Kết cục có hậu

Chuyện gần 2 tấn bạch tuộc của ngư dân huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) bị Công an tỉnh Hải Dương tạm giữ trái luật, sau đó phải bồi thường cho chủ hàng (650 triệu đồng) đã gây sự chú ý của dư luận mấy ngày qua. Việc làm của Công an Hải Dương được đánh giá là có tinh thần cầu thị, dám nhận khuyết điểm và sửa chữa khuyết điểm. Dư luận đánh giá cao tinh thần dám chịu trách nhiệm và cách ứng xử của một cơ quan thực thi pháp luật khi để xảy ra sai sót và biết nhận lỗi trước dân.


Trước đó, khoảng 22 giờ ngày 27/5, chiếc xe tải BKS 14C- 065.38 vận chuyển 2 tấn bạch tuộc tươi sống của gần 40 người dân huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh từ sân bay Nội Bài đi Móng Cái (Quảng Ninh) tiêu thụ, khi đến địa bàn thị xã Chí Linh (Hải Dương) thì bị Trạm Cảnh sát giao thông tại đây kiểm tra, sau đó giao cho Phòng Cảnh sát môi trường bắt giữ. Sau khi lập biên bản hành chính rồi đưa hàng về bãi, do không có biện pháp bảo quản, nên toàn bộ số bạch tuộc đã bị chết. Xác định nguyên nhân số bạch tuộc bị chết trách nhiệm thuộc về Công an Hải Dương, một số người dân huyện Cần Giờ đã từ TP Hồ Chí Minh ra tận Hải Dương đòi bồi thường, đồng thời gửi đơn khiếu kiện đến lãnh đạo Bộ Công an.


Đã từ lâu, dư luận vẫn quen với những vụ việc cơ quan pháp luật làm sai, gây thiệt hại cho dân, nhưng hiếm khi họ nhận lỗi, chứ chưa nói đến bồi thường. Nhiều vụ việc, người dân quá mệt mỏi với khiếu nại, kiện tụng, thái độ tắc trách, thoái thác trách nhiệm của những người thực thi công vụ. Do vậy, diễn tiến của vụ 2 tấn bạch tuộc đã cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của những người thực thi công quyền, khiến vụ việc được nhanh chóng giải quyết, có lý, có tình. Tuy vậy, không phải câu chuyện đã khép lại.


Câu chuyện 2 tấn bạch tuộc đã không còn của riêng nông dân Cần Giờ và Công an Hải Dương nữa. Nó là bài học chung về thái độ phục vụ, sự thận trọng, nghiêm túc khi thực hiện chức trách. Giả sử, những chủ nhân của 2 tấn bạch tuộc bị Công an Hải Dương tạm giữ không nắm rõ các quy định của pháp luật? Nếu dư luận không lên tiếng mạnh mẽ? Đặc biệt, nếu không có chỉ đạo sát sao của người đứng đầu Bộ Công an, thì liệu những chủ nhân của 2 tấn bạch tuộc nêu trên có được kết quả như vậy? Dư luận cho rằng, vụ 2 tấn bạch tuộc không chỉ là trách nhiệm của Công an Hải Dương, cũng không chỉ dừng ở “khắc phục hậu quả", mà cần phải làm rõ trách nhiệm của lực lượng liên ngành (Thú y, Thủy sản, Quản lý thị trường, An toàn vệ sinh thực phẩm) khi đưa ra kết luận thiếu khách quan, thiếu trung thực!


Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN