Tên lửa Xyri sẵn sàng giáng xuống Ixraen

Đài truyền hình Xyri ngày 6/5 cho biết, quân đội Xyri đã đánh dấu các mục tiêu ở Ixraen để tấn công trong trường hợp Ixraen lại không kích Xyri như cuối tuần trước. Các quan chức Đamát đã ra lệnh cho binh sĩ nước này đáp trả bất kỳ cuộc tấn công nào mà không cần chờ lệnh cấp trên. Ngoài ra, Xyri còn "bật đèn xanh" cho Palextin hành động chống lại Ixraen từ khu vực cao nguyên Golan bị Ixraen chiếm đóng.


Xe tăng Merkava và xe thiết giáp của Ixraen tập trận trên cao nguyên Golan, khu vực giáp biên giới với Xyri ngày 6/5.

Thống kê của Tổ chức giám sát nhân quyền Xyri công bố ngày 6/5 cho biết, các cuộc không kích cuối tuần trước của Ixraen đã làm ít nhất 42 binh sĩ Xyri thiệt mạng. Thống kê này chưa tính đến số phận của ít nhất 100 binh sĩ thường xuyên hiện diện tại ba cơ sở quân sự bị tấn công của Xyri vẫn chưa được xác minh.


Trong khi đó, sau vụ không kích hôm 5/5, thế giới tiếp tục phản đối và bày tỏ lo ngại. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã kêu gọi các bên bình tĩnh và kiềm chế tối đa, hành động có trách nhiệm để ngăn chặn cuộc xung đột ở Xyri leo thang. Ông Ban Ki-moon cũng kêu gọi các bên tôn trọng chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.


Ngày 6/5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng phản đối việc sử dụng vũ lực, kêu gọi các bên kiềm chế, tránh mọi hành động làm gia tăng căng thẳng. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Thủ tướng Ixraen Benjamin Netanyahu đang có chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 6 đến 10/5.

 

LHQ: Chưa có bằng chứng về vũ khí hóa học ở Xyri


Cũng trong ngày 6/5 đã xuất hiện những báo cáo trái ngược về việc sử dụng vũ khí hóa học tại Xyri. Vào cuối ngày (theo giờ VN), nhóm điều tra LHQ về nhân quyền ở Xyri khẳng định không có bằng chứng xác thực nào về việc cả hai bên trong cuộc xung đột ở Xyri sử dụng vũ khí hóa học, bất chấp tuyên bố trái ngược trước đó của một thành viên trong nhóm, bà Carla del Ponte.


Khả năng nước ngoài can thiệp Xyri gia tăng Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, Alexander Lukashevich, ngày 6/5 bày tỏ lo ngại khả năng nước ngoài can thiệp quân sự vào Xyri đang gia tăng, đặc biệt là sau vụ Ixraen không kích Xyri. Ông nhấn mạnh: "Việc quốc tế hóa cuộc xung đột nội bộ cực kỳ nguy hiểm và tàn phá ở Xyri không được phép xảy ra".

Tuyên bố có đoạn: "Ủy ban điều tra quốc tế độc lập về Cộng hòa Arập Xyri muốn làm sáng tỏ rằng chúng tôi vẫn chưa tìm thấy bằng chứng xác thực nào về việc bất cứ bên nào trong cuộc xung đột Xyri sử dụng vũ khí hóa học".


Trước đó, bà Carla del Ponte, nguyên là Chánh án Tòa án hình sự quốc tế về Nam Tư cũ và là một thành viên ủy ban trên, đã phát biểu trên đài RSI của Thụy Sĩ cho rằng "theo các bằng chứng thu thập được, thì lực lượng nổi dậy đã sử dụng vũ khí hóa học, đặc biệt là khí sarin".


Sarin là loại chất độc hại thần kinh rất mạnh do các nhà khoa học thời Đức quốc xã phát triển trong những năm 1930. Khí độc này nếu hít phải hoặc hấp thụ qua da sẽ gây tử vong bằng cách làm tê liệt hệ thần kinh. Một liều rất nhỏ khí sarin cũng có thể gây chết người.


Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN