Nhiều nét mới trong các lễ hội đền Trần

Nam Định: Ngày 11/2 (ngày 12 tháng Giêng) tại Nam Định đã diễn ra nghi lễ rước nước, tế cá truyền thống ở Khu di tích đền Trần (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định). Đây là nghi lễ đã bị mai một hơn một thế kỷ qua, lần đầu tiên được khôi phục trở thành một nội dung chính trong công tác tổ chức Lễ hội Khai ấn đền Trần Xuân Giáp Ngọ 2014. Ý nghĩa của nghi lễ nhằm tri ân tổ tiên nhà Trần - vương triều khởi nghiệp từ nghề chài lưới và gắn bó với sông nước.


Từ lúc 7 giờ, các nghi thức như đọc sớ, thỉnh chân nhang… được các bậc cao niên thực hiện tại đền Cố Trạch, sau đó tổ chức rước kiệu ra Giếng cổ, tiến hành nghi thức lấy nước. Đoàn rước gồm khoảng 230 người với cờ, biểu đi trước, đội rước rồng, lân; chiêng trống, đội bát âm, kiệu rước nước, kiệu rước cá, đội đánh bắt cá với vật dụng đầy đủ như vó, dậm, nơm…; kiệu thánh với tàn lọng hai bên, đội tế nam quan, đội tế nữ quan… Sau khi lấy nước, đoàn lễ tổ chức đánh cá tại ao thả cá cạnh Giếng cổ. Từ 8 giờ 30 phút, đoàn bắt đầu rước nước và rước cá về đền Thiên Trường, thực hiện nghi lễ dâng nước và tế cá. Tiếp theo, cá được đưa đi phóng sinh ở sông Hồng, tại khu vực phà Hữu Bị (thuộc địa bàn xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc), thả song song cùng lúc một cá chép và một cá quả cho tới khi phóng sinh hết. Buổi chiều, từ 14 giờ tới 16 giờ diễn ra nghi thức tế nữ quan tại đền Cố Trạch.


Nghi lễ rước nước, tế cá có trong nhiều lễ hội ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đây là nghi lễ khuyến nông, khuyến ngư, cầu mong mưa thuận gió hòa của cư dân nông nghiệp lúa nước. Ngoài nghi lễ rước nước và tế cá, trong các ngày diễn ra lễ khai ấn đền Trần, từ 12 - 16 tháng Giêng, tại quần thể di tích đền Trần còn diễn ra nhiều hoạt động hội truyền thống khác như múa lân, múa rồng, múa sư tử, hát chèo, chầu văn, thi đấu cờ người, đấu vật, biểu diễn võ thuật bên ngoài cổng Ngũ Môn.


Hà Nam: Ông Kiều Minh Sáng, Chủ tịch xã Nhân Đạo, Trưởng Ban tổ chức (BTC) Lễ hội phát lương đền Trần Thương (xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) cho biết: Năm nay, BTC đã chuẩn bị 100.000 túi lương để phát tại 29 điểm vào đêm 14 tháng Giêng năm Giáp Ngọ (tức đêm 13/2/2014), nhiều hơn năm trước 20.000 túi lương.


Ngoài việc tăng số lượng túi lương, tại 29 điểm phát lương, BTC đã thiết kế các hàng rào zíc zắc để tránh tình trạng người dân chen lấn, xô đẩy gây mất an ninh trật tự, đảm bảo những người đến với lễ hội đều được nhận lương. BTC cũng bố trí khoảng 350 đồng chí công an, dân phòng, lực lượng quân sự triển khai nhiều phương án bảo vệ, đảm bảo an ninh trật tự cho lễ hội.


Dự kiến năm nay du khách về với lễ hội tăng hơn năm trước, BTC lễ hội đã bố trí 14 điểm chốt trực tại các trục đường quanh khu vực đền, đảm bảo giao thông thông suốt, không để xảy ra tình trạng tắc đường. Ngoài ra, đã thành lập các điểm trông xe, yêu cầu người dân cam kết thu đúng giá vé, đảm bảo an toàn tài sản. BTC cũng lắp đặt 3 nhà vệ sinh dã chiến, 10 nhà vệ sinh di động, bố trí 3 điểm có cán bộ y tế thường trực cùng xe cứu thương sẵn sàng khi xảy ra sự cố.


Ông Trần Hồng Nga, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết, nét mới của lễ hội năm nay là sẽ truyền hình trực tiếp phần thực hiện nghi lễ trước khi phát lương. Người dân sẽ được xem những hình ảnh trực tiếp phần lễ tại 4 màn hình lớn lắp ở quanh sân đền.


Nguyễn Cúc- Hiền Hạnh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN