Niềm vui cuối năm

Anh mê chọi gà nên sưu tầm rất nhiều giống gà chọi. Với anh, chỉ có chọi gà là thú vui thực sự còn những trò tiêu khiển khác là tầm thường. Anh không màng chuyện nhà cửa, rừng rẫy, giao tất tần tật cho vợ.

Chị biết tính chồng nên cũng không ca cẩm, có mấy sào mì, ít sào mía chị ra sức làm, không kham hết thì kêu công. Làm riết thành quen, chị cứ như người chủ thực sự trên nương rẫy. Những việc cần đến bàn tay người đàn ông, anh chả có thời gian quan tâm. Chị im lặng.

Mùa dịch đến, lũ gà rủ nhau lờ đờ, gật gù, gà chọi cũng dịch. Anh xác xơ, buồn rầu khi thấy từng con gà mà mình chăm bẵm lần lượt chết. Anh làm mọi cách, nghe người trong thôn mách cho uống lá gì đó thì xăm xăm tìm cho bằng được. Anh chăm sóc lũ gà nằm lim dim, ủ rũ cứ như mẹ chăm sóc cho đàn con, nhưng càng chăm càng thất vọng. Đàn gà chọi của anh không còn một con. Hàng ngày, như một quán tính, anh cứ ra vào chuồng gà trống trơn, lòng buồn vô hạn… Anh vẫn không thể bỏ ngang thú đam mê của mình nên cố sục sạo để có một con gà chọi khác, dù chủ nhân của nó có hét với giá “cắt cổ”. Anh tìm kiếm khắp nơi. Thế nhưng, mùa dịch đã quét sạch gà ở vùng này. Những người mê chơi chọi gà bó gối. Những sân chọi gà thường ngày kín mít người, nay vắng hoe, buồn ngắt.

Minh họa: Trần Thắng


Không có gà để chăm, để câu độ, hò hét trong những trận đá, anh thấy buồn làm sao. Cuộc sống chán ngắt, ra vô, xem ti vi mãi cũng nhàm. Chỉ có dân chọi gà với nhau mới có nhiều chuyện để bàn. Nào là cách làm “nước” để gà hăng mà đá tốt, rồi mách nhau mẹo câu độ, trận đó con gà mày thế này, gà tao thế kia… nói cả buổi cũng không hết chuyện.

Anh quyết định tìm lại sinh khí cho sân chọi gà của mình. Là dân chơi gà chọi chuyên nghiệp, anh biết rằng một chú gà rừng đẹp thì chọi rất tốt. Nhưng bấy lâu nay cứ lu bu với lũ gà chọi nhà, không có thì giờ đi bẫy. Lần này gà bị dịch, cứ như một cơ duyên.

Anh quyết định đi bẫy gà. Đầu hôm nhắc vợ khuya dậy lo cơm nước, tờ mờ sáng thức dậy, ăn qua loa rồi mang theo ít cơm. Rong ruổi cả ngày trên rừng, chiều lại về… tay không. Mấy ngày liền như vậy nhưng anh không nản. Ngày xưa, khi anh còn đi học, gà rừng ở xứ núi này nhiều vô kể, có ngày thấy chúng nó ngang nhiên kéo cả đàn, dàn hàng ngang đi xuống đường lớn trong buôn cứ như chỗ không người. Thế nhưng bây giờ đã khác, rừng không còn là những lùm cây sum sê, rậm rịt chằng chéo những dây nữa mà thay vào đó là những đám mía, mì dài đến ngút mắt. Những khu đất chuẩn bị trồng mì anh nhìn mà ngớ người, không có một cọng cỏ, còn sạch hơn cả khu vườn sau nhà anh.

Vào rừng, với một người đi bộ quả là rất tiện lợi, cứ như đang đi ở trong thôn. Có đường sá hẳn hoi, xe công nông lên bóc mì, mía có thể đi tuốt. Anh lắc đầu ngán ngẩm, bây giờ vô rừng, đông vui hơn ở nhà nhiều. Chính vì rừng thành chỗ đông người nên không có một con gà nào lảng vảng. Anh vào sâu trong rừng, ăn dầm nằm dề để mai phục, cầu may. Cuối cùng cũng có một chú gà rừng choai choai dính bẫy. Hối hả thu dọn đồ đạc, vội vã về nhà khoe với bạn chọi gà.

Chú gà trống choai có tướng mạo đẹp. Nhìn đôi cánh, những cái vuốt ở chân, anh đoán chắc sẽ là một chú gà chọi “nòi”. Bộ lông óng mượt, vàng rực, tướng đi oai vệ, vững chãi… khiến anh khoái chí. Có lẽ từ lúc chơi gà chọi đến giờ, đây là lần đầu tiên anh ưng ý với một chú gà đến vậy. Anh nghĩ bụng trong cái rủi có cái may, nếu không có đợt dịch vừa rồi thì làm sao có chú gà này.

Từ ngày có được chú gà rừng nhỏ, anh lại bận bịu. Những ngày cuối năm, vợ con làm mãi mà không hết việc, anh thì cứ chăm bẵm gà rừng. Tết này sân chọi gà lại đông vui hơn bao giờ hết, sẽ là khu vui chơi của trẻ con vùng núi. Bởi lũ nhỏ xóm núi chẳng biết đi đâu, chơi đâu, Tết có mặc đồ đẹp cũng ra vô mấy ngõ trong xóm, chả biết khoe ai. Sân chọi gà sẽ là nơi cho bọn nhỏ khoe áo mới. Nghĩ đến đây, anh mỉm cười sung sướng…

Hôm nay ngủ dậy, cũng như mọi ngày, anh hối hả ra chuồng gà. Mặt anh biến sắc khi không thấy chú gà rừng đâu nữa. Anh dùng tiếng gọi quen thuộc, là ám hiệu mỗi lần cho gà ăn nhưng vẫn không thấy. Anh đi tìm, vườn nhà ai cũng tới, rần cả chân nhưng sốt ruột quá, không biết mệt. Tìm mãi không có, chắc là mất trộm rồi. Rõ ràng khu này xưa nay không mất trộm. Nếu người ngoài không bắt chả lẽ người trong nhà bắt làm chi? Bán? Ai mà dám mua khi cả thôn chỉ còn mỗi con gà nòi ấy. Anh cứ ra vô bên chuồng gà, lòng như lửa đốt trong cái lạnh cuối năm.

Trong cái xóm núi hắt hiu này, nhà bác Hai Răng là nghèo nhất. Chưa năm nào bác có bánh chưng, thịt mỡ dưa hành trong ngày Tết. Vợ mất sớm, không con cái nên bác sống thui thủi một mình. Lúc vợ lâm bệnh, bác Hai Răng đã đổ hết vốn liếng dành dụm bấy lâu. Tiền mất, người đi, bác Hai Răng trắng tay. Ngày 30 tết, ai cũng khẩn trương làm nốt các việc tồn đọng trong năm cũ. Họ làm tay táy nhưng chủ yếu lo sửa soạn nhang đèn, riêng bác Hai Răng, bác vẫn ra đồng. Bác làm gì, nghề của bác là đi mót mì, lật tung các gốc mì đã nhổ, kiếm mấy củ mì con con về bán, kiếm cơm.

Vợ con anh loay hoay, chỉnh sửa bàn ghế, chưng hoa cúng Tất niên, anh thì nằm bẹp gí trong phòng. Hai mẹ con mời anh ra dùng bữa cơm Tất niên với cả nhà, anh cau có, hét to, mẹ con im thin thít. Mẹ con lủi thủi dọn mâm cơm đã cúng xong. Vừa lúc đó, ngoài cửa có tiếng oang oang:

- Tôi uống chén rượu Tất niên với anh chị được không?

Chị rối rít mời bác Hai Răng vào nhà. Bác vào, cười ha hả nói:

- Chị ạ! Anh chị thật hạnh phúc khi sinh ra được một cháu bé nhỏ tuổi nhưng rất biết quan tâm đến mọi người. Không giấu gì chị, chưa năm nào tôi có một cái tất niên đàng hoàng như năm nay nhờ chú gà trống mà cháu tặng. Tôi đã có một chiều cuối năm rôm rả như mọi nhà, tâm thế đón năm mới rất rạo rực. Hôm nay tôi đến để cảm ơn anh chị, anh chị đã sinh ra một đứa con ngoan.

Từ trong phòng, anh ngồi bật dậy, ra chào bác. Bác bắt tay và cảm ơn rối rít. Bác Hai Răng ra về. Cu con nhìn bố, sợ sệt vội vàng cụp mi xuống. Anh kéo con vào lòng, nhỏ nhẹ:

- Bố vui lắm… vì… vì con đã cho bố niềm vui cuối năm…!!!


Nguyễn Thị Bích Nhàn

Những người lính lặng thầm
Những người lính lặng thầm

Tiếng đào bới liên tục trong cơn mưa tháng 12 nước trút ào ào. Những đôi mắt mất ngủ, lo lắng của những người lính Công binh quầng thâm. Những cơn gió lạnh thi thoảng cứ ùa nhau tràn vào con đường hầm mới đào sình đất nhầy nhụa, sền sệt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN