Xyri cáo buộc Ixraen tấn công vô cớ

Hãng thông tấn quốc gia SANA của Xyri ngày 31/1 dẫn lời chỉ huy quân đội nước này cáo buộc Ixraen đã xâm nhập trái phép không phận và tấn công một trung tâm nghiên cứu khoa học quân sự ở ngoại ô thủ đô Đamát vào rạng sáng ngày 30/1, làm 2 nhân viên thiệt mạng và 5 người khác bị thương, phá hủy toàn bộ cơ sở này.


 

Các cư dân địa phương cho AFP biết, 6 quả tên lửa đã phóng trúng trung tâm nghiên cứu. Ảnh minh họa máy bay Ixraen.

 

Cùng ngày Bộ ngoại giao Xyri đã chính thức đệ đơn lên Liên hợp quốc (LHQ) phản đối vụ tấn công của Ixraen. Lá đơn của Đamát khẳng định Ten Avíp đã vi phạm thỏa thuận ngừng bắn ký năm 1974, mặc dù về mặt kỹ thuật Ixraen và Xyri vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.


Quân đội Xyri cho biết các máy bay chiến đấu Ixraen thâm nhập vào nước này qua dãy núi Hermon ở độ cao thấp, dưới tầm kiểm soát của rađa. Tới nay, Ixraen vẫn không đưa ra bình luận gì về cáo buộc của Xyri. Trước đó, truyền thông phương Tây dẫn nguồn tin từ các quan chức an ninh, ngoại giao nói rằng Ixraen đã không kích một đoàn xe chở vũ khí, trong đó có cả tên lửa SA - 17 do Nga sản xuất, đang tiến sát biên giới Xyri với Libăng. Số vũ khí này được cho là đang chuyển cho Phong trào Hồi giáo vũ trang Hezbollah tại Libăng.


Trước khi xảy ra vụ tấn công vào trung tâm nghiên cứu ở ngoại ô Đamát, nguồn tin quân đội Libăng khẳng định có một số động thái “bất thường” của Ixraen trên không phận Libăng. Nguồn tin này nói rằng máy bay Ixraen đã xâm nhập không phận Libăng 16 lần, trong thời điểm từ 9 giờ 30 phút sáng 29/1 đến 2 giờ sáng 30/1 (giờ địa phương).


Ngày 31/1, Nga và Liên đoàn Arập (AL) đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về cáo buộc của Xyri đối với Ixraen. Nga cho rằng nếu thông tin này được Ixraen xác nhận thì đây là vụ tấn công vô cớ vào các mục tiêu trên lãnh thổ của một nước có chủ quyền, vi phạm Hiến chương LHQ và không thể chấp nhận được dù động cơ là gì đi nữa, đồng thời khẳng định sẽ thực thi "các biện pháp khẩn cấp" để làm sáng tỏ vụ việc.


Dù không nhận trách nhiệm về vụ không kích này nhưng giới phân tích và truyền thông quốc tế đều mặc nhiên cho rằng “tác giả” không ai khác chính là Ixraen. Điều này dễ hiểu, bởi Ixraen đã từng công khai cảnh báo sẽ tiến hành hành động quân sự để ngăn chặn vũ khí hóa học của Xyri lọt vào tay Hezbollah. Trước đây, Ixraen đã từng được cho là “tác giả” của ba chiến dịch bí mật tại Xyri, gồm vụ ném bom một lò phản ứng hạt nhân; ám sát tướng Mohamed Suleiman, người được cho là có liên quan tới cả chương trình hạt nhân của Xyri và có quan hệ với Hezbollah và vụ ám sát chỉ huy tác chiến của Hezbollah là Imad Mughniyeh tại thủ đô Đamát.


Vụ không kích diễn ra trong bối cảnh thủ lĩnh lưu vong của phe đối lập Xyri là Liên minh Dân tộc Xyri (SNC), ông Moaz al - Khatib tuyên bố trên trang Facebook cá nhân sẵn sàng đàm phán “có điều kiện” với chính quyền của Tổng thống Bashar al - Assad nhằm kết thúc cuộc xung đột đẫm máu kéo dài 22 tháng qua khiến 60.000 người thiệt mạng (số liệu của LHQ). Điều kiện mà ông Khatib đưa ra là chính quyền Xyri trả tự do cho 160.000 tù nhân và cấp lại thị thực cho các công dân Xyri lưu vong. Tuy nhiên, Hội đồng Dân tộc Xyri - một thành viên quan trọng của SNC - đã lập tức bác bỏ đề nghị đối thoại.


Tổng thống Assad mới đây đã đề xuất một cuộc đối thoại dân tộc nhằm chấm dứt khủng hoảng, nhưng ông nhấn mạnh rằng đề xuất này chỉ áp dụng với các nhóm không có liên quan tới cuộc nổi dậy vũ trang, hàm ý loại trừ SNC. Trong khi đó, các nhóm đối lập chính ở Xyri nói sẽ chỉ ngồi vào bàn đối thoại khi ông Assad từ chức. Động thái bất ngờ của thủ lĩnh SNC diễn ra sau khi Đặc phái viên của LHQ và Liên đoàn Arập (AL) Lakhdar Brahimi cho biết cuộc nội chiến đã “tới mức kinh hoàng chưa từng thấy" và Tổng Thư ký LHQ Ban Ki - moon cảnh báo về một tình hình "thảm họa" tại Xyri.


Lê Dương (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN