Nghĩa tình Thông tấn xã

Tôi đến với nghề báo là một sự tình cờ. Nhưng khi bắt tay vào việc lại có sự say mê thích thú, biến từ cái nghề thành cái nghiệp lúc nào tôi không hay.

1. Sau cuộc Đồng Khởi ở tỉnh Bến Tre năm 1960, phong trào cách mạng miền Nam nổi lên khắp nơi. Là thanh niên tuổi 21 trong một gia đình có truyền thống cách mạng (ba tôi bị máy bay giặc Pháp bắn chết), lòng mang nặng căm thù, tôi cùng số anh em bạn bè trong xóm tòng quân đánh giặc. Lúc đó tôi vừa học xong lớp Đệ tứ Trung học đệ nhất cấp chế độ cũ (tương đương lớp 7 bây giờ), thuộc số có trình độ học vấn khá nhất ở nông thôn. Tôi lại giỏi môn Văn, nghĩ mình cũng sẽ đóng góp được gì cho kháng chiến.

2. Huyện ủy huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An) không đưa tôi vào bộ đội, lại chọn tôi vào Ban Tuyên Văn Giáo (Tuyên truyền Văn hóa, giáo dục), làm ủy viên giáo dục. Năm 1963, trong khi tôi cùng với anh em xã đội, cán bộ thanh niên, phụ nữ và nhân dân hàng đêm luân phiên nhau đi phá 1 trong 5 ấp chiến lược của Mỹ - Diệm tại xã nhà Phước Lại thì được lệnh huyện ủy triệu tập về đi dự lớp học Tuyên truyền – Báo chí của Ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam (R) ở Tây Ninh. Năm 1964, mãn lớp, anh chị em bạn học đều được về các địa phương miền Đông, miền Tây Nam Bộ, Sài Gòn – Gia Định, các tỉnh Tây Nguyên, tôi và 4 anh nữa có lệnh của ông Trần Bạch Đằng, Phó ban Thường trực Ban Tuyên huấn giữ lại: 2 người về Đài phát thanh Giải phóng, 3 người về Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP), trong đó có tôi.

Phút nghỉ ngơi trên đường hành quân. Ảnh: Tư liệu


Bất ngờ quá, nhưng lệnh tôi phải chấp hành. Đã ở lại, thú thật lúc đó tôi thích ở Đài Giải phóng hơn vì có tiếng nói mọi người đều biết, còn TTX nghe lạ hoắc, tôi chưa biết. Nhưng tôi không dám khiếu nại.   

3. Tại TTXGP, tôi được phân công về Tổ tin trong nước do anh Khả Minh, Phó Giám đốc kiêm Tổ trưởng với hai phóng viên già là anh Ba Sinh (nhà báo Thành Hương) và anh Năm Ngọc (giỏi tốc ký) chủ yếu là biên tập tin từ phân xã các tỉnh điện báo về để in Bản tin ta phục vụ cho lãnh đạo Đảng, Ban Tuyên huấn và các tiểu ban của Ban Tuyên huấn Trung ương cục, Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam - Tôi làm biên tập trước khi làm phóng viên. Lúc đầu biên tập tin chiến sự, vài tháng quen dần biên tập tin đấu tranh chính trị, lâu lâu có tin đấu tranh của công nhân, học sinh, sinh viên, giáo chức, bạn hàng ở các chợ Sài Gòn, Biên Hòa, Cần Thơ…

Tôi đi làm phóng viên đầu tiên cùng đi với mấy phóng viên nhiếp ảnh dự Đại hội phụ nữ giải phóng miền Nam (1964) được biết chị Phan Thị Quyến (vợ anh Nguyễn Văn Trỗi), và chị Út Tịch, biết Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, biết chị Lê Thị Riêng,... và nhiều nhân vật nổi tiếng. Tôi viết tin Đại Hội bị Ban biên tập sửa chữa, cắt bỏ nhiều chỗ trước khi đăng Bản tin. Bài học đầu đời này tôi nhớ mãi. Tôi không buồn mà còn phục Ban biên tập giỏi quá, khi đọc lại bản tin đã được in thấy gọn gàng, trong sáng, dễ hiểu, toát lên được ý chính của chủ đề mà mình chưa thể hiện được. Tôi rất quý những bản nháp này. Tôi chặt cây rừng đóng kệ để giữ lại toàn bộ bản nháp có dấu mực đỏ gạch ngang dọc của mấy thầy, để thỉnh thoảng tôi lấy ra đọc lại thật kỹ, tìm ra chỗ sai sót, non yếu của mình, nhất là về chính trị, văn phong báo chí. Tôi rút kinh nghiệm từ thực tế này, tự đặt ra phương pháp tu dưỡng rèn luyện nghiêm khắc với bản thân, thận trọng khi đặt bút viết tin. Sau thời gian kết quả thấy rõ. Bản thân tôi viết ít bị gạch xóa rồi ít bị sửa chữa.

Nhớ có chuyện vui, có lần anh Hai nghĩa (Phạm Nho Nghĩa) biên tập tin, tôi viết “du kích bắn rớt máy bay” anh sửa lại là “du kích bắn rơi máy bay”. Tôi lý sự là từ “rớt” thuộc thanh sắc mới đủ sức diễn đạt sức mạnh rớt xuống nhanh cắm phập xuống ruộng, mới khí thế, còn động từ “rơi” thanh bằng, như lá rơi nhẹ nhàng quá, nghe không đã. Hai anh em đều cười xòa.

Đông xuân 1965-1966, Quân giải phóng khá lớn mạnh, đã thành lập cấp sư đoàn (3 sư đoàn 5,7,9). Tôi được đi làm phóng viên chiến trường, là đoàn viên thanh niên lại được Ban Giám Đốc phân công làm Tổ trưởng tổ công tác 9 người gồm cả phóng viên Tin, Ảnh và Kỹ thuật điện đài – trong khi Tổ có đảng viên lại không được phân công Tổ trưởng – Tôi thắc mắc hỏi lại, Ban giám đốc trả lời: Đây là lệnh, cứ chấp hành. Tổ chúng tôi đến công tác tại Công trường 5 (bí danh sư đoàn 5) hoạt động tại các tỉnh Bình Thuận (đánh trận Võ Xu – Võ Đắc) và Bà Rịa (đánh trận Tầm Bó) toàn thắng. Trận đánh Võ Xu, khi bộ đội trên đường rút quân chưa về tới căn cứ, 5 giờ 30 phút sáng đài phát thanh Giải phóng đã đưa tin chiến thắng này. Bộ đội ta nghe tin hết sức phấn khởi, cám ơn và thán phục độ nhanh nhạy của Thông Tấn xã.

Sau thắng lợi vang dội trận Bàu Bàng (Bến Cát - Thủ Dầu Một), 1969, phong trào đấu tranh của công nhân, học sinh, sinh viên ở Sài Gòn và các đô thị miền Nam sôi động, Ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam giao cho TTXGP cử một tổ điểm báo Sài Gòn, nhiệm vụ mỗi ngày mua khoảng 30 tờ báo xuất bản ở Sài Gòn, điểm tin đấu tranh của công nhân, học sinh, sinh viên chuyển bằng điện đài ngay về TTXGP để hỗ trợ các cuộc đấu tranh ở đô thị. Tôi làm Tổ trưởng Tổ điểm báo kiêm phóng viên tin, cùng với bốn anh em: 2 báo vụ, 2 quay viên (ragono) và một giao liên, mỗi buổi chiều đi nhận báo từ các bạn hàng đi mua bán ở chợ về. Khi có báo về, tôi khẩn trương xem qua, điểm ngay những tin cần thiết, được tờ nào cho điện ngay tờ ấy. Anh em làm việc bất kể giờ giấc. Những tin gây xúc động: Lính Mỹ đá đổ mâm cơm công nhân đang ăn, gãy cần cẩu tàu hàng ở bến cảng Sài Gòn đè chết công nhân, xe tăng Mỹ cán chết công nhân hãng dệt Vinatexco đấu tranh; tin ba sinh viên Long, Tòng, Kiệt “chống đối” bị đày đi nhà tù Côn Đảo… được Đài Giải Phóng, Đài Tiếng nói Việt Nam phát lên kịp thời động viên, hỗ trợ mạnh phong trào đấu tranh ở đô thị.

Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975, tôi lại được Ban Giám Đốc tín nhiệm giao phụ trách tổ trưởng một mũi TTXGP xuống đường về giải phóng Sài Gòn. Tổ gồm 5 người: Tôi (phóng viên tin), Thiêm (phóng viên ảnh), Tiệp, Mến (báo vụ) và Chức (kỹ thuật sửa máy). Tổ chúng tôi khởi hành từ ngày 7 tháng 4 tại Xa mát (Tây Ninh) nhập vào đoàn Ban Tuyên huấn, sau nhập vào đoàn Trung ương cục miền Nam. Đoàn bị kẹt ở lộ Bình Dương - Củ Chi hai tuần lễ do xe tăng địch án ngữ chặt đường đi.

Đến ngày 29/4, sau khi Quân giải phóng diệt cứ điểm ác ôn Đồng Dù (Củ Chi), đoàn mới đi tiếp, chiều 30/4/1975 vô đến Sài Gòn. Tôi được anh Chín Thép, cán bộ Thành đoàn lái xe Vespa chạy quan sát một vòng từ Sài Gòn vô Chợ Lớn, qua Phú Nhuận, xuống Bình Tân, trở về viết tin sốt dẻo: “Sài Gòn sau vài giờ giải phóng”. Sáng sớm hôm sau đi một vòng nữa kỹ hơn, ra tận cảng Sài Gòn phỏng vấn viên Trung úy Hải quân Sài Gòn phản chiến đưa tàu trở lại bến cảng, đến sân bay Tân Sơn Nhất về đưa bài “Sài Gòn, ngày 1 tháng 5” (báo Nhân Dân đăng lại với tít “1 tháng 5 Sài Gòn”. Đặc biệt tôi có ấn tượng sâu sắc về bài viết này.

Sáng sớm ngày 1 tháng 5, sau một đêm làm việc bằng điện đài trên sân thượng, biết chúng tôi là lính Thông Tấn xã, cần có tin nhanh, ông Ca thân sinh anh Chín Thép cho mượn chiếc xe du lịch của nhà và ông cùng đi dạo khắp Sài Gòn, theo đề nghị của tôi. Cũng sáng hôm đó, người dân Sài Gòn, không ai bảo ai hồ hởi đổ xô ra khắp nẻo đường hít thở không khí giải phóng trong lành đầu tiên, mừng ngày đầu giải phóng trọng đại mà họ mòn mỏi chờ đợi bao nhiêu năm. Ngày đầu chưa có cảnh sát, chỉ có bộ đội và lực lượng thanh niên, sinh viên, học sinh có mặt ở các ngã tư, ngã năm, ngã bảy những tuyến đường lớn,dù cố gắng hết sức nhưng có những chỗ bị kẹt xe, như đường Nguyễn Văn Thoại (cũ) mà xe chúng tôi dừng chờ. Thấy chờ lâu ông cụ bảo vào tiệm phở gần đó ăn xong rồi hãy đi. Mọi người đi ăn phở. Tôi xin ở lại giữ xe. Vì lúc đó đã hơn 7 giờ 30 phút rồi, mà phiên làm việc là 8 giờ, tôi khẩn trương viết thật nhanh để về cho kịp phát tin. Có anh ăn xong trước ra xe giục tôi vào ăn. Để vừa lòng ông cụ, tôi bảo “tôi chỉ ăn trong 5 phút, anh cho nấu sẵn đi!” cũng là lúc tôi ngồi trên xe viết xong bài. Về tới nhà, anh em điện đài đã lên máy đợi mấy phút. Sau đó, tôi đưa tiếp những tin bài về: Cuộc sống hồi sinh, Thanh niên “băng đỏ” điều khiển giao thông, nhân dân mừng ngày giải phóng..

4. Đối với tôi, ôn lại 40 năm là sự tri ân Thông Tấn Xã nặng nghĩa tình. Nhưng tôi đã sống và trưởng thành với TTX hơn 50 năm thì tình nghĩa và công ơn này càng sâu sắc biết bao nhiêu! Nếu cách mạng là trường Đại học, thì TTX là trường Đại học đặc biệt đối với tôi. Từ một thanh niên học sinh nhà quê với lòng trung thành, ham học hỏi, tôi đã được các thế hệ lãnh đạo TTX dạy dỗ dìu dắt huấn luyện trải qua thử thách thật sự ở chiến trường, tôi đã trở thành phóng viên, biên tập viên, rồi cán bộ phụ trách cấp phòng (1974). Nhờ từ môi trường rèn luyện này tôi có thành tích, được Nhà nước tặng thưởng Huân Chương Độc lập hạng ba (1999) là điều vinh hạnh rất lớn cho cuộc đời làm phóng viên của minh. Về bản thân, tôi còn được nhiều thứ ở TTX. Tôi được cơ quan thay mặt gia đình hai bên tổ chức lễ thành hôn (1.5.1968), Chi bộ tổ chức lễ kết nạp Đảng cho vợ chồng tôi cùng ngày 2.9.1969. Sau giải phóng, tôi được đi học tại chức và tốt nghiệp hai bằng: Cử nhân và Thạc sĩ Khoa học ngữ văn tại Trường Đại học TP. HCM. Tôi luôn tự hào mình là phóng viên của TTX.

Nghĩa tình này tôi nhớ mãi suốt đời. Đó là nguồn động viên thường xuyên tôi không ngừng công tác nghiên cứu, học tập, viết lách dù ở tuổi thất tuần đầu óc còn minh mẫn nhưng sức khỏe giảm sút nhiều vẫn thể hiện tinh thần “Về hưu chẳng chịu nghỉ hưu, Vẫn còn mần việc lu bù ngày đêm”. Nói “Thông Tấn Xã trong tôi” không có gì quá đáng.

Thanh Bền
“Lính thông tấn” thăm chiến trường xưa
“Lính thông tấn” thăm chiến trường xưa

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam (30/4/1975-30/4/2015) và 55 năm thành lập Thông tấn xã giải phóng (12/10/1960 -12/10/2015), gần 100 cựu phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã có chuyến trở lại thăm chiến trường xưa...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN