Vị tướng cả đời vì quân, vì dân

Tin người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam – Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi về cõi vĩnh hằng khiến quân dân cả nước, trong đó có những người con ở đất phương Nam xa xôi, những người lính của Đại tướng năm xưa, dâng trào niềm tiếc thương sâu sắc. Đối với họ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thân thuộc như người cha, người anh luôn hết lòng vì quân, vì dân.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đại biểu đoàn Bình Trị Thiên thảo luận tại tổ, đóng góp vào Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội VI của Đảng, ngày 7/12/1986. Ảnh: Kim Hùng – TTXVN


Luôn trân trọng từng người lính

Khi hay tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, Đại tá Hoàng Minh Phương, từng là trợ lý của Đại tướng (hiện sống tại TP. Hồ Chí Minh) cảm thấy trái tim mình như thắt lại, đau xót. Đại tá Phương chia sẻ: Nghe tin Đại tướng qua đời, cả nhà tôi bàng hoàng, xúc động và đau buồn. Đối với tôi, Đại tướng không chỉ là thủ trưởng mà còn là người thầy dìu dắt tôi từng bước trưởng thành. Đại tướng là một người anh luôn quan tâm đến cuộc sống của gia đình tôi. Mỗi lần bác Giáp vào TP. Hồ Chí Minh, tôi đều đưa cả gia đình đến chào và chụp hình kỷ niệm.

Hơn 25 năm làm trợ lý cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp (từ năm 1950 đến sau năm 1975), Đại tá Hoàng Minh Phương nhớ nhiều kỷ niệm đẹp về một vị tướng tài đức vẹn toàn, một con người liêm khiết, thanh bạch và có cuộc sống đời thường giản dị. Trong quãng thời gian làm trợ lý cho Đại tướng, Đại tá Phương nhớ nhất hình ảnh tối 25/1/1954, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng thức trắng đêm để suy nghĩ cách đánh.

Sáng hôm sau, khi ông Phương lên thì thấy Đại tướng quấn lá ngải cứu quanh đầu với lời giải thích mười một ngày qua trăn trở vì chủ trương đánh nhanh, thắng nhanh và suốt đêm qua không ngủ được. "Chiều nay trận đánh sẽ bắt đầu mà những yếu tố thắng lợi ta chưa nắm chắc. Cậu qua báo với trưởng đoàn cố vấn đề nghị xin làm việc sớm để mình thuyết phục cho kéo pháo ra, chuẩn bị lại theo phương châm đánh chắc, tiến chắc".

Chuẩn bị cho kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, năm 2004, theo lời khuyên của Đại tướng, anh em chiến sỹ Điện Biên Phủ ở phía Nam viết hồi ký và in trong tập sách có nhan đề "Chiến sỹ Điện Biên kể chuyện" mang ra tặng Đại tướng. Người trợ lý già nhớ lại: Lúc đó, Đại tướng còn khỏe, có thể đi lại được và rất mừng. Ngay sau đó, tôi có làm một bản báo cáo, trong báo cáo, anh em chiến sỹ Điện Biên Phủ đã bày tỏ lòng biết ơn của Đại tướng đã cứu mạng sống của mình với quyết định đánh chắc, tiến chắc.

Tiếp chúng tôi trong căn phòng khách ở quận 12 nơi lưu giữ rất nhiều hình ảnh kỷ niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7, hiện là Phó Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, Chủ tịch Hội nạn nhân da cam TP. Hồ Chí Minh vẫn còn chưa hết bàng hoàng trước sự ra đi của người “anh cả” của mình.

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ xúc động: Tôi may mắn được gặp Đại tướng hơn 20 lần, tình cảm với bác Giáp đối với tôi có nhiều ý nghĩa rất đặc biệt. Ngày 31/12/1965, trung đoàn 88, sư 308, được lệnh vào Nam chiến đấu (lúc đó đơn vị tôi đóng ở Phú Thọ). 5 giờ chiều hôm đó trời mưa như trút nước, bác Giáp mặc áo mưa ra đến ga Hương Canh để tiễn trung đoàn chúng tôi, đoàn tàu lăn bánh và bác vẫy theo. Cho đến bây giờ, hình ảnh đó không bao giờ phai mờ trong tôi.

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ nhớ lại: Lúc tôi về làm Hiệu trưởng trường Quân chính Quân khu 7, bác Giáp đã 90 tuổi, tôi có ra thăm bác và mời bác vào thăm trường. Năm 2000, Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm trường và có tặng chúng tôi mấy câu thơ:

"Có khi nhẫn để yêu thương
Có khi nhẫn để tìm đường lo toan
Có khi nhẫn để vẹn toàn
Có khi nhẫn để tránh tàn sát nhau!"

Những câu thơ của Đại tướng thân tặng được anh em chúng tôi xem như là những bài học, lời Đại tướng nhắc nhở những người lính chúng tôi phấn đấu thực hiện trong quá trình công tác, rèn luyện của mình.

Đối với Trung tướng Lê Nam Phong, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 1, Trưởng ban liên lạc Chiến sỹ Điện Biên tại TP. Hồ Chí Minh, những kỷ niệm về Đại tướng luôn đi theo suốt cuộc đời quân ngũ của ông. Chưa hết bàng hoàng trước sự ra đi của người "anh cả" đáng kính, Trung tướng Lê Nam Phong cho biết, ngay trong đêm nhận được tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra đi, Ban liên lạc triệu tập một cuộc họp khẩn, dành một phút mặc niệm và lập bàn thờ Đại tướng ngay tại trụ sở Ban liên lạc.

Trung tướng Lê Nam Phong bồi hồi nhớ lại: Lần đầu tiên tôi gặp Tướng Giáp là khi chuẩn bị bước vào Chiến dịch Biên giới 1950. Trước khi mở màn Chiến dịch, Phân đội tôi được Đại tướng xuống thăm và căn dặn: "Đánh thắng, diệt gọn, ta thương vong ít". Anh em chiến sỹ ai ai cũng tín nhiệm, tin tưởng ở Tướng Giáp. Sau mỗi trận đánh lớn nhỏ, Đại tướng đều hỏi về thương vong của quân ta, nhiều lần ông đã khóc.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 13/3/2004 gặp lại những chiến sĩ của mình đã từng chiến đấu ở chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh: Tùng Lâm - TTXVN


Suốt đời chăm lo cho chiến sỹ

Trong chiến đấu cũng như khi hòa bình lập lại, đất nước trở thành một dải thống nhất, dù trải qua ở nhiều cương vị khác nhau nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn luôn quan tâm đến đời sống của anh em cán bộ, chiến sỹ cũng như những người thân của họ.

Ông Lê Nam Phong nhớ lại: Để chuẩn bị cho trận đánh lớn, khi đại đội của tôi đang đào hào ở thung lũng Mường Thanh, lại gặp mưa liên tục nên tôi, lúc này là đại đội trưởng đã vận động anh em cạo trọc đầu để đất bùn không bám vào tóc. Khi Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đi kiểm tra, thấy thế hỏi tôi tại sao cạo trọc đầu? Đang trong khí thế chuẩn bị vào trận đánh lớn, còn trẻ nên tôi trả lời Đại tướng: Cạo trọc đầu để thề quyết tâm giải phóng Điện Biên. Từ đây, Đại tướng đã đặt cho tôi biệt danh "Đại đội trưởng đầu trọc".

Sau này giải phóng, khi gặp lại Trung tướng Lê Nam Phong ở Hà Nội, Đại tướng vẫn nhớ và gọi ông là "Đại đội trưởng đầu trọc”. " Từ một người lính đến hàm trung tướng, tôi vô cùng biết ơn Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chính ông đã dìu dắt tôi trưởng thành. Ông là tấm gương để tôi học tập và phấn đấu", ông Phong tâm sự.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là một nhà chiến lược, chiến thuật có tầm nhìn xa trông rộng mà còn là một con người giản dị, đi sâu đi sát và yêu thương chiến sĩ, là người thông minh, nhẹ nhàng, ân cần, dễ gần. "Tài năng và đức độ của người anh cả trong quân đội hòa quyện vào nhau, đó là hạnh phúc của toàn quân. Đại tướng rất quan tâm đến đời sống của anh em cựu chiến binh, cán bộ cơ sở. Đại tướng luôn dặn anh em cán bộ, chiến sỹ của mình không được công thần với dân, thương dân, giúp đỡ anh em chiến sỹ về hưu có được cuộc sống tốt hơn”, ông Phong xúc động chia sẻ.

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ kể: Năm 2010, khi tôi ra thăm và được vào gặp bác Giáp, lúc này bác rất yếu nhưng đã cố gắng ký tặng tôi cuốn sách "Xoa dịu nỗi đau da cam". Khi nghe tôi nói bây giờ cháu đã nghỉ hưu và chuyển qua làm công tác ở Hội nạn nhân chất độc da cam, Bác căn dặn nhỏ nhẹ: Ta đã đánh thắng đế quốc rồi, chiến tranh kết thúc rồi nhưng giải quyết hậu quả nặng nhất là hậu quả chất độc da cam. Những nạn nhân chất độc da cam của ta rất nhiều, các anh làm sao lo cho những nạn nhân đó, những người nghèo nhất trong xã hội.

Ngày 22/2/2003, Chủ tịch Cuba Fidel Castro đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại tư dinh của Đại tướng ở Hà Nội. Ảnh: Nhan Sáng – TTXVN


Đặc sắc Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam

Bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm gắn bó với vị Đại tướng đáng kính, Đại tá Hoàng Minh Phương đã đúc kết những điểm đặc sắc của người Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam. Theo Đại tá Phương, Tổng Tư lệnh các nước khác thường có Quân đội rồi mới làm Tổng Tư lệnh. Còn Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp của ta thì được giao nhiệm vụ Tổng Tư lệnh theo lệnh của Đảng khi trong tay chưa có người lính nào. Ông phải tự mình tổ chức lập ra Đội tuyên truyền giải phóng quân với 34 chiến sỹ và dìu dắt đội quân đó từ quân du kích thành một quân đội chính quy và ngày càng hiện đại, để có thể xây dựng thành những quân đoàn hùng mạnh, trong Chiến dịch Đại thắng mùa xuân năm 1975.

"Tổng Tư lệnh các nước khác đều tốt nghiệp các trường, học viện quân sự nổi tiếng. Đại tướng của mình thì chưa qua trường lớp nào nhưng nhờ tấm gương tự học, từ thời trai trẻ, qua thực tiễn chỉ huy và lãnh đạo của mình để từng bước nâng lên tầng cao, đủ sức lãnh đạo đội quân hàng triệu người đánh những tên đế quốc đầu sỏ. Ông là một Tổng Tư lệnh toàn năng, không chỉ giỏi về chiến lược mà giỏi cả chỉ đạo chiến dịch; giỏi cả chiến thuật về cách đánh...", đại tá Hoàng Minh Phương đúc kết.

Bên cạnh đó, Đại tướng còn là một nhà chính trị, có thời kỳ Đại tướng là Tổng Chính ủy của toàn quân, Bí thư Đảng ủy Quân ủy Trung ương, là một nhà lãnh đạo giỏi về hậu cần, là người chỉ đạo mở đường Hồ Chí Minh trên bộ và đường Hồ Chí Minh trên biển. Đại tướng đã chủ trương phải tiến lên vận chuyển bằng xe cơ giới để có thể đưa miền Nam lên tác chiến quy mô ngày càng lớn, có như vậy mới tiêu diệt được và làm tan rã mọi lực lượng của quân địch, giành thắng lợi cho miền Nam.

Trong con mắt của Đại tá Hoàng Minh Phương, Đại tướng cũng là một nhà khoa học, là một nhà kinh tế khi mấy chục năm trước ông đã đặt vấn đề coi trọng kinh tế biển vì nước ta có bờ biển dài trên 3.000 km. Theo Đại tướng, phải phát triển kinh tế ra hướng biển, đảo xa xôi, không chỉ đánh bắt thủy sản và phải nuôi thủy sản để không làm cạn kiệt tài nguyên của đất nước. Có thể nói, Đại tướng là người có học vấn uyên thâm và chủ yếu là tự học.

Ở một góc độ khác, Trung tướng Lê Nam Phong, nhấn mạnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là người có tài dụng người, cán bộ rất tinh anh. Cách dụng quân của Đại tướng đã giúp đào tạo, rèn luyện cán bộ, điển hình như sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, hàng hàng cán bộ đã trưởng thành, sau này nhiều người trở thành tướng lĩnh, lãnh đạo cao cấp trong Quân đội.

Với tất cả những tấm lòng chân thành, những tình cảm tốt đẹp nhất dành cho vị Tổng Tư lệnh của mình, tất cả những người lính, cựu chiến binh mà chúng tôi được gặp đều nguyện một lòng noi theo tấm gương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người cộng sản trung kiên, mẫu mực, một thiên tài quân sự.


Hoàng Anh Tuấn
Nơi xa này, chúng cháu “tự cài lấy băng tang”
Nơi xa này, chúng cháu “tự cài lấy băng tang”

Dù không thể đến đường Hoàng Diệu nhìn vào ngôi nhà của Đại tướng để khắc vào tâm mình hình ảnh của ông, như bao người dân khắp mọi miền ở trong nước đang đến, song tại nơi xa xôi này, chúng tôi sẽ “tự cài lấy băng tang” để tri ân Đại tướng huyền thoại mà cả thế giới đều nghiêng mình kính phục.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN