Lợi thế lớn trong thu hút đầu tư từ Nhật Bản

Có tới 70% số doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh và tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến quan trọng để đầu tư. Điều này cho thấy, Việt Nam đã vượt qua đối thủ lớn nhất trong cạnh tranh thu hút vốn đầu tư của Nhật Bản là Indonesia, Thái Lan và Philippines. Vấn đề ở đây là các doanh nghiệp làm thế nào để không tuột mất cơ hội này.


Nhật đặc biệt quan tâm đến Việt Nam


Ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện Tổ chức thúc đẩy thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Việt Nam chia sẻ, các DN Nhật Bản đang rất quan tâm đến môi trường đầu tư tại Việt Nam và coi Việt Nam là thị trường hấp dẫn. Hiện có khoảng 2.000 DN Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam. Trong năm 2013, vốn đầu tư trực tiếp (FDI) đăng ký từ Nhật Bản đạt hơn 5,7 tỷ USD. Gần đây, có nhiều doanh nghiệp có xu hướng đầu tư xây dựng các nhà máy thứ hai, thứ ba tại Việt Nam và mở rộng sang cả các địa phương khác, chứ không chỉ tập trung ở các khu công nghiệp lớn.

Công ty TNHH Mtex-Semicoductor (chuyên sản xuất thiết bị điện tử) - một trong những công ty của Nhật Bản hoạt động có hiệu quả tại Việt Nam.


“JETRO có một website cung cấp thông tin về các quốc gia trên thế giới cho các doanh nghiệp. Số lượng DN truy cập vào phần thông tin về Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc và ngang bằng với Thái Lan”, ông Atsusuke Kawada nhấn mạnh.


Cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao quy mô và khả năng tăng trưởng của thị trường Việt Nam cũng như tình hình chính trị - xã hội ổn định. So sánh với các quốc gia khác trong cùng khu vực, các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam với mục đích xuất khẩu luôn đạt mức doanh thu cao hơn so với các sản phẩm sản xuất để tiêu thụ trong nước. Đây là một lợi thế cạnh tranh lớn của nước ta, nhất là khi quan hệ hợp tác kinh tế nội khối ASEAN ngày càng phát triển mạnh mẽ.


Ngoài ra khảo sát của JETRO còn cho thấy, chi phí cho người lao động thấp là một trong những lý do khiến doanh nghiệp Nhật ưa thích đầu tư vào Việt Nam, thay vì các quốc gia láng giềng. Theo JETRO, công nhân Việt Nam được trả trung bình khoảng 3.000 USD trong năm 2013, tương đương 250 USD/tháng (khoảng 5,3 triệu đồng). Mức lương này chỉ bằng 1/8 lương công nhân làm việc cho công ty Nhật Bản tại Singapore và bằng 1/2 tại Thái Lan.


TS. Nguyễn Đăng Minh, Trưởng phòng nghiên cứu khoa học và phát triển quan hệ đối tác (Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia) cho rằng, việc các DN Nhật Bản làm ăn có lãi tại Việt Nam là tín hiệu cho thấy, môi trường kinh doanh tại Việt Nam đang thuận lợi và phù hợp với các doanh nghiệp Nhật Bản. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam có thể cạnh tranh trong thu hút dòng đầu tư của DN Nhật Bản so với các nước trong khu vực.


Không để tuột mất cơ hội


Rõ ràng, Việt Nam đang có cơ hội rất thuận lợi để thu hút dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản. Để tạo ra sức cạnh tranh trong thu hút nhà đầu tư Nhật Bản so với các đối thủ trong khu vực, đây là thời điểm Việt Nam cần chứng tỏ rõ nét hơn nữa về sức hấp dẫn của môi trường đầu tư trong con mắt nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nhà đầu tư Nhật Bản.


Hầu hết các doanh nghiệp Nhật Bản đều công nhận môi trường đầu tư của Việt Nam trong năm vừa qua có những bước cải thiện đáng kể với các ưu thế. Tuy nhiên tại Việt Nam vẫn còn những yếu tố làm giảm khả năng cạnh tranh. Cụ thể, lương công nhân Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực chế tạo tương đối cao so với một số nước cùng khu vực, gấp đôi Campuchia. Ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu cần thiết. Tỷ lệ nội địa hóa chỉ đạt mức 32,2%, thấp hơn mức bình quân chung của thế giới (gần 48%), thấp hơn nhiều so với Trung Quốc (64,2%), dẫn đến chi phí giá thành sản phẩm sản xuất tại Việt Nam thường cao hơn so với các quốc gia khác. Một điểm hạn chế khác nữa là thủ tục hành chính phức tạp, thủ tục hải quan, thuế quan, các chính sách ưu đãi dành cho các doanh nghiệp nước ngoài còn thiếu nhất quán. Bên cạnh đó, việc thiếu hụt lao động có tay nghề cao, kho bãi, thông tin cho nhà đầu tư cũng khiến các công ty nước ngoài e ngại khi đầu tư vào thị trường Việt Nam.


Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2013, vốn đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Việt Nam là hơn 34,5 tỷ USD với 2.103 dự án. Nhật Bản tiếp tục duy trì vị trí số một trong tổng số 100 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.

Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam cần cải thiện môi trường đầu tư theo hướng thuận lợi và có tính cạnh tranh hơn so với các nước trong khu vực, nhất là môi trường đầu tư phải có tính tiên lượng, minh bạch, thông thoáng.


Theo ông Nguyễn Đăng Minh, để tạo lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư của Nhật Bản, về vĩ mô, Việt Nam cần tạo chính sách ưu đãi về thuế, hay về những ngành nghề cụ thể. Việt Nam cần cải thiện cơ sở hạ tầng để đáp ứng được yêu cầu của DN Nhật Bản. Về hạ tầng phần mềm, Nhật Bản là thị trường khó tính, vì vậy các dịch vụ của Việt Nam phải thật sự hoàn hảo, phù hợp với văn hóa kinh doanh của người Nhật. Việt Nam cũng cần xây dựng chương trình quốc gia về thu hút đầu tư của DN Nhật Bản, phát hành các cuốn cẩm nang hướng dẫn; tăng cường các buổi giao lưu văn hóa giữa hai bên để doanh nghiệp Việt Nam có thể hiểu được văn hóa kinh doanh của Nhật Bản.


Quốc Huy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN