Tạo động lực thúc đẩy phát triển khu Nam TP Hồ Chí Minh

Trong định hướng phát triển đô thị đa cực của TP Hồ Chí Minh, Quận 7 sẽ là trung tâm của đô thị phía Nam thành phố, kết nối cả miền Tây với miền Đông. Đồng thời, đóng vai trò là vùng dự trữ, vùng đệm cho đô thị trung tâm hiện hữu, kết nối với đô thị mới Thủ Thiêm. Vậy làm thế nào để Quận 7 phát huy được vai trò "hạt nhân" của mình?

Chú thích ảnh
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, phát biểu tại Hội thảo.

Quận 7 là “hạt nhân” quan trọng trong chiến lược đưa khu Nam TP Hồ Chí Minh trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút các hoạt động đầu tư vào thương mại, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp cũng như kiến tạo không gian đô thị phát triển bền vững.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo khoa học “Chiến lược phát triển Quận 7 đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 20245” do Quận uỷ Quận 7 và Học viện Cán bộ TP Hồ Chí Minh tổ chức, ngày 28/6.

Ông Hoàng Minh Tuấn Anh, Chủ tịch UBND Quận 7 thông tin, Quận 7 là một đô thị mới, hiện đại được tách ra và hình thành từ một huyện vùng ven phía nam TP Hồ Chí Minh. Trong 25 năm qua, Quận liên tục hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, văn hoá, xã hội do thành phố giao, có những năm hoàn thành vượt chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước, vấn đề an sinh xã hội được giải quyết có hiệu quả. Tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2021 trên địa bàn tăng 41 lần so với thời điểm thành lập năm 1997. Quận 7 hiện đã thay đổi diện mạo, duy trì tốt sự phát triển kinh tế xã hội với tốc độ tăng trưởng khá, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. 

Mục tiêu của Quận 7 trong thời gian tới là đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hoá theo định hướng phát triển chung của toàn thành phố với những mục tiêu cụ thể như bình quân tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất của các thành phần kinh tế do quận quản lý tăng 12 % trở lên; giá trị ngành dịch vụ thương mại tăng 13% trở lên; giá trị sản xuất ngành xây dựng, công nghiệp tăng từ 9% trở lên; hoàn thành sớm 1 năm chỉ tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Định hướng phát triển Quận 7 đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 sẽ thành trung tâm y tế, giáo dục, thể thao chất lượng cao ở phía nam TP Hồ Chí Minh; phát triển dịch vụ, thương mại kết hợp du lịch. 

Bà Phạm Thị Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh cho rằng, sự phát triển của Quận 7 chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Kinh tế có tăng như số lượng doanh nghiệp chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ; sức cạnh tranh và sự bền vững còn hạn chế. Thu hút đầu tư theo quy hoạch trên địa bàn còn chậm, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng tốc độ gia tăng dân số; quản lý môi trường, đô thị còn nhiều bất cập.

Để tạo điều kiện thuận lợi thu hút mời gọi đầu tư, phát triển các loại hình dịch vụ, kinh doanh có giá trị gia tăng cao, Quận 7 cần làm tốt hơn nữa khâu quy hoạch, quản lý thực hiện quy hoạch, chỉnh trang đô thị từ mô hình Khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Cùng đó, thành phố cần có sự quan tâm đúng mức cho giải pháp giao thông nhằm tháo gỡ các điểm ùn tắc; cho phép triển khai thí điểm vận tải hành khách công cộng và vận tải đường thuỷ - bà Thảo nêu vấn đề. 

Chú thích ảnh
Ông Hoàng Minh Tuấn Anh, Chủ tịch UBND Quận 7, phát biểu khai mạc Hội thảo. 

Đặc biệt, Quận 7 cần kiến nghị thành phố xem xét mô hình Khu chế xuất Tân Thuận theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới công nghệ sang sản xuất sản phẩm công nghệ cao, từng bước giảm thâm dụng lao động và khuyến khích thêm dịch vụ cao cấp.  Với lợi thế về cảnh quan tự nhiên, hệ thống sông ngòi, kênh rạch quận cần phát triển tăng thêm sản phẩm du lịch, xây dựng thêm các công trình phục vụ hoạt động thể dịch thể thao tầm cỡ...

Liên quan đến Khu chế xuất Tân Thuận - khu chế xuất đầu tiên của TP Hồ Chí Minh và cả nước, ông Nguyễn Văn Đua - nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho rằng: khi không gian đô thị TP Hồ Chí Minh mở rộng, các nhà máy ở Khu chế xuất Tân Thuận với công nghệ đã trở nên lạc hậu; trong khi trình độ công nghệ của các khu công nghiệp ở những địa phương khác đã phát triển cao.

Do đó, TP Hồ Chí Minh và Quận 7 cần đặt vấn đề nên tiếp tục duy trì sản xuất công nghiệp xuất khẩu, trọng tâm là thu hút doanh nghiệp công nghiệp công nghệ cao hay cần định hình lại một cách cơ bản, để 300 ha đất ở giữa một quận nội thành có xung lực mới, tạo sự bứt phá mới cho sự phát triển của khu Nam và toàn thành phố.

Theo ông Đua, nếu khu chế xuất được thay đổi về "chất" để cùng xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế ở Thủ Thiêm, với tư cách một trung tâm dịch vụ chất lượng cao thu hút các nhân lực chất lượng cao đến làm việc, sáng tạo ở Thủ Thiêm và sinh sống ở Tân Thuận sẽ tạo diện mạo mới, vai trò mới và đóng góp mới cho khu vực này. 

Bên cạnh đó, cũng có thể nghiên cứu dịch chuyển nhà máy; trong đó có nhiều nhà máy thâm dụng lao động ở khu chế xuất sang khu vực khác xa trung tâm hơn và điều chỉnh chức năng Khu chế xuất Tân Thuận sang khu dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa, văn phòng làm việc, khách sạn, thương mại chất lượng cao để làm "hậu cần" cho Trung tâm Tài chính quốc tế Thủ Thiêm trong tương lai - ông Đua đề xuất.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, ghi dấu ấn về sự phát triển Quận 7 thời gian qua đó là Khu chế xuất Tân Thuận hoạt động hiệu quả; hình thành các công trình giao thông đường bộ, đường thủy, bến cảng... mang tính huyết mạch cùng với những khu đô thị mới văn minh, hiện đại mà điển hình nhất là đô thị kiểu mẫu Phú Mỹ Hưng. 

Tuy nhiên, về lâu dài, Quận 7 cần tính toán và định hướng phát triển thành khu đô thị thông minh kiểu mẫu, góp phần mở rộng khu thương mại trung tâm của cả TP Hồ Chí Minh với nhiều tiềm năng đầu tư hấp dẫn.

Ông Ngân cho rằng, Quận 7 cần tập trung cải thiện môi trường đầu tư, nỗ lực nâng cao khả năng sống để thu hút nhân tài chất lượng cao đến định cư, sinh sống và làm việc; xây dựng Quận 7 trở thành điểm đến hấp dẫn của các công ty đa quốc gia vào đầu tư. Quận 7 cũng cần rà soát lại quy hoạch, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại và đồng bộ, thuận lợi, thông suốt kết nối đến trung tâm Thành phố và các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. 

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, đánh giá cao sự năng động, sáng tạo của Quận 7 trong việc đề ra định hướng quy hoạch phát triển trung và dài hạn. Định vị vai trò Quận 7 trong khu Nam và trong TP Hồ Chí Minh là chưa đủ mà phải trong vị thế cửa ngõ kết nối đông tây theo trục ven biển, có thuận lợi cả về đường bộ lẫn đường thuỷ.

Chú thích ảnh
 Hội thảo khoa học “Chiến lược phát triển Quận 7 đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”. 

TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành thành phố dịch vụ công nghiệp hiện đại, đầu tàu kinh tế số, xã hội số và trung tâm kinh tế tài chính, thương mại, khoa học công nghệ. Trong định hướng phát triển đô thị đa cực của TP Hồ Chí Minh, Quận 7 sẽ là trung tâm của đô thị phía Nam thành phố, kết nối cả miền Tây với miền Đông. Đồng thời, đóng vai trò là vùng dự trữ, vùng đệm cho đô thị trung tâm hiện hữu, kết nối với đô thị mới Thủ Thiêm.

“Để phát huy hết lợi thế và tiềm năng phát triển, Quận 7 cần sớm cập nhật những phương án quy hoạch phù hợp với quy hoạch chung của thành phố, từ đó tập trung đầu tư về hạ tầng, chú trọng kết nối với mạng lưới giao thông đến sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Long Thành.

Song song đó, Quận 7 cần  phát triển hạ tầng đô thị thông minh trên nền tảng cải thiện các đô thị sẵn có và thiết kế đô thị mới; xây dựng chính quyền đô thị, chính quyền số để quản trị tốt hơn, thông suốt và hiệu quả; có cơ chế cơ chế thu hút nguồn lực tài chính, con người phục vụ sự phát triển bền vững của Quận 7, đóng góp vào sự phát triển chung của toàn thành phố” - ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Tin, ảnh: Xuân Anh  (TTXVN)
Đầu tư xây dựng 2 đường vành đai tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh
Đầu tư xây dựng 2 đường vành đai tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 56/2022/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và Nghị quyết số 57/2022/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN