Ông Sáu “Rạch Gầm”

Gió mùa này se se lạnh. Nước sông Tiền yên ắng lạ thường. Xa xa là cây cầu dây giăng Rạch Miễu. Trên đó những chiếc xe lớn chỉ còn là những chấm đen nho nhỏ cứ nối nhau qua cầu. Dòng người và xe hối hả ngày đêm. Phía trên bờ đèn hoa sáng rực góc trời trong khu di tích. 

Mấy bữa nay người dân xã Kim Sơn thấy xe cộ lớn nhỏ tới lui hà rầm. Rồi pa nô, cờ phướn treo khắp nơi. Cổng vô, hàng rào xung quanh được sơn phết lại mới “cáu xèng”. Ngôi nhà cổ phía trong được chùi rửa đánh vẹc ni sáng thiệt đẹp. Đâu đã vậy, súng ống, giáo gươm thời xửa, thời xưa nghe nói cách nay mấy trăm năm, được đem ra lau chùi sạch sẽ.

Minh họa: Trần Thắng


Trên khoảng sân rộng cạnh mé sông, mấy đứa nhỏ bu xung quanh ông Sáu “Rạch Gầm” để nghe ông kể nhiều câu chuyện xưa có, nay có, mà khoái nhất là cái chuyện quân Tây Sơn của ông Nguyễn Huệ kéo binh từ ngoài Huế vô đây “oánh” mấy thằng Xiêm chạy cuốn cờ thiệt là đã.

- Ông Sáu ơi! Sao con sông này có tên là Rạch Gầm vậy ông? Thằng Chót thắc mắc hỏi.

- Vậy cũng hỏi. Nghe tao kể nè. Hồi đó rạch này có “ông” cọp bự “chà bá lữa”, ai thấy nó cũng té đái trong quần. Mỗi tháng vào đêm ba mươi là “ổng” dìa bắt heo ăn thịt. Hổng có heo thì “ổng” “tém” người ta. Ăn xong “ổng” gầm lên ba tiếng rồi mất tiêu. Từ đó con rạch này mới có tên là Rạch Gầm.

- Ủa con nghe nói, cọp thì phải ở trong rừng hay trên núi, ở đây toàn là kênh rạch rồi ổng ở chỗ nào? Con Mén hỏi lại.

- Mầy hỏi tao, tao biết hỏi ai. Hồi đó tía tao nói sao thì bây giờ tao nói lại vậy, chớ nhỏ tới lớn tao có thấy “ông ba mươi ” nào đâu. Lãng nhách. Ông cười khà khà làm tụi nhỏ khoái chí cười theo rần rần.

- Còn cái tên Xoài Mút là sao hả ông?

- Nghe kể cái rạch này hồi xưa có cây xoài cao tới bốn chục thước lận, mỗi năm bẻ tới cả trăm “cần xé” lớn cho người dân ở đây ăn thoải mái “hột é, cà na” luôn. Mà ngộ lắm nghe bây. Hột trong mấy trái xoài này thơm “mát trời ông địa” luôn, nên khi ăn xong người ta ráng nút nút cái hột cho tới khi hết ngọt mới thôi. Bởi vậy mới có tên là Xoài Mút là vậy. Ông cười khà khà coi vẻ đắc ý lắm.

Rót ly rượu đế Xuân Thạnh chánh gốc ra rồi “tu” một hơi với mấy con ba khía trộn giấm, đường, chanh, ớt đỏ au, ông nhắm nghiền đôi mắt già nua như cố nhớ lại những gì đã xảy ra trên bờ sông lịch sử này. Thỉnh thoảng ông lại nhìn đăm đăm xuống khúc sông mà xưa kia ông nghe kể xác giặc Xiêm chật cứng không trôi đi đâu được. Nước lớn trôi lên, nước ròng trôi xuống, máu đỏ cả dòng sông, mùi tanh tưởi bay xa cả chục cây số khiến người dân không tài nào ăn uống được. Nhiều nhà “yếu bóng vía” lật đật dọn nhà bỏ đi xứ khác làm ăn. Đêm tới bầy kên kên, diều hâu sà xuống từng đàn tha hồ cắn xé, rỉa mổ xác chết rồi kêu vang trong đêm lạnh nghe rất “nổi da gà”.

Hổng biết có thiệt không chớ lúc ông nội, ông ngoại rồi tới tía của ông còn kể rằng: Do có mùi tanh tưởi nên hàng ngàn con rắn lớn có, nhỏ có, hiền có, độc có kéo nhau về sông này gặm nhắm xác người. Thấy tội nghiệp. Người dân hai bên bờ sông đốt lá dừa, quấn “con cúi” cháy sáng đêm để đuổi rắn và kên kên, diều hâu. Rắn bỏ đi nhiều nhưng vẫn còn “lưu trú” tại đây khá nhiều rồi sinh sôi nẩy nở. Bởi vậy, cách mé sông vài cây số hiện nay có một trại rắn lớn nhất cả nước với đủ loại rắn độc, có con dài tới chục thước, có con nặng vài chục ký lô là chuyện thường.

Nghe kể tới đó, mấy đứa con gái mặt xanh như tàu lá, hổng còn chút máu, miệng mồm há hốc ngồi xít lại gần nhau để bớt sợ.

- Thôi ông Sáu ơi! Kể chuyện khác đi, chuyện nãy giờ nghe ớn lạnh quá trời. Ông kể chuyện ông Nguyễn Huệ “oánh” quân Xiêm, quân Nguyễn Ánh đi.

- Chuyện nhỏ như con thỏ. Tao hồi đó có biết gì đâu. Chuyện này cách nay mấy trăm năm rồi chớ bộ. Sở dĩ tao rành tại hồi xưa ông sơ ổng sở của tao gì đó có tham gia “oánh” giặc cùng với ông “Huệ”. Vậy là kể chuyện chuyền từ đời này qua đời khác rồi tới tao. Mà kể lại phải đúng y chang không có thêm mắm thêm muối gì ráo. Nói thêm là bị “vặn cổ mổ họng” liền tức khắc. Có sao kể vậy.

Đêm tháng chạp gió lạnh căm căm. Trời tối đen như mực. Hàng trăm chiếc thuyền chiến của giặc Xiêm bắt đầu nhổ neo tiến vào sông Tiền rộng mênh mông. Tiếng bìm bịp kêu nước lớn cứ ra rả lan xa trên mặt nước phẳng lì. Trên thuyền la liệt những món ngon vật lạ cùng nhiều vò rượu mà chúng vơ vét được của người dân các tỉnh miền Tây. Tiếng cười nói huyên thuyên xí xô xí xào ra vẻ tự đắc lắm. Chúng đang mơ tới ngày trở lại quê hương sau khi hoàn thành nghĩa vụ giúp Nguyễn Ánh chiếm trọn các tỉnh phía Nam để giương cao đầu cùng cả năm châu, để tự hào nói rằng: Quân Xiêm bách chiến, bách thắng, đã ra đi là giành thắng lợi.

Trước đó, hàng trăm chiến thuyền, thuyền buồm, xuồng ghe vận tải của quân Tây Sơn bí mật tập kết vào sông Tiền mà bọn giặc không hề hay biết. Nhân dân hai bên bờ sông kín như “bưng” không nói một lời. Ngày cũng như đêm, họ ra sức ngụy trang các phương tiện chiến đấu, vận tải, tải đạn, mài gươm, mài giáo cho nghĩa quân, tiếp tế lương thực sẵn sàng chiến đấu. Khí thế thật rộn ràng hừng hực chờ đợi trận thủy chiến để đánh tan quân xâm lược.

Trước mặt thuyền tiên phong của địch, thấp thoáng những chiếc xuồng nhỏ chiêng trống vang lừng đang khiêu khích. Quân Tây Sơn đã ngoi ra nhử địch. Lệnh truyền phát ra từ chiến thuyền của chủ tướng Chiêu Tăng: Phải đuổi theo truy sát tới cùng cái bọn Tây Sơn. Hàng trăm chiến thuyền địch tăng tốc ào ào về phía thượng lưu, hướng Rạch Gầm - Xoài Mút. Ầm. Ầm. Ầm. Bất ngờ những quả đạn từ hàng trăm khẩu súng thần công bắn xuống thuyền giặc từ phía “cồn”. Thới Sơn, phía hữu ngạn sông Tiền làm địch bối rối, chống trả vô phương hướng. Nước bắt đầu ròng xiết. Hàng trăm chiến thuyền Tây Sơn “ẩn trú” trong rạch Rạch Gầm, Xoài Mút đồng loạt xông ra. Tiếng súng thần công nã đạn ầm ầm vào thuyền giặc sáng rực khúc sông quê. Tàu giặc cháy ngùn ngụt. Nghĩa quân Tây Sơn reo hò tiến lên giết giặc. Thuyền chiến của chủ tướng Chiêu Tăng, phó tướng Chiêu Sương trúng đạn chao nghiêng được mấy chiến thuyền còn nguyên vẹn hộ tống ra sông cái nhanh chóng tẩu thoát bỏ lại hàng chục ngàn xác lính Xiêm nằm dầy đặc khúc sông này.

Câu chuyện cổ hàng trăm năm trước lại được tiếp tục qua giọng kể lúc trầm, lúc bổng, lúc nhanh, lúc chậm như con nước lớn, nước ròng của dòng sông lịch sử. Sau trận đó, quân Tây Sơn kéo về Huế, giao lại chuyện trấn giữ đất này cho các tướng sỹ. Rồi vật đổi sao dời, thời thế đổi thay. Cái xứ Mỹ Tho này, trong đó có người dân Rạch Gầm, Xoài Mút phải hứng chịu bao ách đô hộ, thống trị của chế độ phong kiến, thực dân, đế quốc cho tới ngày hòa bình thống nhất, sum họp Bắc - Nam.

- Tụi bây có tin ma quỷ thánh thần gì hôn? Ông Sáu đột ngột dừng kể hỏi.

- Ông hỏi vậy là sao? Tụi con có thấy hồi nào đâu là tin với hổng tin.

Ông phá lên cười thật lâu như để câu chuyện tiếp tục được trơn tru hơn. Ngộ thiệt ngộ. Mấy trăm năm qua, hổng có ai dám tới đây nói bậy nói bạ, hổng ai dám xây cất tràn lan. Kể cả mấy thằng Tây, thằng Mỹ cũng rất “ớn” khu này. Vậy nên đoạn sông này vắng tanh, cỏ mọc ngút ngàn, hoang vu với nhiều câu chuyện kể rùng rợn. Nào là ban đêm nhiều người thấy cọp lội sông về đây phủ phục dưới chân ông “Huệ”; nào là mấy chục con rắn hổ mang chúa cũng bò về múa may uốn lượn dưới chân chủ tướng Tây Sơn; nào là đúng vào đêm xảy ra trận thủy chiến, người dân hai bên bờ sông lại nghe tiếng kêu gào thảm thiết của những chiến binh người Xiêm tử trận đòi về cố quốc; những bóng ma cứ lượn lờ bay bổng trên mặt sông rồi biến mất khi mặt trời xuất hiện…

Tiếng loa phát thanh vang lên từ khu di tích làm ông trở về thực tại. “…Đề nghị bà con cô bác trật tự, ổn định chỗ ngồi để chúng tôi bắt đầu tiến hành chương trình kỷ niệm 230 năm chiến thắng Rạch Gầm, Xoài Mút…”. Tiếng vỗ tay rầm rầm sau mỗi tiết mục văn nghệ đặc sắc. Bên kia, khu hội chợ vẫn đang mua bán rộn ràng. Đèn cao áp chiếu sáng cả đoạn sông lịch sử, chiếu sáng bức tượng đài bằng đồng in dáng hình oai phong lẫm liệt của người anh hùng áo vải.

Ông Sáu “Rạch Gầm” tần ngần, chậm rãi bước ra phía sông rộng. Ở đó cây cầu Rạch Miễu cao nghều nghệu đang dõi mắt nhìn xuống mặt nước mênh mông như là một chứng nhân của lịch sử hào hùng đã qua, và đang sẵn sàng kể lại với cuộc đời câu chuyện đầy xúc động về huyền sử Xoài Mút - Rạch Gầm.

Tô Phục Hưng

Khi lính đảo về nhà
Khi lính đảo về nhà

Hình như có tiếng róc rách. Dương nén hơi thở dồn dập để lắng nghe. Suối, đúng rồi tiếng suối. Cái sự gọi là rảo bước chỉ là không dừng lại nghỉ sau ba bước leo dốc. Dương bật ra tiếng gọi: mẹ ơi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN