đẩy nhanh quá trình đô thị hóa bền vững; phấn đấu đến năm 2020 có 95% các khu đô thị, 70% khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải, thu gom và xử lý chất thải rắn đạt chuẩn quy định; 100% chất thải y tế được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường; đất cây xanh công cộng khu vực nội thị các đô thị ngày một tăng.

Hiện, thành phố Huế đang triển khai dự án cải thiện môi trường nước thành phố Huế có tổng mức đầu tư 24 tỷ Yên, tương đương khoảng 3.170 tỷ đồng, từ nguồn vốn vay của Chính phủ Nhật Bản, thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA). Có khoảng 400.000 người dân sống trên địa bàn thành phố Huế sẽ được hưởng lợi từ dự án này trong năm 2015.

Thừa Thiên - Huế hiện đang tập trung xây dựng các thiết chế của trung tâm văn hóa, giáo dục đào tạo và trung tâm y tế chuyên sâu của vùng và cả nước. Đại học Huế với trên 230 giáo sư, phó giáo sư và 516 tiến sĩ, tiếp tục khẳng định vai trò của một đại học vùng trọng điểm, một trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Bệnh viện Trung ương Huế cùng với Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế đã triển khai nhiều kỹ thuật cao về chẩn đoán và điều trị chuyên sâu, tiên tiến trong nhiều lĩnh vực. Nhiều bệnh viện tuyến huyện được xây dựng và nâng cấp; trên 90% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; 98% thôn, bản, tổ dân phố có nhân viên y tế.

Về phát huy giá trị di sản Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức đón du khách thứ 30 triệu tham quan di tích Huế, kể từ khi khu di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản thế giới; doanh thu du lịch chiếm từ 56 - 57% GDP của toàn tỉnh. Thời gian qua, cùng với quá trình triển khai Quyết định 105/TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô Huế giai đoạn 1996-2010 và Quyết định 818/TTg điều chỉnh dự án trên đến năm 2020. UNESCO đánh giá, công cuộc bảo tồn di tích Huế hiện đang chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa gắn liền với quá trình khai thác, phát huy và tạo điều kiện cho kinh tế du lịch, dịch vụ phát triển.

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí.
Quốc Việt (thực hiện)
Phát huy truyền thống xây dựng Thừa Thiên - Huế giàu mạnh
Phát huy truyền thống xây dựng Thừa Thiên - Huế giàu mạnh

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Thừa Thiên - Huế là chiến trường nóng bỏng, là mắt xích trọng yếu trong cuộc đọ sức giữa ta và địch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN