Số phận những em bé sứt môi ở châu Phi

Ở một số nước châu Phi, trẻ em bị sứt môi, hở hàm ếch bị cho là quái dị và nếu không được tiến hành phẫu thuật sớm thì các em thường phải sống chui lủi.

 

Một em bé người Nigeria bị hở hàm ếch được phẫu thuật theo chương trình của Smile Train.

 

Một tình nguyện viên của Trung tâm phẫu thuật Suka ở thủ đô Ouagadougou của Burkina Faso kể lại câu chuyện về một người mẹ trẻ đã bị buộc phải bỏ làng ra đi sau khi sinh một “đứa bé tội lỗi”. Hậu quả là “cô bé đã phải trốn trong các bụi cây như động vật và phải ăn những thứ tìm được. May mà có một người đi đường qua trông thấy thương hại đã đưa cô bé tới Ouagadougou”, nam tình nguyện viên này nói.


Ở Burkia Faso không thiếu những đứa trẻ đáng thương bị dị tật như vậy. Do thiếu các cơ sở điều trị nên nhiều cha mẹ đã phải giấu con mình vì sợ chúng bị trêu chọc. Chị Habibatou Saaba có cậu con 18 tháng tuổi tên Zidan bị hở hàm ếch nhớ lại: “Khi thằng bé ra đời, tôi đã buồn tới mức không thiết ăn thiết uống”. Nhưng Zidan thật may mắn khi được các bác sỹ của Trung tâm Suka tiến hành phẫu thuật dưới sự tài trợ của Tổ chức từ thiện Canada mang tên “Nụ cười châu Phi” (Smiles of Africa).


Trong lúc chờ các bác sỹ tiến hành phẫu thuật, chị Saaba cứ quanh quẩn bên hành lang của trung tâm và sung sướng nói: “Tất cả tương lai của nó phụ thuộc vào ca phẫu thuật này”. Chị còn nói là khi Zidan lớn lên chị muốn nó trở thành một y tá giống như những nhân viên của Trung tâm Suka. Chị dâu của Saaba cũng làm việc tại trung tâm này cho biết thêm: “Cô ấy (Saaba) đã giấu thằng bé tới tận ngày hôm nay. Tôi đã hỏi cô ấy tại sao lại làm vậy và cô ta trả lời rằng mọi người cứ nhìn chòng chọc vào thằng bé và chất vấn cô ta quá nhiều”.


Ở các nước phương Tây, trẻ em sứt môi thường sẽ được tiến hành phẫu thuật chỉ trong vòng ba tháng tuổi, nhưng đối với trẻ em châu Phi thì lại là điều cực kỳ hiếm hoi dù rằng mỗi ca phẫu thuật chỉ tốn khoảng 250 USD.
Phòng chờ tại Trung tâm Suka luôn có một hàng dài các em bị khuyết tật chờ đợi được đến lượt phẫu thuật và phần lớn các em đều không nói năng gì làm cho bầu không khí nơi đây khá nặng nề. “Hầu hết các gia đình coi các em là đáng ghét”, Loic Koffi, một nhân viên tại trung tâm nói. Theo Koffi, ở các vùng nông thôn, những đứa trẻ mới sinh bị mắc bệnh này thường bị coi là “phù thủy” nên áp lực lên cha mẹ chúng nặng nề tới mức họ phải bỏ nhau hoặc thậm chí phải bỏ làng ra đi.


Người phụ trách chương trình từ thiện khu vực Tây Phi thuộc tổ chức Smile Train có trụ sở tại New York (Mỹ), Nkeiruka Obi nói: “Loại dị tật này gây ra quá nhiều đau khổ, mặc dù chúng có thể được giải phẫu trong vòng 45 phút với chi phí chỉ 250 USD và mãi mãi thay đổi cuộc đời của đứa trẻ”. Từ khi được thành lập năm 1999 đến nay, Smile Train đã tiến hành phẫu thuật cho gần một triệu trường hợp, tương đương với khoảng 340 ca phẫu thuật mỗi ngày hay 125.000 ca mỗi năm. Tổ chức đối tác của “Nụ cười châu Phi” này đã trả thù lao cho các bác sỹ trực tiếp tiến hành phẫu thuật 400 USD/ca. Ngoài ra, Smile Train còn giúp đào tạo các bác sỹ phẫu thuật người bản địa.


Ở Ouagadougou, luôn phải có hai nhóm y tế thay phiên nhau trong phòng mổ vì theo bác sỹ Jean-Martin Laberge đây là “một loại phẫu thuật không dễ nếu muốn đạt hiệu quả tốt”. Và trong khi đang tiến hành phẫu thuật cho cô bé 6 tuổi Safiatou, bác sỹ Laberge giải thích: “Các mô nằm chỗ đó nên tất cả những gì chúng tôi cần phải làm là sắp xếp chúng vào đúng vị trí”. Khi vừa hoàn thành nhiệm vụ, vị bác sĩ chỉ vào hai đường cong của môi trên cô bé và nói thêm: “Đường cong của thần Tình ái thật hoàn hảo”.


Như vậy, cũng giống như 65 em nhỏ khác đã từng được bác sĩ Laberge phẫu thuật, Sifiatou đã “lột xác” từ một cô bé xấu xí trước đó chưa đầy một giờ đồng hồ. Với nét mặt rạng rỡ, bác sĩ Laberge nói: “Hôm qua có một người mẹ nói với chúng tôi rằng cô ấy sẽ đưa con về làng và sẽ tự hào khoe nó với mọi người trong một ngày chủ nhật đẹp nhất cuộc đời của hai mẹ con cô”.


Ngọc Du (Theo AFP)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN