Khi lính đảo về nhà

Cầu tàu mới chỉ là một chấm nhỏ hiện lên trong biển nước mênh mông Dương đã sốc ba lô lên vai. Hoán cười váng lên:
-Hâm chưa kìa, còn xơi mới cập bến. Người yêu ra đón à?
-Không.
-Mẹ à?
-Không.
-Sao lại nôn nóng thế?
-Sợ nhỡ chuyến xe cuối cùng.
-Cậu không ở lại đơn vị mấy hôm đã.
-Tớ chỉ muốn được gặp mẹ.

* * *

Minh họa: Trần Thắng


Cô hiệu trưởng gõ cửa phòng Dương:
-Cháu đã dậy chưa? Cô nấu cơm rồi, đánh răng rửa mặt rồi sang ăn đi.
-Vâng, cháu dậy rồi đây ạ.
- Tranh thủ đi lúc trời mát. Phải qua cổng thứ hai trước khi trời nắng gắt, không thì mệt lắm không đi được đâu. Con trai mẹ Vân vạm vỡ quá, có người yêu chưa con?
-Chưa cô ạ.
-Phân trường Hoa Mai có hai cô giáo trẻ, không may có một cô giáo bị ngã gãy chân thế là mẹ cháu xung phong vào đó để dạy thay. Mẹ cháu rất tuyệt vời. Cháu hãy một lần đi vào đó để thấy rằng lính đảo các cháu chưa chắc đã bằng lính giáo các cô đâu nhé. Ôi cô ước có đứa con gái để gả cho cháu nhỉ.

Dương nghe tiếng thở dài cố nén trong ngực cô giáo không còn trẻ nữa. Đã được nghe mẹ kể chuyện của cô nên Dương hiểu nghĩa tiếng thở dài cố nén kia, Dương đến gần bám hai bàn tay vào cánh tay cô hiệu trưởng:

-Cô, con gọi cô là mẹ nhé.
-Gớm cái thằng cu này khéo mồm quá. Thôi sang ăn cơm đi con.
-Ăn đi, ăn nhiều đi con, ăn thật no vào con nhé. Cô hiệu trưởng vừa phe phẩy chiếc quạt nan quạt cho Dương vừa âu yếm giục.
-Con no quá rồi.

-Thế này đi, ba lô đồ đạc quà cáp con cứ để lại đây mẹ giữ cho. Hôm nay là thứ 5 rồi. Con vào đấy chơi với mẹ một hôm rồi hôm sau hai mẹ con quay ra đây. Thứ 7 nào mẹ Vân cũng ra đây để mua thực phẩm về dự trữ cho cả tuần. Mẹ chuẩn bị đủ cho con rồi đây, nước uống này, mì gói này, mấy phong kẹo lạc nữa nhé. Còn đây cặp lồng thịt mẹ rang cháy cạnh, để hai mẹ con có cái mà ăn. À còn mớ rau muống nữa, hơi cồng kềnh một tí nhưng không nặng đâu.

-À, con cầm theo chiếc quạt nan này mà phe phẩy dọc đường. Nắng đổ đầu đấy con ơi.
-Mẹ, nắng so thế nào được với Trường Sa của con. Tạm biệt mẹ Mây.
-Ừ đi đi con.

* * *

Con đường sặc mùi nước đái bò dài 5 cây số, bước chân anh lính sải trong cái mát dịu của sương sớm. Áo chưa vương mồ hôi. Dương cười thầm trong dạ, các mẹ cứ dọa lính đảo, nhằm nhò gì. Bắt đầu đến con đường dốc. Dây leo quấn quýt như níu từng bước chân, con đường chưa có lối mòn. Có đoạn dốc đứng, mũi chạm vào vách đá. Thôi xong thế là quên mất chiếc gậy.

Mẹ Mây đã trao tận tay vậy mà loanh quanh thế nào dựng lại ở vách rồi đi. Thì bám vào dây leo để đu, cũng khoái. Hơi thở bắt đầu dồn dập, mồ hôi đang bò buồn buồn ở lưng. Bước thêm một bước nữa lên tảng đá phía trước Dương phải dừng lại để thở. Mồm mũi tranh nhau phì phò. Tai bùng nhùng u u, hệt như hôm biển động. Đã sáng tỏ mặt người.

Khi trái tim đã đập lại nhịp bình thường Dương mới ngồi bệt xuống tảng đá. Anh đưa mắt ngắm rừng ngắm núi. Nắng đã tia những ấm nóng dịu dàng để non mởn vươn dậy. Hàng ngàn ánh cười nhấp nháy trên ngút ngàn xanh. Ôi, trái tim lại lỗi nhịp nữa rồi. Lượng hoóc môn bỗng tăng đột biến. Dương hét váng lên. U uuuu Oa oa. Tiếng vọng lại trầm U uuuuu Oa oa.

* * *

Hình như có tiếng róc rách. Dương nén hơi thở dồn dập để lắng nghe. Suối, đúng rồi tiếng suối. Cái sự gọi là rảo bước chỉ là không dừng lại nghỉ sau ba bước leo dốc. Dương bật ra tiếng gọi: mẹ ơi.

Rồi nước mắt trào ra. Con không hiểu được tại sao mẹ lại leo được những đoạn dốc như thế này. Chân mẹ có đau không? Con không thể hình dung nổi con đường đến lớp của mẹ lại gian nan thế. Có tưởng tượng thế nào thì con cũng chỉ nghĩ đến con đường đồi ở quê mình, con đường mẹ đã dắt tay con để đưa vào lớp một.

Con đã bứt tay mẹ để chạy một mạch lên đỉnh dốc rồi quay lại lêu lêu mẹ không đi nhanh bằng con. Con đã nghĩ, thằng con trai vạm vỡ được sóng biển và muối mặn ướp ba năm trên đảo sẽ cõng mẹ xuống núi. Chắc con không thể làm được như vậy rồi mẹ ơi. Rồi mẹ đi theo bố lên vùng đất này. Bố là lính biên phòng. Con trai mẹ cùng mẹ sống ở miền núi nhưng chưa khi nào leo núi. Lúc ấy mẹ dạy học ở điểm trường chính.

Mẹ Mây, con đã hiểu vì sao mẹ cố giấu tiếng nấc trong ngực. Cả thời tuổi trẻ của mẹ đã dành cho các em ở các điểm trường xa như thế này. Mẹ Vân đã kể cho con nghe, ngày xưa ấy phải 4, 5 tháng, theo biên chế năm học, các cô giáo mới về điểm trường chính để lĩnh lương và mua bán nhu yếu phẩm. Phải đi đường mất hai ngày, vị chi cả đi cả về mất 4 ngày. Cứ cắt rừng cắt suối mà đi.

Theo luật thì các cô giáo trẻ chỉ phải đi 5 năm rồi quay về, để các cô giáo còn có cơ hội lấy chồng sinh con đẻ cái. Còn mẹ Mây, núi rừng giữ chân, học sinh giữ chân để mẹ không nỡ bỏ nghề khi người ta cố tình quên. Khi mẹ Mây xuống núi thì tóc mẹ đã hai màu.

Cái nóng hầm hập từ trời đổ thẳng xuống đầu, hơi nước từ lá rừng bốc lên làm cho không khí đặc quánh. Con đường càng đi càng cao dần. Thi thoảng mới có đoạn dốc.

* * *

Suối kia, đẹp quá.
Dương kêu lên rồi chạy ào xuống. Hơi nước bốc lên mát tỉnh cả người.

Một phiến đá rộng như cái phản. Nhớ lời mẹ Mây dặn, con ngả lưng xuống đấy mà nghỉ một tí rồi leo hết cổng trời thứ ba nữa là đến. Rửa mặt mũi cho tỉnh. Nước suối mát quá, thích thật ấy. Chim ríu rít trên tán cây. Thằng Hoán bạn thân của Dương cùng đơn vị nói:

-Mày có biết mày rất có tâm hồn nghệ sỹ không?
-Thế nào là tâm hồn nghệ sỹ?
-Là hay thay đổi.
-Thế thì gọi là hay thay lòng đổi dạ chứ sao lại là tâm hồn nghệ sỹ.
-Cái thằng bố toét này, tao có bảo mày là thay lòng đổi dạ đâu. Có nghĩa là tâm hồn mày đang buồn rồi lại vui ngay, rồi lại buồn rồi lại hóm hỉnh rồi lại nhí nhảnh ấy. Biển động là mày buồn. Trời đẹp thì mày nhảy cẫng lên.
-Ừ nhỉ, mày nói cũng đúng.

Nằm duỗi dài trên phản đá, Dương hát, vừa hát vừa nghĩ đến bạn. Thằng bạn là nông dân thứ thiệt. Nó bảo thăm mẹ xong thì về quê nó chơi. Hai thằng cùng ra quân một đợt. Chưa hát hết câu “Anh cười một mình rồi cất tiếng hát vang” thì Dương đã chìm vào giấc ngủ.

Suối cười, tiếng róc rách giòn giã và trong trẻo tuyệt. Hình như có điều gì bất ổn. Dương nằm im nghe ngóng rồi bất thần vùng đứng dậy. Rồi lại ngã bịch xuống. Hai chân lằng nhằng những dây là dây. Tiếng cười vỡ bung ra. Dương định thần.

Một cô gái ngồi trên mỏm đá cười nghiêng ngả. Dương cau mày cúi xuống gỡ các sợi dây rừng quấn quanh cổ chân. Cô gái ngừng cười:
-Anh lính hơi bất cẩn nhé. Vùng này có cả người xấu đi qua đấy. Anh đi đâu đấy.
-Tôi đi thăm mẹ tôi ở điểm trường Hoa Mai.
-Ôi cô giáo Vân phải không ạ?
-Sao cô biết?
-Em ở điểm trường Hoa Ban anh ạ. Em vừa ở điểm trường Hoa Mai xuống. Chiều nay em phải lên lớp.
-Cô lên chơi à?
-Không ạ, chiều qua em chuyển một số đồ dùng lên trên đó. Vật chất vẫn còn thiếu thốn nên các điểm trường vẫn phải dùng chung. Ô anh này, anh nhìn xem cái này đẹp không? Mẹ Vân làm đấy anh ạ.
Cô giáo trẻ khoe cho Dương xem mô hình chiếc xe đạp bằng mây. Đẹp thật. Dương lúng túng:
-Mẹ tôi vốn khéo tay mà.
-Em tên là Hạnh anh à. Chỉ còn một cổng trời nữa là đến điểm trường Hoa Mai nhưng dốc nhất và cao nhất. Nắng thế này anh đi sẽ mệt lắm đấy. Hay là anh qua điểm trường Hoa Ban để chúng em nấu cơm ăn, rồi đến chiều mát mẻ anh hãy đi tiếp. Đến tối sẽ đến nơi.
-Cám ơn cô giáo. Tôi nóng lòng muốn gặp mẹ.
-Em hiểu. Em chỉ ái ngại một điều, có một đoạn bị sạt lở, phải tắt qua rừng, sợ anh lạc mất. Em tính chiều sẽ dẫn anh đi.
-Lý do của cô giáo khó có thể khước từ. Tôi theo cô giáo vậy.

* * *

Giữa lưng chừng núi có một khoảng đất phẳng, chắc được san. Từ xa đã nhìn thấy mái tôn đỏ và cờ Tổ quốc bay phất phới. Cổng trường được dựng từ hai cây luồng to. Nối giữa hai cây luồng là một tấm gỗ dài và mỏng có nét chữ con gái nắn nót: Điểm trường Hoa Ban. Có hai lớp học và một phòng dành cho giáo viên.

Cô giáo Hạnh dẫn Dương vào phòng học trước:
-Đây là lớp mẫu giáo anh à, có 7 cháu. Buổi trưa cha mẹ đến đón con về, chiều lại đưa đến. Còn đây là lớp học của 3 lớp, lớp 1, 2 và 3. Chắc anh rất lạ với cách bài trí không giống như ở các lớp học thông thường khác. Vì có 3 lớp khác nhau nên chúng em phải kê bàn ghế xây lưng với nhau thế này để các cháu nhìn lên 3 bảng đen khác nhau. Lớp em dạy có 12 học sinh. 6 lớp 1. 3 lớp 2 và 3 lớp 3. Có điểm trường chỉ có 6 cháu. Chúng em cứ đùa nhau, sao Nhà nước tốn công xây điểm trường làm gì, để chúng em đưa các cháu về nhà vừa nuôi vừa dậy đỡ tốn hơn, mà lại còn đỡ công cô trò đi lại vất vả.

-Tôi cũng không biết nhiều về giáo dục. Nhưng tôi nghe cũng có lý, sao cô không viết bản kiến nghị gửi lên Bộ trưởng.
-Ối, em nói đùa đấy. Nhà nước phải nghiên cứu lắm mới xây trường chứ anh. Với lại xây trường đâu chỉ là để học mà còn là cách để giữ gìn lãnh thổ biên cương nữa chứ.
-Cô giáo rất giỏi đấy.
-Mời anh vào phòng bọn em, Mến ơi có khách quý này.

Trong phòng một cô giáo trẻ nữa đang ngồi nhặt rau. Thấy khách vào ngượng nghịu đứng đậy chào.
-Anh ngồi chơi để chúng em nấu cơm.
Căn phòng chật chỉ đủ kê hai chiếc giường cá nhân, một chiếc tủ, một chiếc bàn và hai chiếc ghế. Thêm Dương nữa thành càng chật. Dương lúng túng nửa muốn đứng trong nhà nửa muốn ra ngoài sân. Hạnh biết ý:
-Anh để đồ xuống đây đi ạ. Anh sang lớp học ngồi cho mát, chúng em nấu cơm ù cái là xong.

Dương đi ra sân dạo một vòng. Khoảng đất phẳng chỉ khoảng hơn 200 m2. Ba gian nhà dựa vào núi, phía trước để một khoảng sân rộng. Hai cô giáo tận dụng khoảng đất ở lưng chừng vách núi để trồng rau. Rau bí đang trổ hoa vàng. Có một chỗ được bịt bằng các bao tải dứa bốn xung quanh, còn giời thì dòm thẳng xuống. Dương đoán đấy là chỗ vệ sinh. Thế còn chỗ các cô tắm giặt đâu?

Dương rảo bước đi tìm. Dương nhớ lại bài học trinh sát, không được bỏ sót một nghi ngờ nào. Không, không có một nơi nào gọi là chỗ để tắm giặt. Thế còn nước ăn các cô giáo lấy ở đâu? Không thấy có vòi nước hay giếng hay bể?

-Anh Dương ơi, mời anh vào ăn cơm.
Tiếng trẻ con sau lưng:
-Em chào thầy giáo.
Lần đầu tiên được chào là thầy giáo Dương rất ngượng nghịu, anh quay lại:
-Chào các em.
Cơm đã bày trên bàn, có rau bí có trứng rán và cá khô.
-Anh ăn tạm vậy. Cuối tuần chúng em mới xuống núi.
-Đã có em đến học rồi.
-Có em nhà cách đây 5 cây số, toàn đường núi, nên chỉ kịp ăn sáng xong là đi đến trường.
-Vậy các em không ăn trưa à?
-Ít khi, bố mẹ các em thường gói cho củ khoai hoặc bắp ngô.
-Anh à, tí bọn em lên lớp anh cứ ở phòng này ngủ nhé. Có hai giường của hai nàng trinh nữ đều rất thơm tho, anh có thể ngủ ở giường nào cũng được ạ. Hạnh mồm miệng bạo dạn.
Mến trách bạn:
-Khéo khéo cái miệng chứ.

* * *

Dương không ngủ được. Có lẽ do giấc ngủ bên suối đã làm anh đẫy giấc. Dương lấy một cuốn sách. Một cuốn tiểu thuyết lãng mạn. Dương cũng không định đọc thế mà càng đọc càng lôi cuốn đến không dứt ra được. Bỗng có tiếng trẻ con khóc ré làm Dương phải bỏ cuốn sách xuống. Anh đi ra ngoài hướng tới tiếng khóc của đứa bé.

Trong phòng mẫu giáo cô giáo đang bế đứa bé chừng 5 tuổi. Nó khóc ngằn ngặt trên tay cô. Mấy đứa trẻ đứng xúm quanh cô giáo, đứa bíu vai đứa túm áo cô, có đứa mếu máo muốn khóc. Hạnh cũng chạy nhào sang. Mến phân bua:

-Mình đang dạy các cháu trò chơi xếp hình thì bé Sua bỗng ôm bụng khóc. Mình bế bé lên xoa bụng cho bé nhưng bé càng khóc to hơn.
-Mến đặt bé nằm xuống chiếu phẳng này đi. Dương nói.
Mến nghe theo đặt cháu bé xuống chiếu. Dương cầm tay cháu bé hỏi:
-Cháu đau ở đâu?

Cháu bé càng khóc.
Mến nói tiếng dân tộc với cháu bé. Nó lấy tay chỉ vào bụng.
Dương xoa nhẹ vào bụng cho cháu bé. Bụng cháu bé căng phồng.

-Có hai trường hợp, một là do giun, nếu là giun thì chỉ đau một lúc sẽ ngớt. Trường hợp tôi lo nhất là cháu bị đau ruột thừa. Nếu không được cấp cứu kịp thì sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng. Lần trước ở đơn vị có một đồng chí cũng bị đau ruột thừa, bác sỹ ấn vào hố chậu phải để kiểm tra. Để tôi thử xem.

Dương dùng hai ngón tay trỏ và ngón giữa ấn vào vùng bụng bên phải của cháu bé. Cháu co rúm người và khóc to hơn.
-Ở đây có sóng điện thoại không các cô, để gọi điện về trường cho mẹ Mây. Mẹ Mây sẽ gọi xe cấp cứu.
Hai cô giáo bối rối nhìn nhau:
-Anh ơi, chỉ mỗi một cách đi bộ thôi ạ.
Dương cười bẽn lẽn:
-Ôi tôi ngốc thật. Thế này vậy, cô giáo Mến ở lại trường trông các em học sinh và tìm cách báo cho cha mẹ của bé Sua. Tôi và cô giáo Hạnh sẽ cõng cháu xuống núi đến bệnh viện. Việc gấp rồi.
-Để em đi lấy cái địu, cái địu mẹ Sua vẫn để kia. Để em địu cháu.
-Để tôi. Cô giáo Hạnh cầm theo chai nước để chúng ta uống dọc đường.

Đường xuống núi không nhọc như khi leo lên nhưng lại rất dễ bị ngã. Dương nhìn theo dáng cô giáo Hạnh đi lại nhẹ nhàng trên từng mỏm đá như chú nai con phía trước mà thèm muốn có được những bước chân như cô. Anh phải bám vào dây rừng để đặt được chân vào mỏm đá này thật chắc mới nhấc chân kia lên. Trên lưng anh cháu bé đã lả đi. Anh muốn bước thật nhanh nhưng lại sợ ngã. Hạnh quay lại thấy anh lò dò từng bước bèn nói:
-Anh đi chưa quen để em địu cháu cho.
-Có lẽ phải thế.
Hạnh đỡ cháu bé và cởi địu khỏi lưng Dương. Bỗng cô bụp miệng cười:
-Nó đái dầm ướt hết lưng áo anh rồi.
-Kệ đi.

Đến đoạn đường nước đái bò thì Dương giành lại địu. Cháu bé lên cơn sốt hầm hập. Dương bảo Hạnh dấp nước vào khăn mặt ấp lên trán cho cháu. Dương sải từng bước dài. Hạnh phải lon ton chạy. Vừa chạy vừa thở hổn hển.
-Ở đây có sóng điện thoại rồi. Anh cứ chạy đưa cháu về trường. Em gọi điện thoại cho mẹ Mây để mẹ Mây gọi xe cấp cứu anh nhé. Anh đi nhanh lắm em không theo kịp.

* * *

Ai là người nhà của cháu Sua? Ai là người nhà của cháu Sua đến phòng bác sỹ gặp ngay, cần ký vào giấy mổ để mổ cấp cứu.
Hạnh, Dương và mẹ Mây lúng túng nhìn nhau. Không ai trong ba người là người nhà của bé Sua. Cha mẹ em chưa đến kịp.

-Thế này đi anh lính đảo Trường Sa, con thay mặt ba chúng ta là người thân yêu của bé Mây trong lúc này, đi ký vào giấy mổ cho bé đi. Vì chính con là người phát hiện ra bệnh của cháu mà.
-Vâng, cũng chỉ là thủ tục thôi mẹ ạ.
Khi bé Sua đưa xuống phòng hậu phẫu thì cha mẹ em mới xuống núi. Mẹ em cứ nắm chặt tay Dương khóc:
-Mày đã cứu con tao, thì bây giờ nó là con mày rồi mà. Mày có đi đâu thì cũng nhớ có đứa con gái mày ở đây.
Hạnh và mẹ Mây bụm miệng cười.
Cả ba người về trường. Mẹ Mây bảo hai đứa:
-Tụi bay đi ngủ một lát đi, mẹ đi nấu cơm, cơm chín gọi tụi bay dậy ăn, rồi mẹ con mình sẽ hành quân đến Hoa Mai, Hoa Ban. Lâu lâu cũng phải thử gân cốt chứ.


Truyện ngắn của Y Ban

Hương bếp Tết…
Hương bếp Tết…

Tôi nghĩ một nửa hồn Tết luôn nằm trong góc bếp mỗi nhà. Nó không đơn thuần chỉ là hương vị các món ăn mà nó còn chứa đựng cả nét văn hóa Việt. Bắt đầu từ ngày Tết Táo Quân 23 tháng Chạp, nhà nào cũng làm một mâm cỗ cúng. Để “tiễn đưa” ông Táo lên chầu trời...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN