H’Nhúi, đứa con hay chữ nhất của làng

Một cô giáo đã gắn bó với nghề hơn 30 năm để mang đến những nét chữ cho con em dân tộc thiểu số của huyện Krông Pa, để lũ trẻ biết viết và đọc những ngôn từ tiếng Jrai. Đó là cô giáo Nay H’Nhúi, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Krông Pa.


Hành trình của con chữ mẹ đẻ


Với người dân Jrai ở huyện Krông Pa (Gia Lai), thì cô giáo của làng Nay H’Nhúi là người “hay chữ nhất làng”. Mỗi khi Nay H’Nhúi (SN 1956) về làng, bà con lại ùa ra đón như đứa con đi xa lâu ngày mới lại về thăm. Làng ở đây theo nghĩa rộng, là tất cả các bản làng của người Jrai ở miền thung lũng hoang vắng này. Sinh ra tại buôn Ama Rôk, xã Chư Gu, huyện Krông Pa, nhưng tuổi thơ và sự học của Nay H’Nhúi lại gắn liền với mảnh đất Ayun Pa. Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, vì có được đi học một thời gian, rồi tham gia cách mạng nên Nay H’Nhúi được đưa về làm tuyên truyền viên tại huyện H2, nay là huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai. Thế nhưng những con chữ học được trong rừng với bộ đội thời chiến tranh không đủ để làm công việc liên quan nhiều tới chữ nghĩa. Nên Nay H’Nhúi lại tiếp tục đi học lớp sơ cấp tiểu học tại Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk và về làm giáo viên Trường bổ túc Văn hóa huyện Krông Pa.

Cô Nay H’Nhúi dù nghỉ hưu nhưng vẫn tận tâm với con chữ Jrai.


Từ năm 1977 đến năm 1983, cô được phân công về giảng dạy tại trường Tiểu học xã Chư Gu và từ năm 1983 - 1991, cô được phân công về giảng dạy tại trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Krông Pa đảm nhiệm bộ môn Tiếng Jrai. Từ khi về giảng dạy tại trường, H’Nhúi gặp không ít khó khăn về ngôn ngữ địa phương, bởi lẽ tiếng Jrai ở mỗi địa phương, mỗi vùng trong huyện lại có cách phát âm khác nhau. Để có cách truyền đạt cho học sinh dễ hiểu và phát âm được chuẩn, hàng ngày cô cũng phải tìm hiểu thêm về từ ngữ các địa phương qua những cuốn từ điển, bà con lối xóm và cả chính từ các em học sinh của mình. H’Nhúi tâm sự: “Tiếng Jrai là tiếng mẹ đẻ của các em, cho nên các em học sinh rất thích và luôn có ý thức tập trung học tập. Tuy nhiên vì chưa có một giáo trình chuẩn cho việc phát âm tiếng Jrai để các em theo học nên các em vẫn áp dụng phương ngữ. Vì thế mình phải tự đi sưu tầm, tập hợp rồi làm thành một bộ giáo án cá nhân phục vụ cho việc giảng dạy bộ môn này. Trong giáo án, để các em tiếp thu nhanh bài học, mình phải sưu tầm rất nhiều đồ dùng, giáo vụ trực quan về các phong tục tập quán của người Jrai ở địa phương mà các em đang sinh sống như Lễ bỏ mả, và các Lễ hội khác để các em hiểu. Nhiều hôm, không có tiết trên lớp, các em lại tìm vào tận nhà để hỏi về bài học, là người giáo viên quả là niềm hạnh phúc lớn lao đối với mình!”. Ksor Tuấn, một học sinh được cô H’Nhúi giảng dạy trong hai năm lớp 6 và lớp 7 nhận xét về cô giáo: “Cô đã cho chúng em biết thêm về phong tục tập quán của buôn làng. Cô kể chuyện cổ tích bằng tiếng Jrai nghe rất thích. Chính vì thế những học sinh như chúng em mới thêm biết, thêm yêu quý tiếng mẹ đẻ của mình, cũng như những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc mình, và các dân tộc anh em khác!”.


Không chỉ giảng dạy môn Tiếng Jrai ở Trường PTDT Nội trú huyện, Nay H’Nhúi còn tham gia giảng dạy tiếng Jrai cho các cán bộ là công nhân viên chức hiện đang công tác trên địa bàn huyện vào các buổi tối trong tuần tại Trung tâm bồi dưỡng Chính trị huyện. Các học viên gồm rất nhiều lứa tuổi và thành phần công tác, già có, trẻ có, lãnh đạo có, nhân viên có. Cô cho biết, cô không nhớ rõ lắm trong khóa học đầu tiên được mở vào năm 2006 - 2007, có rất nhiều học viên là Trưởng, Phó các cơ quan, ban ngành trên địa bàn huyện, trong số đó có đồng chí Phạm Ngọc Xuân - Bí thư Huyện ủy Krông Pa, hiện nay đồng chí đã chuyển công tác lên Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai. Trong số các học viên, cô ấn tượng nhất là hai học viên đó là học viên Lê Văn Bảy, hiện là Trưởng phòng Y tế huyện và học viên Ngô Tuyến, Phó Trưởng phòng VH&TT huyện, hiện đã chuyển công tác lên Sở VH-TT&DL tỉnh. Hai học viên này đã có tuổi nhưng chỉ trong thời gian học rất ngắn lại tiếp thu bài rất nhanh và phát âm tiếng Jrai rất chuẩn, viết cũng rất đúng chính tả.


Tận tâm suốt cuộc đời


Hơn ba mươi năm đứng lớp, cũng là chừng ấy thời gian Nay H’Nhúi luôn đau đáu việc dạy và học tiếng Jrai cho lũ trẻ. Để lũ trẻ nghe mình, làm theo mình, Nay H’Nhúi phải là người làm trước. Những lúc rảnh rỗi, cô lại đi đến các làng, gặp gỡ mọi người chỉ để được nói chuyện, được nghe thổ âm, thổ ngữ của địa phương mà học hỏi, mà ghi chép sưu tầm lại làm giáo án giảng dạy. Chính vì thế, sau một thời gian miệt mài Nay H’Nhúi đã có thể nói “trúng” giọng Jrai của hầu hết các địa phương ở vùng Phú Thiện, vùng Phú Bổn, vùng Chư Mố, vùng Hok p’tó, và rất nhiều vùng ngôn ngữ Jrai khác. Nhiều người làng đã tròn mắt ngạc nhiên khi thấy H’Nhúi nói “trúng” giọng làng mình như thế. Điều đó càng khiến mọi người tin yêu, quý trọng H’Nhúi hơn.


Sau biết bao năm miệt mài, nặng lòng với con chữ Jrai, bây giờ cô Nay H’Nhúi đã nghỉ hưu. Tuy đã nghỉ, nhưng trong lòng cô vẫn luôn hướng về các em học sinh thân yêu của mình. Hàng ngày, cô vẫn thường xuyên liên hệ với Ban giám hiệu nhà trường hỏi thăm tình hình học tập và sinh hoạt của các em qua giáo viên chủ nhiệm của các lớp. Những lúc rảnh rỗi, cô thường gọi các em đến kiểm tra kiến thức mình đã dạy, hay thi thoảng cô vẫn lên lớp cho đỡ “nhớ nghề, nhớ tiếng”. Khi được hỏi, cô có mong muốn được tiếp tục dạy Tiếng Jrai nữa không? Nay H’Nhúi mắt sáng lên, tâm sự: “Tôi rất mong muốn các em người Jrai không những được học kiến thức văn hóa mà còn học chữ mẹ đẻ để cho các em hiểu về văn hóa của mình để gìn giữ và phát huy cái nét đẹp văn hóa của dân tộc mình!”.


Với cương vị Hiệu trưởng và cũng là đồng nghiệp của cô H’Nhúi, thầy Ksor Djơn nhận xét: “Cô H’Nhúi là một người có rất nhiều đóng góp cho công tác giáo dục trong nhà trường, đặc biệt là trong việc dạy tiếng Jrai cho học sinh người dân tộc thiểu số, mà cho tới bây giờ chưa có ai thay thế việc dạy tiếng Jrai cho học sinh người Jrai trong nhà trường tốt hơn cô. Với đặc thù là trường DTNT, trường đang rất cần người giáo viên như thế. Sau khi cô H’Nhúi nghỉ hưu chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Hy vọng cấp trên sớm có biện pháp giúp chúng tôi khắc phục được khó khăn này. Có thể cho chúng tôi một biên chế để dạy bộ môn tiếng Jrai chuyên biệt!”.


Với cống hiến của mình, năm 1996 cô được Bộ GD&ĐT tặng Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục. Năm 2008, cô được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân tặng riêng bằng khen cho giáo viên dân tộc thiểu số đã có thành thích thực hiện nhiệm vụ GD&ĐT và nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, ban ngành của tỉnh, huyện khen tặng công nhận giáo viên dạy giỏi ngôn ngữ Jrai.


Bài và ảnh: Gia Ly - Ksor H’yên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN