Xyri dọa trả đũa Ixraen

Chính quyền Xyri ngày 1/2 đã đe dọa trả đũa vụ không kích của Ixraen nhằm vào một trung tâm nghiên cứu quân sự của nước này ở ngay ngoại ô Đamát - sự kiện đang đe dọa đưa cuộc xung đột vượt ra ngoài biên giới Xyri.


 

Người dân Ixraen kéo nhau đi mua mặt nạ phòng độc tại một siêu thị ở Đông Giêrusalem ngày 31/1, sau khi phía Xyri nói có quyền trả đũa vụ không kích. Ảnh: AFP/ TTXVN

 

Hãng thông tấn SANA dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Xyri nêu rõ, Ixraen "và các quốc gia ủng hộ họ" phải chịu trách nhiệm về vụ không kích, đồng thời khẳng định "quyền tự bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ của Xyri". Cơ quan này kêu gọi "tất cả các cơ quan Liên hợp quốc (LHQ) áp dụng những biện pháp cần thiết đối với sự vi phạm nghiêm trọng của Ixraen và đảm bảo rằng nó sẽ không bao giờ lặp lại".


Đại sứ Xyri tại Libăng, Ali Abdel Karim Ali cũng nhấn mạnh Đamát có quyền đáp trả hành động "xâm lược" của người Do Thái, trong khi Thứ trưởng Ngoại giao Hossein Amir Abdollahian cảnh báo "cuộc tấn công của chính quyền Do Thái sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng với Ten Avíp”.


Cùng ngày, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki - moon đã bày tỏ "mối quan ngại sâu sắc", đồng thời kêu gọi tất cả các bên "ngăn chặn căng thẳng hoặc leo thang căng thẳng trong khu vực".


Giới phân tích cho rằng, với vụ tấn công Xyri, Ixraen đã đặt bước đi quân sự công khai đầu tiên vào làn sóng bất ổn "Mùa xuân Arập", vốn đã gây bất ổn định tại nhiều nước láng giềng và đẩy Ixraen vào tình thế dễ gặp nguy hiểm hơn bất cứ khi nào trong hàng thập kỷ qua.


Mục tiêu của Ixraen rõ ràng là ngăn chặn vũ khí chuyển giao cho lực lượng Hezbollah ở Libăng, và có thể không có ý khuấy động chảo lửa Xyri. Nhưng dù ngẫu nhiên hay cố ý, họ cũng đã tự đẩy mình vào một cuộc nội chiến mà cho đến nay, các nước phương Tây, trong đó có Mỹ, vẫn giữ khoảng cách vì lo ngại một sự can thiệp quân sự có thể chỉ khiến tình hình tồi tệ hơn.


"Cho đến nay Ixraen vẫn tránh dính vào bãi lầy ở Xyri. Đây có thể là dấu hiệu đầu tiên cho thấy họ đã quyết định leo thang hành động để dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Assad", ông Moshe Maoz, một cựu cố vấn an ninh cho chính phủ Ixraen và một chuyên gia về Xyri tại Đại học Hebrew (Ixraen) nhận xét. Tuy nhiên, các nhà phân tích khác thì không đồng ý rằng Ixraen cố ý công khai tấn công chính quyền Assad, bởi với họ, bất cứ người kế nhiệm nào đối với nhà lãnh đạo này cũng có thể còn có thái độ thù địch hơn. Tuy vậy, vụ không kích có thể phát đi tín hiệu cho thấy Ixraen sẵn sàng can thiệp vào các vấn đề của khu vực.


Thu Hằng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN