Mùa gieo hạt

Bước sang tháng Giêng, những làn mưa bụi êm êm nhẹ thả hơi xuân xuống cánh đồng, làm mềm lại lớp vỏ cây và lớp đất đã khô nỏ sau những ngày nằm duỗi mình phơi ải. Mùa xuân rạo rực dâng tràn sức sống gọi những mầm non khe khẽ cựa mình vươn lên. Những mảnh đất ven các bờ sông hồi hộp nằm đợi những bước chân đánh thức đất đai của người nông dân vào mùa gieo hạt…


Các loại hạt giống vốn được cất kỹ trong chai lọ, giờ được gieo trên nền đất ẩm và được sưởi dưới làn nắng ấm nên nhanh chóng tách vỏ, mọc rễ, đâm mầm vươn lên. Mỗi loại cây trồng được gieo cấy trên những mảnh đất riêng. Hạt ngô, hạt đỗ thì được phủ lớp đất mỏng, tạo thành hàng như cấy lúa; còn hạt vừng, hạt kê thì được vãi tràn lan trên lớp đất đã được băm nhỏ. Mùa gieo hạt cũng là lúc họ hàng nhà chim rủ nhau kéo về những mảnh vườn bên sông để tắm nắng và kiếm ăn, đông nhất là các loài chim ăn hạt như chim sẻ, chim ri, chim chích… Chúng kéo thành bầy như đám mây mỏng, từ trên không trung sà xuống, nhảy nhót tung tăng và ngó nghiêng tìm kiếm. Lũ chim đồng này tinh ranh đáo để, đến những hạt giống đã được vùi dưới đất, phủ rơm rạ mà vẫn bị chúng moi lên…


Có người phải dựng lều ở ngoài bãi để canh chừng lũ chim nhưng cũng không xuể. Và phải nhờ đến bù nhìn rơm - một “người bạn” của nhà nông, đứng chôn chân giữa vườn không kể mưa hay nắng, ngày hay đêm và khiến lũ chim phá hoại kia rất sợ. Mẹ thường giao công việc làm bù nhìn rơm cho mấy anh em chúng tôi bởi trong việc này, chúng tôi tha hồ được mầy mò, tưởng tượng và sáng tạo ra những cây bù nhìn ngộ nghĩnh, thậm chí chúng còn biết cử động được nữa. Công đoạn đầu tiên là tạo khung cho bù nhìn.

Khung bù nhìn gồm một cái cọc to bằng cổ tay, dài khoảng hai mét, tạo thành cái “xương sống”, đầu dưới đẽo nhọn để cắm xuống đất. Buộc thêm mấy đoạn tre ngắn tạo thành hai cánh tay và đôi chân cho bù nhìn. Tiếp theo, dùng loại rơm dài bện xung quanh tạo lên khuôn mặt, thân hình và chân tay cho bù nhìn. Bù nhìn được quấn thật chặt và gọn gàng bằng những vòng dây đay. Sau đó, bù nhìn được mặc bộ quần áo cũ và đội mũ hoặc nón, trông giống y như người thật. Bằng sự tinh nghịch và sáng tạo của mình, chúng tôi còn tạo ra những “anh bù nhìn” và những “chị bù nhìn” với hình dáng và trang phục mô phỏng con người…


Bù nhìn làm xong được khiêng ra cắm trên bãi vườn, mỗi cây cách nhau chừng hai mươi mét. Trên tay mỗi cây bù nhìn đều được cắm một cái cờ, buộc một chùm mảnh áo mưa xanh, đỏ để đuổi chim. Chúng tôi dùng dây đay giăng từ cây bù nhìn này đến cây bù nhìn kia. Trên sợi dây ấy, cứ khoảng một mét lại buộc một lá cờ bằng lá chuối khô hay mảnh áo mưa. Mỗi khi có gió, những lá cờ bay lên khiến cả sợi dây dài chao đảo làm lũ chim khiếp sợ, phải bay đi. Cứ vài ba hôm, bù nhìn rơm lại được nhổ lên, thay đổi vị trí bởi nếu không, lũ chim dễ “quen hình bén dáng” với bù nhìn mà không còn sợ nữa. Bù nhìn cứ kiên trì, nhẫn nại đứng đuổi chim giúp người như thế cho đến ngày cây được thu hoạch, lúc đó bù nhìn cũng đã rách tở tơi…


Ngày nay, chim đồng không còn nhiều như trước nữa và việc gieo trồng đã được cải tiến, được bảo vệ, che chắn bảo đảm hơn nên bù nhìn không được sử dụng nữa. Bù nhìn rơm chỉ còn hiển diện trong ký ức khi mùa gieo trồng lại về trên những bãi sông quê…

 


Trần Văn Lợi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN