Tổng thống Xyri đề xuất sáng kiến giải quyết khủng hoảng

Ngày 6/1, tại Nhà hát Opera ở trung tâm thủ đô Đamát, Tổng thống Xyri Bashar al - Assad đã có bài phát biểu công khai đầu tiên kể từ tháng 6/2012, kêu gọi người dân đoàn kết vượt qua khủng hoảng, đồng thời đưa ra sáng kiến giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài 21 tháng qua ở đất nước này. Bài phát biểu này được phát trên truyền hình và đã nhận được sự ủng hộ của người dân Xyri.


 

Người dân Xyri theo dõi bài phát biểu của Tổng thống Assad qua truyền hình. Ảnh: AFP/ TTXVN

 

Tổng thống Assad nêu rõ: “Xyri sẽ không thể giải quyết khủng hoảng nếu không huy động được sức mạnh của toàn dân tộc. Đây là một cuộc cách mạng của người dân Xyri, chứ không phải từ của các thế lực bên ngoài”. Ông Assad cũng nhấn mạnh, cuộc xung đột ở Xyri không phải giữa chính phủ và phe đối lập, mà là “giữa đất nước Xyri với kẻ thù”.


Trong bài diễn văn kéo dài 45 phút, Tổng thống Assad cũng đã đưa ra một sáng kiến giải quyết khủng hoảng gồm ba giai đoạn: ngừng bắn, đối thoại dân tộc toàn diện và xây dựng một chính phủ, quốc hội mở rộng. Đamát sẽ sớm công bố chi tiết về kế hoạch này, đồng thời yêu cầu các quốc gia nước ngoài ngừng vũ trang cho phe đối lập.


Theo Tổng thống Assad, việc chấm dứt vũ trang cho phe đối lập cần được thực hiện ngay sau khi quân đội Xyri dừng các chiến dịch quân sự. Tiếp đó, chính quyền sẽ đẩy mạnh liên lạc để triệu tập một hội nghị đối thoại dân tộc với các bên đối lập ở trong và ngoài Xyri. Hội nghị sẽ vạch ra một "Hiến chương quốc gia", văn kiện cho tương lai kinh tế và chính trị của Xyri và sẽ được đưa ra trưng cầu ý dân. Sau đó, một cuộc bầu cử quốc hội mới sẽ được tiến hành, tiếp theo là thành lập một chính phủ mới. Tuy nhiên, Tổng thống Assad nhấn mạnh rằng để thực hiện được những kế hoạch trên, cần có sự đồng thuận tại hội nghị đối thoại dân tộc.


Tuy nhiên, ngay sau bài phát biểu trên, Hội đồng Dân tộc Xyri (SNC), tập hợp các phe phái đối lập chính ở nước này, đã tuyên bố phản đối sáng kiến giải quyết khủng hoảng của Tổng thống Assad và nhấn mạnh rằng, SNC chỉ chấp nhận đối thoại với điều kiện Tổng thống Assad phải từ bỏ quyền lực.


Liên minh châu Âu (EU) cũng lập tức lên tiếng ủng hộ quan điểm của SNC. Quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của EU, bà Catherine Ashton nhắc lại “quan điểm của EU là Tổng thống Assad phải từ chức, mở đường cho một tiến trình chuyển giao chính trị”.


Trong khi đó, một ngày trước khi Tổng thống Assad có bài phát biểu quan trọng, Mỹ bắt đầu triển khai các tên lửa Patriot tới Thổ Nhĩ Kỳ nhằm thực hiện kế hoạch của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), giúp Thổ Nhĩ Kỳ đối phó với các nguy cơ từ Xyri. Trong vài ngày tới, Mỹ sẽ điều động khoảng 400 quân cùng các thiết bị quân sự tới căn cứ không quân Incirlik để vận hành hai khẩu đội tên lửa phòng không Patriot.


Ngoài ra, hai thành viên NATO khác là Đức và Hà Lan, mỗi nước cũng sẽ triển khai 2 khẩu đội Patriot tại các khu vực dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Xyri. Mỗi khẩu đội tên lửa Patriot được biên chế từ 4 - 6 giàn tên lửa và một hệ thống rađa.


Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố việc triển khai tên lửa Patriot chỉ là biện pháp phòng thủ, song Nga, Trung Quốc và một số nước đã chỉ trích kế hoạch trên, cho rằng nó chỉ làm cho tình hình Xyri và khu vực thêm căng thẳng. Thậm chí, các chuyên gia phân tích và giới bình luận quân sự còn cho rằng đây có thể là bước chuẩn bị của Mỹ và các đồng minh cho kế hoạch can thiệp quân sự trực tiếp vào Xyri.

 

Minh Hải (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN