Có tiếng rao nào ngang qua ngõ…

Trong buổi trưa đầu tiên làm công dân thành phố, tôi ngủ mê mệt sau một trận say tàu xe giữa cái nóng oi bức của mùa hè. Tiếng còi xe luồn lách ngõ nhỏ kêu inh ỏi, tiếng loa phát thanh phường cứ ù ù bên tai khiến đầu óc tôi quay quồng rồi lịm dần đi.


Nhưng bỗng đâu đó vang lên tiếng rao “Ai kẹo mạ nào! Kẹo mạ đi!” làm tôi ngỡ như mình vẫn đang ở quê nhà. Ngỡ như tiếng rao quen thuộc của bà cụ có mái tóc bạc phơ hàng ngày vẫn gánh kẹo đi qua cổng. Tôi vùng dậy, chạy ra ngoài ngõ nhìn theo nhưng tiếng rao đã đi xa, khuất trong dòng người đang tuồn ra đường lớn. Một cảm giác vừa thân thuộc vừa hụt hẫng tràn ngập lòng tôi. Giá có ai dừng lại bán cho tôi vài nghìn lẻ kẹo thì chắc nỗi niềm xa xứ sẽ được vỗ về an ủi phần nào.


“Ai bánh đúc, bánh tro, bánh mật nào!”… Tôi làm bạn với những tiếng rao như thế từ năm nay qua năm khác để thấy bớt nhớ quê hương. Phần vì những người đi bán hàng rong ấy đều là người nông dân tranh thủ lúc nông nhàn lên thành phố kiếm thêm thu nhập. Phần vì những món quà vặt ấy rất gần gũi với tuổi thơ tôi có hương lúa hương mùa thấm đượm. Đã có lúc trên đường đi học về, tôi cứ lang thang luồn lách theo tiếng rao trong vô thức đến lúc bừng tỉnh thì quên mất đường về. Chỉ có tiếng rao lúc ngọt lịm bên tai lúc lại ròn tan trong đầu lưỡi “Ai bánh đa kê nào!”. Thỉnh thoảng có tiếng mở cửa vội vàng, một cái đầu nhỏ thò ra gọi với “bánh đa kê ơi!”. Tôi cũng giật mình quay lại vui như thể tiếng ai đó thân quen vừa réo gọi mình…


Rồi những ngày ốm nặng, nằm một mình trong căn phòng trọ nghe nắng nhảy nhót ngoài kia mà thấy mình đơn độc. Thèm có bàn tay mẹ nấu cho một bát cháo trắng, đắp cho chiếc khăn lên trán để dịu mát cơn sốt hầm hập trong người. Bạn bè thì quá xa xôi và bận bịu, người thân thì không có lấy một người ở thành phố này. Nên lúc cố gượng dậy đi mua thuốc hay ngồi ăn bát cháo đã nguội ngắt ngơ của bà cụ già đầu ngõ là lúc rất dễ tủi lòng. May sao có tiếng rao xôi khúc vang lên, chị bán xôi nhìn nét mặt tôi xanh xao liền nán lại hỏi han. Tình cờ nhận ra nhau là đồng hương nên hôm sau tiếng rao ấy như mắc kẹt ngay trước ngõ, tôi mở cửa bước ra thấy chị cười hỏi “đã khỏi bệnh chưa em?”. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ ấm lòng đến lạ. Chẳng có nắm xôi khúc nào ngon đến thế!


Rồi những tiếng rao quen cứ thưa vắng dần bỏ mặc tôi nhiều ngày ngóng đợi. Chị bánh đúc về quê, bà kẹo mạ nghe đâu đã mất. Tôi hỏi về anh bán khoai nướng thì chị bán ngô luộc tủm tỉm cười bảo “gã đó lấy vợ rồi, giờ có khi đang đi buôn đồ khô trong tận miền Trung”. Đến một ngày vẫn là “Ai xôi khúc nóng nào! Ai xôi khúc nóng đi” nhưng không phải là tiếng rao quen thuộc nữa. Cầm nắm xôi nóng hổi trên tay từ một bác trai có khuôn mặt nhiều khắc khổ mà lòng buồn đến lạ. Thế rồi đến lượt tôi cũng phải rời phố nhỏ mà đi. Để nhiều khi trong tiếng lòng của một khách trọ như tôi chợt cất lên câu hỏi “không biết nơi ấy bây giờ có tiếng rao nào đi qua ngõ hay không?”.



Vũ Thị Huyền Trang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN