Thế giới hoan nghênh thỏa thuận Nga-Mỹ về Xyri

Bộ Ngoại giao Xyri ngày 9/5 đã hoan nghênh sáng kiến của Nga và Mỹ về việc tổ chức một hội nghị quốc tế nhằm tìm giải pháp chấm dứt cuộc khủng hoảng đẫm máu tại quốc gia Trung Đông này.

 

Giải pháp chính trị là duy nhất


Hãng thông tấn SANA của Xyri dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước này nhấn mạnh Đamát tin tưởng rằng Mátxcơva sẽ không thay đổi lập trường về cuộc xung đột hiện nay tại Xyri và cộng đồng quốc tế cần nhận thức rằng người dân Xyri có quyền tự quyết định tương lai và hệ thống hiến pháp của quốc gia mình mà không có sự can thiệp bên ngoài.


 

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 7/5 đã thống nhất kêu gọi hai bên ở Xyri đàm phán và tổ chức một hội nghị quốc tế về vấn đề của nước này. Ảnh: AFP/ TTXVN

 

Cùng ngày, Tổng Thư ký Liên đoàn Arập (AL) Nabil al-Arabi đã hoan nghênh nỗ lực mới của Nga và Mỹ nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc chiến Xyri và kêu gọi chính phủ Xyri cũng như phe đối lập nước này tham gia. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cũng ra tuyên bố hoan nghênh thỏa thuận trên. Tuyên bố có đoạn: "Một giải pháp chính trị là cách duy nhất để chấm dứt cuộc khủng khoảng kéo dài và sa lầy chưa từng có này".


Trước đó, ngày 7/5, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã nhất trí kêu gọi các bên ở Xyri đàm phán và tổ chức một hội nghị quốc tế về Xyri để tránh cảnh đổ máu tại nước này. Đề xuất dựa trên một thỏa thuận quốc tế đạt được ở Geneva (Thụy Sĩ) năm 2012 trong đó không đề cập đến việc ông Assad phải từ bỏ vị trí.

 

Phe đối lập phản đối


Tuy nhiên, Liên minh Dân tộc của phe đối lập Xyri cho rằng bất kỳ thỏa thuận chính trị nào nhằm giải quyết cuộc xung đột kéo dài 2 năm qua phải bắt đầu bằng việc Tổng thống Xyri Bashar al-Assad ra đi. Trong tuyên bố hôm 8/5, phe này nói: "Liên minh Dân tộc hoan nghênh mọi nỗ lực quốc tế kêu gọi giải pháp chính trị đáp ứng nguyện vọng và hi vọng của người dân về một quốc gia dân chủ, miễn là các nỗ lực này bắt đầu bằng việc ra đi của ông Bashar al-Assad và chế độ của ông ta".


Phản ứng này có thể là một đòn giáng vào đề xuất của Nga và Mỹ. Từ lâu, phe đối lập vẫn khăng khăng rằng ông Assad phải từ chức, mặc dù chính phủ Xyri đã khẳng định tương lai của ông Assad sẽ được quyết định trong bầu cử dự kiến vào năm 2014.

 

Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN